Đề xuất cơ chế 'một cửa', tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM
Cơ chế "một cửa" đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp các start-up, doanh nghiệp đơn giản hóa các thủ tục, từ đó thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP.HCM phát triển.
Đây là nội dung được ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đưa ra tại hội thảo "Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đến năm 2030 và công bố chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025", diễn ra ngày 3/4, tại TP.HCM.

Ba trụ cột để thúc đẩy khoa học công nghệ TP.HCM
Theo ông Lâm Đình Thắng, dựa trên nền tảng và thế mạnh sẵn có, Thành phố chọn ba trụ cột gồm chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực để thúc đẩy khoa học công nghệ TP.HCM phát triển.
Thứ nhất, các chính sách không chỉ đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận vốn mà còn nhiều cơ chế khác để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp của Thành phố. Trong đó, với ý tưởng cơ chế "một cửa" đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các cá nhân, doanh nghiệp, start-up muốn đầu tư phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp thì chỉ cần đến "một cửa" duy nhất. Bộ phận này sẽ là bên liên kết với các cơ quan của Nhà nước trên địa bàn Thành phố để giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
"Đây là mô hình lớn của Thành phố, nghĩa là phải tổ chức lại quy trình làm việc, thủ tục hành chính chứ không phải một cửa, một phòng mà có 8 nhân viên của 8 sở ngồi làm việc", ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.
Thứ hai là hạ tầng, đây không chỉ bao gồm không gian làm việc mà còn là hệ thống hạ tầng công nghệ, mạng lưới, quỹ đầu tư, các trung tâm nghiên cứu kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Với những yếu tố này, TP.HCM sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ lớn khi tìm kiếm địa điểm đặt trụ sở.

Ông Lâm Đình Thắng thông tin thêm, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (123 đường Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3) đã được gỡ vướng mắc và dự kiến sẽ khánh thành vào đầu tháng 5/2025. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có không gian sinh hoạt mới, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức.
Thứ ba là nguồn nhân lực, TP.HCM chú trọng phát triển hai nhóm đối tượng chính là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, nhằm trang bị tinh thần khởi nghiệp, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp. TP.HCM sẽ phối hợp với các trường đại học triển khai chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Đồng thời, Thành phố cũng kết nối với các trường đại học để tổ chức các khóa bồi dưỡng cho người đi làm và doanh nhân.
Nhiều giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Tại hội nghị, ông Trần Ninh Đông - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết, đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu có số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm; tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt 8-10%; hình thành 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp; nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu; nhóm 3 tỉnh, thành đứng đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cũng tại hội nghị, đại diện các quỹ đầu tư, tổ chức ươm tạo, doanh nghiệp, trường đại học, start-up đã đưa ra những giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUp, TP.HCM cần thiết lập, định vị rõ nét cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. Trong đó, phải trả lời được các câu hỏi hệ sinh thái TP.HCM được biết đến là gì? Chiến lược tập trung ở đâu? Bên cạnh đó, Thành phố cần thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn, doanh nghiệp vào hệ sinh thái, vì đây chính là nguồn lực dồi dào tạo ra sự phát triển bền vững cho start-up.
Ở góc độ đại diện quỹ đầu tư, bà Quỳnh cho biết BambuUP sẽ đồng hành cùng TP.HCM trong việc thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo, tăng tốc đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đồng thời, thiết kế và triển khai chương trình phát triển thị trường quốc tế cho start-up nổi bật. Tham gia tổ tư vấn xây dựng chính sách thu hút nhân tài và start-up quốc tế về Việt Nam.
Cũng tại chương trình ông Nguyễn Khắc Việt Bách - Giám đốc Quỹ BLOCKBASE - cho rằng Việt Nam chưa có các chương trình đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp, mà chỉ có các chương trình ngắn hạn. Do đó, Nhà nước có thể sử dụng nguồn vốn để cấp học bổng trực tiếp cho các trường đại học, từ đó các trường sẽ đào tạo sinh viên một chương trình dài hạn để đảm bảo nguồn nhân lực.

Còn theo PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ - Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM, để TP.HCM vào nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu, cần những cú hích từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; chương trình hành động số 63 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Nghị quyết số 57. Hiện Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đang xây dựng chương trình hành động từ Nghị quyết 57.
“Với cú hích từ quốc gia, quyết tâm của TP.HCM và sự đồng lòng của các đơn vị, TP.HCM sẽ đạt được mục tiêu trên”, ông Khôi nhấn mạnh.
Các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo của TP.HCM thu hút 2.813 dự án
Theo xếp hạng của Startup Blink năm 2024, TP.HCM xếp hạng thứ 111, có mặt trong top 100 thành phố toàn cầu về bốn lĩnh vực: Fintech xếp hạng thứ 54, Edtech xếp hạng thứ 62, thương mại điện tử và bán lẻ xếp hạng thứ 71, giao thông vận tải xếp hạng thứ 87.
TP.HCM đang đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á về giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp, với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỷ USD, sau Singapore và Jakarta. TP.HCM cùng với Hà Nội đứng đầu trong top 10 địa phương đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương cao nhất cả nước.
Các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo thu hút 2.813 dự án đăng ký qua các cuộc thi/chương trình ươm tạo: Cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel với 1.021 dự án; Cuộc thi Vietnam Youth Startup với 1.324 dự án; Cuộc thi khởi nghiệp xanh – Đổi mới sáng tạo năm 2024 với 199 dự án; Cuộc thi sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp lần 5 năm 2024 “Đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai xanh” với 123 dự án.