Dòng chảy

Đại tá – Nhà báo - Nhà thơ Phan Tùng Sơn: 'Nghề báo đã chọn tôi’

Hoàng Tả Pháp (Thực hiện) 22/12/2023 06:34

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê của Nghệ Tĩnh (nay là Hà Tĩnh), Phan Tùng Sơn bén duyên với văn chương, quân đội, rồi trở thành đại tá - nhà báo, MC. Anh hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực, khẳng định tên tuổi mình với thể loại bút ký, truyện ký và sở hữu hơn 20 giải báo chí cấp quốc gia và các bộ, ngành trung ương, địa phương.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện với Đại tá – Nhà báo - Nhà thơ Phan Tùng Sơn - Phụ trách Cơ quan đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP.HCM.

son-1a.png
Đại tá – Nhà báo - Nhà thơ Phan Tùng Sơn.

Cơ duyên với nghề viết

Thưa anh, với một loạt các tác phẩm đa dạng từ viết báo, làm thơ, viết văn như: Mật mã đặc khu, Tâm của phản biện, Nắng từ chân cỏ, Đối thoại chuyển mùa... không biết con đường dẫn anh tới nghề viết như thế nào?

- Đại tá – Nhà báo - Nhà thơ Phan Tùng Sơn: Tôi thừa hưởng cái gen văn chương từ dòng máu gia đình. Cụ tôi, ông nội tôi đều là nhà Nho. Cha tôi, chú tôi là nhà thơ, họa sĩ. Tôi yêu văn chương và học giỏi văn từ nhỏ, tập tành làm thơ từ thuở còn là cậu trai tơ mặt bắt đầu mọc mụn trứng cá, biết thích ngẩn ngơ mớ tóc dài thơm mùi bồ kết, hương nhu của người con gái sau lũy tre làng. Làm thơ để bày tỏ nỗi lòng. Lấy thơ thay cho lời tình tự. Thế hệ 7X “đời đầu” như chúng tôi, những hình ảnh về làng quê, đồng ruộng, bờ đê, lũy tre, củ sắn, củ khoai… và những rung động đầu đời là vùng ký ức vô cùng phong phú và sâu đậm. Đó là sự khởi nguồn của cảm xúc, là chất liệu của văn chương.

Khi vào bộ đội, cuộc sống của người lính suốt năm suốt tháng lăn lộn trên thao trường, bãi tập; những cuộc hành quân huấn luyện, diễn tập liên miên, đi qua nhiều vùng đất, sống trong lòng dân ở nhiều miền quê, mạch nguồn xúc cảm ấy lại cứ trào lên, dềnh lên, ăm ắp… Sẵn có tố chất trong tâm hồn, thế là cứ viết thôi. Những năm tháng học dưới mái trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự ở thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh), tôi viết nhiều, cả thơ, văn và báo. Có khi viết ngay sau ca gác, ngay trong chặng dừng chân trên đường hành quân, ngay dưới giao thông hào, ngay bên ụ súng, lô cốt trong mùa huấn luyện. Tôi có nhiều bài báo, bài thơ, mẩu chuyện được đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Nhiều lần cầm giấy mời lãnh nhuận bút, tôi ra bưu điện Bắc Ninh lấy tiền, cô nhân viên bưu điện nhìn tôi, ái ngại: “Ai gửi tiền cho anh mà cứ lắt nhắt thế? Sao không dồn lại gửi một lần, đi lấy cho tiện?”. Khi biết tôi là cộng tác viên của các báo, cô ngưỡng mộ ra mặt, khiến mình cứ thấy lâng lâng (cười).

Lúc đầu nghĩ gì viết nấy, thấy gì viết nấy. Dần dần, mình có ý thức hơn, suy nghĩ nhiều hơn, đọc nhiều hơn để biến cách viết theo cảm hứng thành quy trình sáng tạo tác phẩm. Tôi học sĩ quan, được đào tạo để làm cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở, nhưng vì bén duyên với nghề viết từ sớm nên sau 5 năm làm cán bộ chính trị cấp phân đội và làm cán bộ Tuyên huấn ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi chính thức theo nghề báo và gắn bó với Báo Quân đội nhân dân đến nay. Với người khác, có thể người chọn nghề. Nhưng với tôi thì nghề báo đã chọn tôi.

tung-son-2.jpg
Đại tá – Nhà báo - Nhà thơ Phan Tùng Sơn cùng MC Mỹ Lan (VTV) dẫn chương trình đặc biệt, vinh danh quần thể Cây di sản Việt Nam tại rừng Mã Đà, Bình Phước.

Bên cạnh viết báo, làm thơ, viết văn thì thỉnh thoảng thấy nhà báo Phan Tùng Sơn xuất hiện trên truyền hình với vai trò là một MC ‘sánh vai’ cùng các MC của nhà đài đầy chuyên nghiệp. Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?

- Viết báo, làm thơ, viết văn, diễn giả, MC… là những công việc rất gần nhau, có nhiều điểm tương đồng. Tôi được trời cho chất giọng khỏe, cũng khá hoạt ngôn nên ngay từ thời còn là anh lính binh nhì, tôi đã làm MC cho các hoạt động ở đơn vị. Về sau, khi làm cán bộ tuyên huấn, tôi thường xuyên gắn bó với công việc diễn thuyết, làm báo cáo viên. Tôi vừa làm vừa học, tích lũy kinh nghiệm. Tôi nghiên cứu phong cách của những MC, diễn giả nổi tiếng trong nước và quốc tế, nghiên cứu các cuốn sách, tài liệu của các chuyên gia về lĩnh vực này rồi tự rút ra phương pháp cho mình, biên soạn giáo án phù hợp với các đối tượng để truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm cho thế hệ đi sau. Từ một số chương trình tạo dấu ấn tốt với đối tác và công chúng, tôi nhận được lời mời làm MC nhiều hơn, trong đó có nhiều chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, VTC, HTV và các đài địa phương. Nhờ đó, tôi mới có nhiều dịp “sánh vai” với các MC nổi tiếng trong các sự kiện lớn, đặc biệt là các sự kiện, chương trình có yếu tố chính luận, liên quan đến Quân đội, công tác xây dựng Đảng. Tôi nghĩ, đó cũng là một cái duyên.

Nhắc đến Phan Tùng Sơn là người ta hay nghĩ tới một người có nhiều nhà: Nhà văn, nhà báo, nhà thơ, diễn giả... Không biết trong các nhà này thì nhà nào của anh là mạnh nhất?

- Nghề báo giúp tôi có cơ hội được đi nhiều nơi, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, nhiều thành phần xã hội, học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống và từ nhân dân. Trên mỗi chặng hành trình, những thông tin thời sự, tôi dành cho báo chí, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền của tòa soạn. Những chất liệu, cảm xúc sâu hơn, dài hơn, rộng hơn, tôi dành cho văn xuôi. Những rung động tâm hồn và sự chiêm nghiệm cuộc sống, tôi dành cho thơ. Hòa quyện những thứ đó lại, giúp tôi có chất liệu và kỹ năng của một diễn giả. Và cho dù là “nhà” gì thì tất cả đều có một điểm chung, đó là phải lấy ngôn ngữ làm công cụ lao động. Mỗi loại hình văn học, mỗi thể tài báo chí đều có sức hấp dẫn riêng, và vì thế, công việc nào một khi đã làm là tôi đều dành trọn tâm huyết. Còn “nhà” nào mạnh hơn, có lẽ phải nhờ độc giả, công chúng phân định thôi…

Hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn thường trực

Nhiều bạn đọc cho rằng, hình ảnh người lính thời hiện đại và quê hương thường trực, xuyên suốt trong các tác phẩm của Phan Tùng Sơn. Anh có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Không chỉ riêng tôi mà phần lớn các nhà văn Quân đội đều gắn bó với những mảng đề tài chủ yếu, đó là quê hương, đất nước, tình yêu và lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Những mảng đề tài này có quan hệ ràng buộc, tương sinh, cộng hưởng trong trường cảm xúc và thiên hướng sáng tác của các nhà văn mặc quân phục. Nhắc đến hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là nói đến quê hương, đất nước, tình yêu… Những nhà văn trưởng thành từ môi trường quân ngũ, viết về người lính là viết về chính mình, về cha anh mình, đồng đội của mình. Dù là thời chiến hay thời bình thì đề tài người lính vẫn luôn hấp dẫn và đầy thách thức đối với người sáng tác. Đặc biệt là trong môi trường số hiện nay, thể hiện chân dung người lính Cụ Hồ trong thời bình như thế nào cho xứng tầm, cho hấp dẫn, vẫn là một câu hỏi khó. Hiện thực đồ sộ, phong phú, sinh động, nhưng nắm bắt, khai thác chất liệu thực tế để hình tượng hóa, khái quát hóa, điển hình hóa thành dạng nhân vật có sức hút, hấp dẫn bạn đọc…, vẫn đầy thách thức.

son-4.png
Đại tá – Nhà báo - Nhà thơ Phan Tùng Sơn (trái) tham gia một chương trình truyền hình.

Mỗi người đều có một xuất phát điểm để khởi nghiệp cho bản thân, không biết với anh thì thế nào? Cơ duyên nào khiến anh gắn bó với quân đội?

- Thời còn là học sinh, tôi mơ ước được làm thầy giáo, nhưng rồi cái duyên lại đưa đẩy tôi khởi nghiệp bằng con đường hội họa. Tôi theo học lớp họa sĩ điêu khắc do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu DAXUCO Hồng Lĩnh mở tại thành phố Vinh, Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An) để sáng tác, sản xuất tranh khắc đá xuất khẩu sang châu Âu. Học được 1 năm thì công ty vỡ nợ ngân hàng, chủ tịch, giám đốc bị bắt. Lớp điêu khắc tan đàn sẻ nghé. Tôi đem kỹ năng học được đi vẽ truyền thần kiếm ăn.

Năm 1991, tôi làm đơn tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 512, Trường Quân chính Tổng cục Hậu cần, đóng quân ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Có năng khiếu và chuyên môn về hội họa, tôi được thủ trưởng giao kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động cho đơn vị. Nhận thấy cuộc sống quân ngũ là môi trường lý tưởng để phát triển năng lực và cống hiến sức trẻ, được sự động viên của thủ trưởng đơn vị, tôi đăng ký ôn thi vào Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự. Tốt nghiệp, tôi được phân công nhận nhiệm vụ ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, làm cán bộ phân đội rồi làm tuyên huấn, tiếp tục niềm đam mê viết báo, sáng tác văn học.

Năm 2001, tôi được Tổng cục Chính trị điều về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, rồi lại tiếp tục đi học…

Cũng nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Quân đội nhân dân (22/12) hằng năm, cảm xúc của anh thế nào?

- Ngày 22/12 hằng năm mang đến cảm xúc rất thiêng liêng, nhưng đồng thời cũng là dịp bận rộn đến mức có khi không kịp ăn. Là một người lính làm báo, vào các dịp có sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn, cường độ công việc của nhà báo chiến sĩ cao gấp nhiều lần ngày thường. Vất vả, bận rộn nhưng rất vui và hạnh phúc. Hiện nay Quân đội ta đang xây dựng, phát triển theo hướng chính quy, tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại vào năm 2030 theo định hướng của Đảng. Báo chí cũng là một “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Quân đội. Chúng tôi đang trong lộ trình xây dựng cơ quan truyền thông đa phương tiện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Xin cám ơn anh.

MỘT CHÚT CẦN GIỜ

Em cần gì

ở Cần Giờ

mà đêm thả nước ngập bờ lao xao

biển thôi mặn

sóng ngưng trào

nghe trong đước khúc rì rào thẳm xa..,

bởi còn hờn trách hôm qua

câu thơ chở mấy chuyến phà còn vương

giá đừng mặc cả yêu thương

thì sông nước chẳng ngăn đường cõi nhau...

giờ anh nương gió mạn tàu

giờ em trăng nước đẩu đâu cuối trời

Cần Giờ tóc nhạt màu vôi

tiếc thương ngày cũ ngọt môi son trầm...

cần gì trong cõi trăm năm

đước theo kiếp đước

dấu đằm mặn sương

Cần Giờ

một chút để thương

Cần Giờ một cõi...

để nương nhau về...

Phan Tùng Sơn

CÂY MÙ U TRÊN ĐẢO SƠN CA
Sinh tự bao giờ mà thành cổ thụ
mà hết mình xanh
dưới những tầng san hô mặn chát
rễ chắt chiu giọt giọt mát lành
mù u là bạn chúng mình
bên phong ba bão táp
những đêm hè dở dang khúc nhạc
và ngày đông trầm mặc chiếc xích đu
lính đảo chăm cây như chưa thế bao giờ
dành từng ngụm nước
rửa lá muối sương
gom góp nâng niu chia sẻ nhịn nhường…
dưới tán mù u đã bao chàng làm thơ về người ấy
bao chàng thành nhà thơ từ độ ấy
câu thơ lửng lơ lời trách
sao mù u chẳng kết trái bao giờ…
phải vì gió biển mặn mòi
vị thơ dẫu chát thì lời vẫn son
hay thiếu cánh bướm dập dờn
mù u cổ thụ mãi còn thanh tân…
chiều nay em ra thăm đảo
đêm ta mơ bướm vàng đậu trên trái mù u…

Phan Tùng Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tá – Nhà báo - Nhà thơ Phan Tùng Sơn: 'Nghề báo đã chọn tôi’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO