Đời sống

Đẩy lùi bạo lực học đường: Sự cần thiết khi trang bị kỹ năng cho học sinh

Trúc Nhã 31/03/2025 - 15:22

Giáo dục không chỉ đóng vai trò quan trọng định hình tương lai của trẻ em mà còn là yếu tố then chốt trong xây dựng nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bạo lực học đường đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, thể chất và sự phát triển của học sinh.

Nhằm bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo lực học đường, trang bị kiến thức, kỹ năng tự vệ an toàn, phòng tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của vấn nạn trên, ngày 31/3, báo Tuổi Trẻ tổ chức sự kiện giao lưu, chia sẻ "Kĩ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh tiểu học tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo TP.HCM.

Bên cạnh đó, sự kiện còn nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/01/2024 của Chính phủ về “Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên”.

z6458738716279_6e575f0836623fc629b9f0893e5bd4c3.jpg
Các em học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo chăm chú lắng nghe buổi giao lưu, chia sẻ.

Trang bị kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường

Tại buổi giao lưu, các khách mời đã có những chia sẻ về cách thức giúp học sinh xây dựng tình bạn an toàn, trong sáng; những kĩ năng giúp học sinh trang bị những kĩ năng bảo vệ mình trước những hành vi bạo lực học đường, đồng thời biết cách hỗ trợ bạn bè khi gặp phải tình huống tương tự.

Nhân dịp này, Ban tổ chức chương trình cũng ra mắt bộ sách “Kĩ năng ứng phó bạo lực học đường” dành cho học sinh tiểu học và trung học, bộ sách do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam thực hiện và được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.

z6459078386666_656c0067018fa1f7c5e3a75f28b10c2c.jpg
Hai cuốn sách về kĩ năng phòng chống bạo lực học đường do báo Tuổi Trẻ và Công ty Phương Nam thực hiện.

Tại chương trình, nhà báo Hà Thạch Hãn - Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ TP.HCM, đồng thời là một trong hai chủ biên bộ sách cho biết, chúng tôi nhìn thấy vấn đề bạo lực học đường trở thành một thách thức lớn trong ngành giáo dục của toàn xã hội. Những hành vi về bạo lực không chỉ gây ra những tổn thương về thể chất, tinh thần cho các em học sinh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, gây ra sự lo lắng bất an trong cộng đồng.

"Bộ sách không chỉ dành cho học sinh mà còn là tài liệu tham khảo cho phụ huynh, giáo viên trong quá trình đồng hành, hỗ trợ học sinh của mình. Bên cạnh đó, buổi giao lưu cũng là cơ hội để chúng ta lắng nghe chia sẻ và tìm ra những giải pháp thiết thực để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường hiện nay" - nhà báo Hà Thạch Hãn chia sẻ.

z6458696176838_ddd549b68d785deb77a59fac1701e648.jpg
Nhà báo Hà Thạch Hãn - Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ TP.HCM chia sẻ tại buổi giao lưu "Kĩ năng ứng phó với bạo lực học đường".

Điểm nổi bật của bộ sách dành phần lớn thời lượng cho những tình huống thực tế. Trong đó, các tác giả nhà báo sẽ nêu lên những tình huống bạo lực thường xảy ra. Từ chất liệu ấy, các nhà tâm lý sẽ phân tích để học sinh hiểu rõ vấn đề hơn. Tiếp theo đó, nhà tâm lý sẽ đưa ra những cách giải quyết tình huống để học sinh ứng phó với mục tiêu không để bạo lực học đường xảy ra.

Vì vậy, bộ sách sách dành 4-5 trang đầu để chỉ rõ những hành vi được xem là bạo lực học đường, những ảnh hưởng của bạo lực học đường, những điều học sinh cần thực hành hằng ngày (như những gợi ý ứng phó với bạo lực học đường theo bảng chữ; danh sách người liên hệ tin cậy; làm quen với việc bộc lộ cảm xúc và nhu cầu…)… Còn lại, phần lớn thời lượng của sách dành cho những tình huống thực tế.

Cũng vì lý do trên mà đội ngũ tác giả hai cuốn sách cũng rất đặc biệt, đó là nhà báo và nhà tâm lý. Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, nhà báo Hà Thạch Hãn đồng chủ biên cùng với ba tác giả là nghiên cứu sinh ngành tâm lý Đào Lê Tâm An, nhà báo Hoàng Hương và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên.

“Khi viết bộ sách, sau khi thảo luận chúng tôi hướng đến giải pháp phòng tránh, hạn chế việc bạo lực học đường xảy ra. Đó chính là lý do bộ sách ngoài đội ngũ nhà tâm lý thì có các nhà báo sẽ đưa ra những tình huống thực tế mà các em học sinh thường gặp phải và những tình huống có thể xảy ra.

Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã chắt lọc hết sức có thể, không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề. Các vị chuyên gia tâm lý ở đây sẽ gợi ý cách giải quyết, cách ứng xử trên cơ sở đó khi các em học sinh tiếp cận các quyển sách này có thể tìm ra giải pháp để bản thân mình không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường” - nhà báo Hoàng Hương, phóng viên Ban giáo dục, báo Tuổi Trẻ bày tỏ.

z6458730740127_f04edd5854056348aa00af7599de5ac7.jpg
Nhà báo Hoàng Hương, phóng viên Ban giáo dục, báo Tuổi Trẻ giao lưu, giới thiệu sách đến với các em học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh đó, bộ sách này cũng được kỳ vọng bồi dưỡng cho các em học sinh về lòng nhân ái, biết tôn trọng bạn bè, biết cùng nhau xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện.

Chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực học đường

Sự hiện diện của các chuyên gia tâm lý, tác giả biên soạn sách với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục trong buổi giao lưu đã góp phần mang đến cho các em học sinh, phụ huynh, thầy cô những góc nhìn đa chiều về thực trạng bạo lực học đường hiện nay.

Tại chương trình, bà Mai Ngọc Liên - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam bày tỏ: Vấn đề bạo lực học đường không còn là vấn đề xa lạ với chúng ta nữa. Bạo lực học đường tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đầu tiên dưới lời nói cố ý hay là những hành động bắt nạt rất nhỏ nhặt rồi tiến dần đến hành vi bạo lực rất nghiêm trọng.

“Bạo lực học đường không chỉ tổn hại về mặt thể chất mà còn gây tổn hại về mặt tinh thần các em mà nhiều khi để lại những vết sẹo mà rất khó phai mờ và ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của học sinh. Với bộ sách này, mong rằng sẽ giúp các em nhận diện được và đưa ra giải pháp để các em có thể ứng phó, giải quyết được tình trạng bạo lực đó. Ngoài ra, các bật phụ huynh, cha mẹ có thêm công cụ, kiến thức hỗ trợ, lắng nghe và bảo vệ con em mình” - bà Mai Ngọc Liên nói.

Chia sẻ về các dạng bạo lực học đường hiện nay, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An - Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, bạo lực học đường có 3 cấp bậc cần phân ra gồm hành vi truyền thống là đánh, đấm và có thương tích trên người; thứ hai bạo lực về tinh thần cụ thể là nói xấu, tẩy chay; cuối cùng là bạo lực trên môi trường trực tuyến.

“Trong những nghiên cứu, bạo lực trực tuyến rất khác so với bạo lực trực tiếp thông qua các đặc điểm: Có thể xảy ra liên tục và ở bất cứ đâu, với 1 chiếc điện thoại thông minh và kết nối internet các em học sinh đã có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Tiếp đến bạo lực trực tuyến rất khó phát hiện và cuối cùng thông tin trôi nổi trên môi trường trực tuyến sẽ bị lưu truyền liên tục và có thể đào đi đào lại rất nhiều lần” - chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho hay.

Chính vì vậy, sự quan sát và xem con mình đang sử dụng mạng xã hội như thế nào là vô cùng cần thiết để kịp thời phân tích tình huống để con hiểu rõ và giúp con biết được khi nào cần phải thông báo người lớn để xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình trạng bạo lực trực tuyến.

“Chúng ta không quá khó để nắm bắt được tâm lý của các con. Chúng ta không cần phải mất quá nhiều thời gian để trò chuyện cùng con, ít thôi cũng được, tầm 10 phút thôi cũng được nhưng hãy đảm bảo rằng cuộc nói chuyện đó có chất lượng và nên duy trì cuộc nói chuyện mỗi ngày. Đồng thời, chúng ta hãy lắng nghe con một cách điềm tĩnh và dựa trên tình huống mà con mới kể để trò chuyện, đừng để con rơi cảm giác như ba mẹ hỏi cung và bị căng thẳng” - Tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A - Giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ.

z6458708894467_6869478321b2a81bb76488236ba27345.jpg
Tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A chia sẻ về phương pháp để nắm bắt được tâm lý và trò chuyện cùng các con đến các bật phụ huynh và giáo viên.

Bạo lực học đường là một vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng việc trang bị cho học sinh những kỹ năng ứng phó là bước đi quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng này. Chỉ khi học sinh được giáo dục, trang bị đầy đủ và chuẩn bị tâm lý tốt, các em mới có thể bảo vệ mình khỏi những tác động tiêu cực từ bạo lực học đường. Với sự chung tay nỗ lực của gia đình, nhà trường và xã hội sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, góp phần tạo ra một môi trường học đường an toàn, lành mạnh để các em học tập và phát triển bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi bạo lực học đường: Sự cần thiết khi trang bị kỹ năng cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO