Công nghệ thông tin cho nông thôn - Thực trạng và giải pháp

22/08/2008 16:59

Trong những năm qua, công nghệ thông tin (CNTT) đã dần dần được đưa vào ứng dụng trong tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp... tuy nhiên mức độ lan tỏa của nó chưa thật đồng đều giữa các vùng, miền; đa số đều tập trung ở các thành phố lớn hoặc những khu dân cư gần các trung tâm thương mại của mỗi tỉnh, thành. Tại hội thảo “Hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam lần thứ 12” tổ chức ở Cần Thơ trong hai ngày 15 và 16/8/2008, vấn đề này đã được các nhà quản lý, các chuyên gia về công nghệ đem ra phân tích nhằm tìm hướng triển khai tốt hơn.

Thực trạng ứng dụng CNTT ở vùng nông thôn

TS. Nguyễn Ngọc Đệ, giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển, Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Trường đại học Cần Thơ cho biết: “Trong thời gian qua, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật dưới nhiều hình thức và thông qua các kênh truyền thông, trình độ người dân đã có tiến bộ đáng kể, năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân nông thôn vẫn chưa thể tiếp cận các thông tin cần thiết một cách đầy đủ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Họ chưa biết sử dụng máy tính và không biết khai thác thông tin trên mạng Internet. Do vậy, một số điểm bưu điện văn hóa xã đã thuê kỹ thuật viên trực máy tính, tìm giúp người dân các thông tin phục vụ cho sản xuất rồi in ra giấy để họ đem về xem. Tuy nhiên không phải mọi địa điểm đều được trang bị đường truyền Internet tốc độ cao ADSL, đa số vẫn còn dùng kết nối Internet qua hình thức quay số (dial-up), thậm chí có nơi không kết nối được Internet. Giá như triển khai được đường truyền Internet tốc độ cao không dây thì có thể cải thiện được vấn đề truyền tải thông tin đến các vùng “đói” thông tin”.

Các khu vực dân cư không tập trung khiến cho việc triển khai hạ tầng mạng Internet, cũng như huấn luyện và phổ cập tin học cho người dân khó khăn. Vấn đề kinh phí trang trải cho đường truyền Internet hoặc thuê máy tính truy cập Internet làm cho người dân và địa phương không dám “vung tay quá trán”. Thực tế, ở một số nơi, người dân phải bỏ ra từ 4.000 - 6.000 đồng để đổi lấy một giờ truy cập Internet ở các máy tính công cộng, ngay cả các điểm bưu điện văn hóa xã cũng thu tiền người dân. Còn việc tự bỏ tiền ra để đăng ký đường truyền Internet ADSL hoặc kết nối bằng dial-up là còn khá xa xỉ đối với người dân luôn trong cảnh “chân lấm tay bùn”.

Trong phần báo cáo tóm tắt về đề án “Xây dựng thí điểm 13 trung tâm thông tin nông thôn kết nối mạng cấp xã” của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Nguyễn Đức Sơn, phó giám đốc ban quản lý dự án này nhìn nhận: “Tiến trình thực hiện còn khá nhiều khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông tại nhiều xã còn yếu, tình hình cắt điện diễn ra liên tục, nhận thức và năng lực của các bộ tham gia dự án còn nhiều hạn chế, chưa có giải pháp chia sẻ nguồn thông tin giữa các trung tâm thông tin nông thôn và các địa phương... trong khi phạm vi thí điểm được thực hiện khá rộng nhưng kinh phí lại có hạn”.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang nói, sau khoảng 2 năm thực hiện đề án thí điểm xây dựng Trung tâm thông tin nông thôn, công nghệ thông tin đã thực sự làm chuyển biến được nhận thức cho người dân trong vùng dự án, nhờ tiếp cận được với các nguồn thông tin hữu ích, họ đã áp dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là giúp người nông dân chủ động nắm bắt kịp thời về giá cả thị trường để chủ động trong việc tiêu thụ hàng hóa nông sản. Từ đó, tại mỗi địa phương đã có một số gia đình đã tự trang bị máy tính kết nối mạng và liên hệ với Trung tâm thông tin nông thôn để trao đổi, sau đó chia sẻ thông tin với bà con xung quanh. Tuy nhiên, do các cán bộ của Trung tâm thông tin nông thôn chưa có kinh nghiệm nhiều trong giao tiếp nên việc tiếp cận với nông dân để trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Viết Chiến, giám đốc Trung tâm tin học và thống kê, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhìn nhận: “Nguồn lực CNTT của các đơn vị trong bộ còn yếu, chưa đáp ứng được các yêu cầu và hỗ trợ về CNTT cho đơn vị mình. Cán bộ có chuyên môn về CNTT tại các đơn vị rất hiếm, phần lớn là kiêm nhiệm, lại không thường xuyên được cập nhật thông tin và đào tạo nâng cao về CNTT... nên công việc đào tạo CNTT của Bộ còn phải nỗ lực nhiều mới đáp ứng được yêu cầu”. Còn về cổng thông tin của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau 2 năm hoạt động, cổng thông tin này đã cung cấp khá nhiều thông tin chính sách của nhà nước về phát triển nông nghiệp và nông thôn; cũng như các thông tin phục vụ sản xuất, thị trường và xúc tiến thương mại.

Giải pháp

TS. Nguyễn Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ CNTT, chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT nói: “Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai cung cấp truy cập Internet, đa dịch vụ cho các vùng nông thôn, vùng xa; khuyến khích việc xã hội hóa phổ cập Internet giúp nông dân dễ dàng tiếp xúc với Internet để nắm bắt kịp thời các thông tin, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã. Tăng cường các chương trình cung cấp thông tin phù hợp với nông dân qua các kênh thông tin khác nhau. Tạo điều kiện để Hội nông dân các cấp ứng dụng hiệu quả CNTT vào hoạt động chỉ đạo, điều hành... Giúp nông dân giới thiệu nông sản đến khách hàng và thị trường qua Internet, tiếp cận dần với thương mại điện tử. Tổ chức đào tạo, phổ cập kiến thức CNTT cho nông dân, vận động nông dân tích cực ứng dụng CNTT vào sản xuất và đời sống. Hỗ trợ của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích đối với triển khai CNTT cho nông thôn”.

Ở góc độ nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu ứng dụng CNTT trong nông dân của TS. Đệ, ông cho rằng: “Cần thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá dịch vụ viễn thông nhằm tăng số lượng người dùng mạng Internet để khai thác thông tin. Dùng một phần kinh phí phát triển khoa học công nghệ của địa phương để phát triển các mô hình. Thông tin phục vụ cho nông dân đưa lên mạng Internet cần chọn lọc, tập trung vào từng ngành thay vì đưa lên tràn lan như hiện nay. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về Internet để họ nhanh chóng tiếp cận Internet phục vụ cho đời sống và sản xuất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ thông tin cho nông thôn - Thực trạng và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO