Y học

Điều trị kịp thời bệnh nhân vừa xuất huyết âm đạo vì thai trứng vừa nhiễm độc giáp

An Quý 14/09/2023 - 19:54

Chị T.T.N.D (sinh năm 1977, Đồng Tháp) nhập vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Phú Nhuận, trong tình trạng nôn ói, mệt mỏi thường xuyên, chảy máu âm đạo rỉ rả kèm theo nhiễm độc giáp, nhịp tim nhanh, viêm loét dạ dày... Các kết quả xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân này mang thai trứng.

Trước đó, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi, thực hiện nhiều lần siêu âm. Từ kết quả siêu âm, bệnh nhân được chẩn đoán có u xơ tử cung. Bệnh nhân sau đó được nội soi dạ dày với chẩn đoán viêm loét dạ dày; siêu âm giáp và xét nghiệm tuyến giáp cho thấy bệnh nhân bị nhiễm độc giáp.

Bệnh nhân được điều trị theo các hướng đó nhưng tình trạng sức khỏe không cải thiện. Về nhà, bệnh nhân vẫn bị nôn ói nhiều hơn, mệt nhiều.

cac-bs-tien-hanh-nao-hut-thai-trung.jpg
Thai trứng được các bác sĩ Bệnh viện Quận Phú Nhuận nạo hút ra

Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Quận Phú Nhuận vào ngày 12/9/2023. Từ khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từng có quan hệ tình dục cách đây khoảng 1 tháng, không sử dụng bất cứ phương pháp ngừa thai, không nhớ kỳ kinh cuối; cùng với kinh nghiệm khám lâm sàng, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Phú Nhuận nghi ngờ bệnh nhân có thai nên đã chỉ định siêu âm.

Rỉ rả chảy máu âm đạo, cảnh báo các bất thường sản khoa

BS Phạm Thị Đài Trang, chuyên khoa Sản, Bệnh viện Quận Phú Nhuận, cho biết: “Khi đưa bệnh nhân đi làm siêu âm, chúng tôi phát hiện một khối trong lòng tử cung có hình ảnh như tổ ong hoặc chùm nho. Đây là hình ảnh điển hình của thai trứng toàn phần. Kết quả xét nghiệm βhCG tăng cao bất thường (chỉ số hơn 270,000UI/ml) càng xác định bệnh nhân bị thai trứng.”

Do bệnh nhân có tình trạng nhiễm độc giáp, mạch không ổn định, qua hội chẩn giữa các bác sĩ của khoa Sản và khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã được xử trí khẩn cấp cùng trong ngày.

Theo BSCKII Nguyễn Năng Viện, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Phú Nhuận, đây là lần đầu tiên, khoa Sản và khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận Phú Nhuận phối hợp điều trị thành công cho một ca thai trứng trên một bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền khác.

Sau 1h thực hiện thủ thuật nạo hút thai trứng dưới hỗ trợ của siêu âm, các bác sĩ đã lấy ra được một khối thai trứng nặng khoảng 0,5kg. Tình trạng bệnh nhân sau đó ổn định, các bác sĩ theo dõi sau khi nạo hút thai trứng. Bên cạnh đó, bệnh nhân vẫn được điều trị nội khoa để ổn định tình trạng nhiễm độc giáp.

thai-trung-duoc-nao-vet.jpg
Sau 1h thực hiện thủ thuật nạo hút thai trứng dưới hỗ trợ của siêu âm, các bác sĩ Bệnh viện Quận Phú Nhuận đã lấy ra được một khối thai trứng nặng khoảng 0,5kg.

“Nhiễm độc giáp nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến các cơn bão giáp, làm cho bệnh nhân suy hô hấp, nhịp tim tăng lên, bệnh nhân có thể ngưng tim ngừng thở bất kỳ lúc nào,” BSCKII Nguyễn Năng Viện cho biết.

Ngoài ra, bệnh nhân này vẫn được tiếp tục theo dõi trong khoảng 2 năm nữa và trong thời gian này cần ngừa thai cho đến khi quá trình theo dõi hoàn tất. Theo BS Đài Trang, khi nạo hút thai trứng ổn định rồi, xét nghiệm βhCG vẫn luôn được thực hiện nếu chỉ số vẫn tăng cao, bệnh nhân có nguy cơ tiến triển ung thư nguyên bào nuôi, khi đó bệnh nhân sẽ cần điều trị chuyên sâu hơn.

Theo BS Trang, nguyên nhân xuất hiện thai trứng đa phần thường từ sự thụ tinh bất thường có nguồn gốc từ bố, do noãn thụ tinh với tinh trùng đơn bội, nhiễm sắc thể của tinh trùng được nhân đôi, nhân của noãn không có hoặc không hoạt động. Từ đó khiến tình trạng nguyên bào nuôi thay đổi, gia tăng bất thường, không hiện diện phôi thai, toàn bộ các gai nhau đều thoái hóa thành các bọc nước hay còn gọi là bọc trứng.

BS Đài Trang giải thích, thai trứng có hai dạng: toàn phần và bán phần. Thai trứng toàn phần không có cấu trúc phôi thai hoặc bào thai có thể nhận dạng được. Ngược lại, thai trứng bán phần có thể có tồn tại bào thai. Ngoài ra, thai trứng bán phần sẽ có những bất thường khu trú, bên cạnh những bọc trứng còn có các mô nhau thai hoặc có cả phôi, thai nhi (thường chết, thoái triển).

Tuổi mẹ càng cao càng dễ gặp thai trứng

Theo BS Đài Trang, ghi nhận của y văn, tỷ lệ thai trứng thay đổi khá nhiều ở các quốc gia trên thế giới. Ví dụ: Nhật Bản 2:1000 thai kỳ, Đài Loan là 1/125 thai kỳ, trong khi châu Âu hoặc Bắc Mỹ khoảng 0,6 - 1,1/1.000 thai kỳ. Tại Việt Nam, tỷ lệ thai trứng vào khoảng 1/456 thai kỳ. Nói chung, tỷ lệ trung bình khoảng 1/1945 - 1/695 thai kỳ.

BS Đài Trang cho biết thêm: “Tuổi mẹ và tiền căn thai trứng trước đó là yếu tố nguy cơ mạnh nhất. Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ thai trứng cao gấp 5 - 10 lần, xác suất tăng lên 1/3 thai kỳ mắc thai trứng ở phụ nữ trên 50 tuổi. Một số nơi có báo cáo về mối liên quan giữa thai trứng và điều kiện kinh tế xã hội. Một số nghiên cứu từ Ý và Mỹ cho thấy khẩu phần ăn giảm beta carotene có tăng nguy cơ thai trứng.”

sieu-am.jpg
Các bác sĩ của Bệnh viện Quận Phú Nhuận kiểm tra lại tình trạng của bệnh nhân sau thủ thuật nạo hút thai trứng.

BS Trang cũng đưa ra những khuyến nghị theo dõi thai kỳ để sớm phát hiện các bất thường khi mang thai. Bao gồm: xuất huyết tử cung, buồn nôn và nôn nhiều, tử cung to hơn tuổi thai, tiền sản giật, cường giáp.

Trong đó, xuất huyết tử cung xuất hiện ở trên 97% sản phụ. Do mô trứng tách khỏi màng rụng, gây gián đoạn mạch máu mẹ, dẫn đến xuất huyết. Một nửa số sản phụ khi đi khám thường có tình trạng thiếu máu (HGB<10mg/dL)

Tử cung to hơn tuổi thai hiện nay chỉ gặp ở 28% số bệnh nhân, thường có liên quan đến nồng độ hCG tăng cao rõ rệt, do sự phát triển quá mức của nguyên bào nuôi.

Tiền sản giật xuất hiện trên 27% bệnh nhân mang thai trứng. Tiền sản giật hầu như chỉ phát triển ở những bệnh nhân có kích thước tử cung quá mức và hCG tăng cao rõ rệt.

Buồn nôn và nôn nhiều gặp ở 1/4 sản phụ mang thai trứng và cần dùng chống nôn đường tĩnh mạch. Ngoài ra, cường giáp cũng xuất hiện ở 7% bệnh nhân, thường thấy nhịp tim nhanh, da khô, nóng...

Các yếu tố nguy cơ của bệnh nguyên bào nuôi do thai

Bệnh lý nguyên bào nuôi liên quan đến thai kỳ (Gestational trophoblastic disease - GTD) là tên gọi chung cho các bệnh có sự tăng sinh bất thường của các nguyên bào nuôi kết hợp với thai kỳ. GTD chia ra làm hai dạng: thai trứng và u nguyên bào nuôi.

Hai yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh nguyên bào nuôi do thai (GTD) là tuổi mẹ trên 35 và tiền sử GTD ở lần mang thai trước:

- Tuổi mẹ trên 35: nguy cơ GTD tăng đáng kể trong những người lớn hơn 35 tuổi và tăng nhẹ ở những người dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp GTD xảy ra ở phụ nữ dưới 35 tuổi vì số lượng các phụ nữ trẻ mang thai nhiều hơn. Di chứng ác tính xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi.

- Tiền sử GTD ở lần mang thai trước: Nghiên cứu từ Mỹ và Anh đã phát hiện ra rằng phụ nữ có tiền sử thai trứng có nguy cơ khoảng 1% tái phát trong lần mang thai tiếp theo (so với tỷ lệ 0,1% trong dân số chung của Mỹ). Tỷ lệ tái phát cao hơn rất nhiều sau hai lần mang thai trứng (16 - 28%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều trị kịp thời bệnh nhân vừa xuất huyết âm đạo vì thai trứng vừa nhiễm độc giáp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO