TP.HCM tăng tốc chuyển đổi giao thông xanh
Tình trạng ô nhiễm không khí do phát thải từ phương tiện giao thông thường xuyên ở mức báo động. Do đó, TP.HCM tích cực xây dựng, triển khai các đề án nhằm chuyển đổi sang các loại hình giao thông bền vững hơn.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế và đô thị đông dân nhất, TP.HCM đang đối mặt với những thách thức môi trường và áp lực từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. TP.HCM đang quyết liệt đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi xanh, xem đây là một chiến lược then chốt để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân và hiện thực hóa các cam kết quốc gia.
Nhanh chóng phân vùng phát thải thấp
Tại TP.HCM, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao tại các khu vực đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm khí thải.

Hiện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang nghiên cứu chuẩn bị trình UBND TP.HCM đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho 400.000 shipper, tài xế công nghệ trong tháng 7/2025. Dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ 1/1/2026, nếu đề án được các cấp thông qua.
Theo ThS Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, về đối tượng tác động chính sách thì phải tập trung các nhóm xả thải nhiều nhất là xe công nghệ và xe buýt.
Về đề án chuyển đổi 400.000 xe shipper sang xe điện. Hiện nay Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã có dự thảo cuối cùng, dự kiến trình UBND TP.HCM để UBND chỉ đạo lấy ý kiến hoàn thiện đề xuất chính sách.
Kết quả khảo sát mẫu hơn 400 tài xế công nghệ năm 2023 cho thấy một tài xế công nghệ tốn kém chi phí nhiên liệu (xăng) ước tính khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày cho quãng đường di chuyển 80 - 120km/ngày. Trong khi hiện tại, tài xế xe 2 điện của Xanh SM chỉ tốn chưa đến 20.000 đồng chi phí sạc điện mỗi ngày.
Ông Hải cho biết thêm, về vùng phát thải thấp Viện và Sở Xây dựng đã chọn vùng Cần Giờ và Côn Đảo (TP.HCM) vì đây là địa bàn nằm tách biệt, độc lập nên dễ áp dụng chính sách nên làm trước.
Để hiện thực hóa mục tiêu tổng quát trên, đề án đưa ra bốn giai đoạn với các mục tiêu định lượng và gắn với lộ trình thời gian cụ thể, nhằm tạo cơ sở để đo lường, đánh giá tiến độ và hiệu quả trong giai đoạn triển khai.
Giai đoạn 1 (đến tháng 12/2026) đạt 30%, tương đương khoảng 120.000 xe; giai đoạn 2 (đến tháng 12/2026) đạt 50%, tương đương khoảng 200.000 xe; giai đoạn 3 (đến tháng 12/2027) đạt 80%, tương đương khoảng 320.000 xe; giai đoạn 4 (đến tháng 12/2029) đạt 100%, tương đương khoảng 400.000 xe.
Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho tài xế công nghệ
Dự thảo đề án của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ từ phía thành phố dành cho cả tài xế xe công nghệ, giao hàng lẫn người dân có nhu cầu mua xe máy điện. Theo đó, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân sản xuất và kinh doanh xe máy điện được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Ngoài ra, TP.HCM định hướng hỗ trợ tạo điều kiện phát triển các trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo, chú trọng giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời nạp nhiên liệu cho pin điện tại các địa điểm đổi pin, cung cấp pin sạc dự phòng cho tài xế công nghệ và giao hàng.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng kiến nghị TP.HCM có kiến nghị Trung ương miễn lệ phí trước bạ cho xe điện mới đăng ký lần đầu trong 2 năm. Thậm chí, có thể miễn luôn thuế VAT cho tài xế công nghệ trong vòng 2 năm.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Theo đó, Sở Xây dựng đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông với 2 giai đoạn cụ thể.
Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án, tập trung vào hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Theo đó, ba nội dung chính đã được đề xuất gồm: Lộ trình chuyển đổi đối với xe buýt trên địa bàn thành phố với mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh; ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện; lộ trình đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.
Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đang phối hợp các đơn vị liên quan hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, bổ sung đánh giá tác động sau khi TP.HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, để triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn TP.HCM mới. Dự kiến báo cáo UBND TP.HCM và trình HĐND TP.HCM trong quý IV/2025.

Ông Ngô Hải Đường cho biết, đơn vị tư vấn hiện đang xây dựng đề án giai đoạn 2 với phạm vi toàn TP.HCM mới. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành trong quý III/2025, lấy ý kiến các bên liên quan và trình HĐND TP.HCM vào quý IV/2025.
Trong đó, trọng tâm là các nhóm chính sách gồm:
TP.HCM sẽ xây dựng chính sách khuyến khích và ưu đãi chuyển đổi xe cá nhân và doanh nghiệp. Chính sách hướng đến các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp… chuyển đổi các loại phương tiện như xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, ôtô cá nhân và xe thuộc các đơn vị hành chính công, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân… từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Kèm theo đó là lộ trình, điều kiện và chính sách cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
Về quy hoạch hạ tầng và trạm sạc điện, đề xuất quy hoạch tích hợp các trạm sạc, trạm thay pin và điểm dừng đỗ cho xe điện tại các khu đô thị, chung cư, công trình công cộng… Đồng thời, đánh giá khả năng cung cấp năng lượng, yêu cầu kỹ thuật và ưu đãi đầu tư hạ tầng.
Với chính sách thu mua, đổi phương tiện, TP.HCM đang nghiên cứu chính sách thu mua lại hoặc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đổi phương tiện giao thông cũ sử dụng xăng, dầu sang xe điện, xe năng lượng xanh; đồng thời xử lý xe cũ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
TP.HCM sẽ đo đạc, tính toán khí thải từ giao thông đường bộ và đề xuất các giải pháp kiểm soát đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo ông Lê Thanh Hải, về hiệu quả và tính khả thi, cả TP.HCM và Hà Nội đều ưu tiên chuyển đổi nhanh đội xe buýt sang điện, do đây là đối tượng dễ kiểm soát nhất. "Các yếu tố như hạ tầng bến bãi do chính quyền quản lý, cùng với chính sách trợ giá cho xe buýt điện, giúp quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi hơn. Hiện tại, TP.HCM đã chuyển đổi được hơn 31% đội xe buýt sang sử dụng điện", ông Hải nói.
Các nước trên thế giới chuyển đổi như thế nào?
Trung Quốc hiện là thị trường xe điện hai bánh lớn nhất thế giới với khoảng 40 triệu xe được bán mỗi năm. Tốc độ đô thị hóa cao và thu nhập của người dân tăng dần, cùng với giá thành ngày càng thấp đã dẫn đến sự bùng nổ của xe đạp điện và xe máy điện.
Ở cấp độ địa phương, thành phố Thâm Quyến là một ví dụ điển hình về chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe điện hai bánh ở cấp đô thị. Trong quá trình chuyển đổi, thành phố đã trợ cấp số tiền tối đa tương đương 7 triệu đồng cho một xe điện hai bánh và hơn 5 triệu đồng khi tiêu hủy xe máy xăng đã hoạt động trên 10 năm.
Tài xế công nghệ được ưu tiên trong các gói trợ cấp này. Ngoài ra, tài xế công nghệ và doanh nghiệp sản xuất xe điện hai bánh cũng nhận được các gói vay ưu đãi và được bảo lãnh bởi Quỹ Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thâm Quyến.
Về hạ tầng năng lượng, chính quyền thành phố cũng đã giảm 30% giá điện sạc xe và miễn phí đất để lắp đặt trạm đổi pin tại siêu thị, bãi đỗ xe và chung cư. Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển công nghiệp trong khu vực, các chương trình ưu đãi và trợ cấp chỉ ưu tiên dành cho các doanh nghiệp trong nước, với mục tiêu đạt hơn 60% tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm liên quan đến xe điện hai bánh.
Na Uy là quốc gia đi đầu thế giới trong việc chuyển đổi sang xe điện, và thành công này phần lớn là nhờ một loạt các chính sách ưu đãi mạnh mẽ và toàn diện từ chính phủ. Thay vì cấm xe xăng/diesel, Na Uy nhận được sự đồng thuận xã hội với chính sách khuyến khích lâu dài và nhất quán.
Trong đó, miễn thuế VAT (thuế giá trị gia tăng), đây là ưu đãi lớn nhất. Na Uy có thuế VAT 25% áp dụng cho hầu hết các mặt hàng, nhưng xe điện đã được miễn hoàn toàn thuế VAT trong nhiều năm. Điều này làm giảm đáng kể giá mua xe điện, khiến chúng thường rẻ hơn hoặc ngang bằng với xe xăng/ diesel có cùng phân khúc.
Người lái xe điện được miễn hoặc giảm đáng kể phí khi đi qua các trạm thu phí cầu đường và phí phà. Ban đầu là miễn phí hoàn toàn, sau đó được điều chỉnh thành tối đa 50% hoặc 70% mức phí của xe xăng/diesel tùy theo địa phương.
Bên cạnh đó, Chính phủ Na Uy đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng sạc công cộng, đảm bảo có đủ trạm sạc nhanh trên khắp cả nước, mục tiêu ít nhất một trạm sạc nhanh cứ 50km trên các đường cao tốc chính. Đồng thời, nhiều hộ gia đình cũng được khuyến khích và hỗ trợ để lắp đặt bộ sạc tại nhà.