Khoa học

Diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024: Chuyên gia, nhà khoa học góp ý hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba

Công Chương 12/04/2024 - 17:05

Đây là sự kiện trọng điểm, tổng kết toàn Chuỗi hoạt động Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024 với chủ điểm chính “Bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP.HCM (ULAW) tổ chức.

Ngày 11/4/2024, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP.HCM (ULAW) tổ chức Diễn đàn khoa học “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài”. Chương trình quy tụ nhiều chuyên gia là các Luật sư, các Trọng tài viên nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại nói riêng và tư pháp nói chung, thành công thu hút hơn 200 đại biểu tham dự cũng nhiều cơ quan thông tấn báo chí.

cac-dien-gia-trao-doi-ve-dien-bien-cua-quy-trinh-to-tung-trong-tai-va-van-de-lien-quan-den-ben-thu-ba.jpg
Các diễn giả trao đổi về diễn biến của quy trình tố tụng trọng tài và vấn đề liên quan đến bên thứ ba.

Chương trình Diễn đàn khoa học về Trọng tài “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” được triển khai theo hình thức Phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung liên quan đến các tác động của bên thứ ba trong quy trình tố tụng trọng tài.

Vai trò của bên thứ ba ảnh hưởng tới quá trình tố tụng trọng tài

pgs.ts.-pham-duy-nghia-dieu-phoi-phien-thao-luan-thu-nhat.jpg

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa điều phối phiên thảo luận thứ nhất.

Mở đầu Diễn đàn, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc chương trình MPP, Giảng viên trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần đề dẫn “Bên thứ ba” trong quy định pháp luật về trọng tài tại Việt Nam và sự cần thiết bổ sung quy định về chủ thể này”. Theo ông Nghĩa, trong sự “nhằng nhịt” của các quan hệ giao dịch trong xã hội - đa biến, đa chủ thể, đa bên, một hợp đồng thể hiện một phần trong mắt xích cho cả một chuỗi sự kiện. Trọng tài, với bản chất là một thủ tục riêng tư, không công khai, tự giới hạn giải quyết tranh chấp xung đột song phương giữa các bên có thỏa thuận trọng tài. Với sự phát triển phức tạp của xã hội như hiện nay, yếu tố “bên thứ ba” làm nảy sinh mâu thuẫn tiềm ẩn trong quá trình tố tụng trọng tài. Từ đây, thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xem xét, thiết kế lại cơ chế đối với “bên thứ ba” trong tố tụng trọng tài nhằm xử lý thỏa đáng, vừa công bằng, thỏa đáng nhưng vẫn giữ được những nguyên tắc căn bản của Trọng tài.

Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Diễn biến của quy trình tố tụng trọng tài và vấn đề liên quan đến bên thứ ba” được diễn ra với sự điều phối của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc chương trình MPP, Giảng viên trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng sự tham gia của các chuyên gia: Ông Đỗ Quốc Đạt - Chánh Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân TP.HCM; LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC, Trọng tài viên VIAC và LS. Nguyễn Duy Linh - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), Trọng tài viên VIAC. Liên quan tới vấn đề phát sinh từ bên thứ ba ảnh hưởng tới quá trình tố tụng trọng tài, có thể đánh giá rằng, sự xuất hiện của chủ thể này có tác động xuyên suốt từ trong quá trình tố tụng và cả hậu phán quyết. Lấy ví dụ đối với vấn đề cung cấp chứng cứ và xác minh chứng cứ từ bên thứ ba, LS. Nguyễn Mạnh Dũng có chỉ ra rằng so với Luật Mẫu UNCITRAL, Luật TTTM 2010 cho phép Hội đồng Trọng tài (HĐTT) có thẩm quyền xác minh sự việc (Điều 45). Tuy nhiên đối chiếu với thông lệ quốc tế, không có cơ sở lý luận nào cho HĐTT thẩm quyền xác minh sự việc từ bên thứ ba, kể cả Luật Mẫu và các quy tắc tố tụng trọng tài quốc tế cũng bỏ ngỏ quy định về vấn đề này. Câu hỏi đặt ra ở đây là đối với những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, cần được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài thì có bị coi là HĐTT đã vượt quá thẩm quyền đối với bên thứ ba hay không?

Luật sư Nguyễn Duy Linh cũng bổ sung quan điểm về một số trường hợp bên thứ ba có ý kiến, phản đổi trong quá trình tố tụng trọng tài. Ông Linh liệt kê một số trường hợp thực tiễn để minh họa về mối tương quan phức tạp giữa nhiều chủ thể trong các tranh chấp như công ty mẹ - công ty con, thầu chính - thầu phụ - chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài và ban quản lý dự án… Như vậy, theo ông Linh, khái niệm về “người thứ ba” trong tố tụng trọng tài không chỉ cần được hiểu theo nghĩa hẹp mà còn phải mở rộng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh sự tham gia của yếu tố này ngày càng trở nên phổ biến hơn trên thế giới. Ông Linh nhấn mạnh, trong nhiều trường hợp việc tham gia của bên thứ ba giúp giải quyết tranh chấp triệt để hơn, nâng cao khả năng thi hành phán quyết nhưng với khung pháp lý hiện nay của Việt Nam thì mức độ tham gia của bên thứ ba còn rất hạn chế.

Không chỉ có tác động trong quá trình giải quyết tranh chấp, bên thứ ba nhiều khi còn là nguyên nhân dẫn đến hủy phán quyết trọng tài. Ông Đỗ Quốc Đạt - Chánh Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân TP.HCM cũng chia sẻ góc nhìn với vai trò là Thẩm phán trực tiếp giải quyết những đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ông Đạt cho biết, hiện nay, điều 68 quy định những trường hợp phán quyết bị hủy, trong đó có bao gồm trường hợp tòa án hủy phán quyết trọng tài với lý do vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, phán quyết trọng tài chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với các bên tranh chấp, nếu nội dung phán quyết ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của một bên thứ ba, có hai khả năng: (i) phán quyết bị hủy; (ii) phán quyết không thể thi hành được. Ông Đạt rất chia sẻ với Hội đồng Trọng tài vì trên thực tế, nhiều trường hợp Hội đồng Trọng tài không thể biết được phán quyết có thể ảnh hưởng tới bên thứ ba nếu như các bên không cung cấp thông tin.

cac-don-vi-tien-hanh-ky-ket-bien-ban-ghi-nho-hop-tac.jpg
Tại Diễn đàn khoa học “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài”, Trường Đại học Luật TP.HCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế t Nam (VIAC) đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác triển khai nhiều lĩnh vực về trọng tài và hòa giải.

Bên thứ ba ở góc độ quy định pháp luật quốc tế

Tiếp nối phiên 1, Phiên 2 Diễn đàn tập trung khai thác vấn đề liên quan đến bên thứ ba ở góc độ quy định pháp luật quốc tế, tiến hành đối chiếu với khung pháp lý tại Việt Nam và đưa ra đánh giá về tính khả thi khi áp dụng các quy định quốc tế này. Theo đó, mở đầu Phiên 2, TS.LS Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng trọng tài Dsungsrt & Asscociates LLC đã có phần trình bày tổng quan về “Những thuận lợi và bất lợi khi bổ sung cơ chế tham gia của bên thứ ba vào quy trình tố tụng trọng tài. TS.LS Thu Trang nhận định việc bổ sung cơ chế cho bên thứ ba sẽ giúp việc giải quyết tranh chấp thuận lợi hơn khi việc lấy ý kiến, thông tin, chứng cứ từ bên này dễ dàng hơn; quá trình áp dụng các thủ tục phát sinh trong quá trình tố tụng cũng hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, sự cho phép này còn giúp lại bỏ nguy cơ hủy phán quyết trọng tài hoặc không cho công nhận, thi hành phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, song song với các thuận lợi, việc cho bên thứ ba tham gia vào quy trình tố tụng có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận các bên, khiến quá trình giải quyết trở nên phức tạp hơn và làm giảm mức độ bảo mật của trọng tài.

Bổ sung cho các trao đổi của TS.LS Thu Trang, từ góc độ quốc tế, Luật sư Earl Rivera-Dolera - Luật sư, Trọng tài viên cũng đã cung cấp góc nhìn từ thực tiễn quốc tế, cụ thể là thực tiễn Singapore về vị thế và cách thức tham gia của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài. Trong phần chia sẻ, LS. Dolera đã đưa ra các trường hợp và cơ sở củng cố cho sự tham gia của bên thứ ba, cụ thể, bên thứ ba có thể tham gia khi có sự đề cập của các bên hoặc tham gia dưới tư cách là một bên trung gian trong mối quan hệ giữa bên đại lý và bên được ủy quyền. Ngoài ra, bên thứ ba còn có thể bị ràng buộc bởi thỏa thuận hoặc kết quả của trọng tài nếu yêu cầu của bên này đang được giải quyết bởi trọng tài. Một số trường hợp khác, bên thứ ba cũng có thể được cân nhắc tham gia quy trình tố tụng khi cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng một số học thuyết như “estoppel” và “veil-piercing/after ego”. Qua phần trao đổi, LS. Dolera đánh giá rằng việc tham gia của bên thứ ba trong hợp đồng là vô cùng quan trọng vì vậy ở mỗi giai đoạn, quyền lợi của bên thứ ba này cần được xem xét cẩn trọng để tránh tình trạng ảnh hưởng đến quá trình tố tụng trọng tài cũng như hiệu lực của phán quyết trọng tài.

Ở góc độ pháp luật Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, GS. Sebastien Manciaux - Phó Khoa Luật Đại học Burgundy (Bourgogne), thành viên của Credimi cũng đã đưa đến cho Diễn đàn góc tiếp cận liên quan đến việc mở rộng quyền tham gia của bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài. Cũng tương tự như Việt Nam, theo luật pháp Pháp, một bên chỉ có thể bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài nếu bên đó có sự đồng ý. Bên thứ ba có thể tham gia vào quy trình tố tụng trọng tài nếu bên này bị ràng buộc bởi điều khoản đó. Không có quy định nào theo luật của Pháp cho phép sự tham gia của bên thứ ba vào quy trình tố tụng trọng tài, tuy nhiên với thực tiễn xuất hiện khá nhiều của chủ thể này trong các vụ việc, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến về việc cho phép bên không ký kết tham gia vào quy trình trọng tài ở mức độ hợp lý và hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp. Mặc dù vẫn có những hoài nghi về việc sự tham gia của bên thứ ba có thể ảnh hưởng đến tính riêng tư của hợp đồng, bao gồm cả thỏa thuận trọng tài nhưng nhìn chung các nhà bình luận đều đồng ý rằng điều đó là cần thiết dựa trên nhu cầu thực tế. Phần nào đó, việc nới rộng sự tham gia của bên không ký kết này còn có thể giúp đảm bảo tính thống nhất trong việc ra quyết định của Hội đồng Trọng tài, tránh nhiều thủ tục tố tụng song song trong khi tranh chấp giữa các bên liên quan đến nhau.

Sau khi lắng nghe các ý kiến quốc tế, Luật sư Đỗ Khôi Nguyên - Luật sư Thành viên YKVN, Trọng tài viên VIAC đối chiếu quy định về pháp luật trọng tài tại Việt Nam và đánh giá khả năng tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài của bên thứ ba. Ông Nguyên dẫn chiếu đến điều 5 của Luật TTTM Việt Nam, tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận (lập trước và sau khi tranh chấp xảy ra). Thỏa thuận trọng tài vẫn còn hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật trong trường hợp cá nhân tham gia thỏa thuận trọng tài chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức. Như vậy, hoàn toàn có thể bên thứ ba tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024: Chuyên gia, nhà khoa học góp ý hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO