Công nghệ

Người dân khó chọn vì có quá nhiều giải pháp truy xuất nguồn gốc

Ngọc Duy 19/07/2025 - 18:24

Nhiều người dân muốn ứng dụng công nghệ phù hợp để truy xuất nguồn gốc nông sản nhưng không biết bắt đầu từ đâu, do Việt Nam hiện có rất nhiều giải pháp.

Ngày 18/7, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) phối hợp Cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Ecotech (Techfest Việt Nam) và Công ty CP Công nghệ Checkee tổ chức hội thảo "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và lộ trình ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững".

z6820507848394_55d0bf8ff5b18f08b0cb950802cadbd8.jpg
Các đại biểu tham quan một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được trưng bày giới thiệu tại triển lãm.

Sự kiện nhằm thúc đẩy triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao “make in Vietnam” trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm, gắn với tiêu chí phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Truy xuất nguồn gốc để phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc và các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu uy tín, mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững, tiếp cận thị trường quốc tế, thu hút vốn đầu tư xanh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS Phạm Thị Hồng Phượng - Trưởng Cộng đồng Khởi Nghiệp Sáng Tạo Ecotech (Techfest Việt Nam), cho biết trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, truy xuất nguồn gốc trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp bước vào hành trình phát triển bền vững. Khi sản phẩm đã minh bạch và có dữ liệu xác thực, doanh nghiệp sẽ được thị trường thừa nhận, tránh bị làm giả, nhái sản phẩm.

z6820507802606_3cf640710cc9063d4ee6f8e1d9fed64a.jpg
TS Phạm Thị Hồng Phượng - Trưởng Cộng đồng Khởi Nghiệp Sáng Tạo Ecotech (Techfest Việt Nam) phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, việc minh bạch nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm không chỉ nằm trên tờ giấy chứng nhận. Giá trị thật của truy xuất nguồn gốc phải được tạo ra từ toàn bộ quá trình sản xuất, đến quản lý chất lượng, hình thành chuỗi giá trị bền vững trong nội bộ.

"Mỗi công đoạn cần được xem là "khách hàng" của công đoạn trước, thay vì chỉ tập trung vào người tiêu dùng cuối", TS Phượng nhấn mạnh.

Không ít doanh nghiệp từng cho rằng chỉ khi xuất khẩu mới cần đạt chuẩn, nhưng giờ đây, để tồn tại trên thị trường Việt Nam, họ phải chuẩn hóa từ bên trong.

"Thị trường trong nước tiềm năng và là mục tiêu của nhiều quốc gia, vì vậy doanh nghiệp nội địa phải làm chủ sân nhà. Điều này đòi hỏi không chỉ lãnh đạo mà cả toàn bộ đội ngũ lao động đều cần hiểu đúng về phát triển bền vững. Mọi nỗ lực đều bắt đầu từ việc đầu tư vào nguồn lực và thay đổi tư duy", TS Phượng nói.

Ông Lưu Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Dệt nhuộm Tân Đức Khanh, cũng cho rằng truy xuất nguồn gốc là yếu tố cần có của doanh nghiệp trong thời đại mới, nhất là khi vươn ra quốc tế.

"Đây là yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Hùng nêu quan điểm.

Truy xuất nguồn gốc không chỉ là quét mã QR

Tuy nhiên, TS Phượng cho rằng mức độ hiểu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản - đơn giản hóa việc truy xuất qua thao tác quét mã vạch.

Trong khi đó, truy xuất đúng nghĩa phải gắn với giá trị thật, đòi hỏi lộ trình dài hơi. Doanh nghiệp cần rõ ràng ngay từ khâu đầu vào. Ví dụ nông sản phải có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP... Dữ liệu không thể sửa đổi tùy tiện mà cần ứng dụng công nghệ blockchain để đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy.

z6820507926678_4cbe099994f55321fa8c679a29d3fccd.jpg
Ông Phạm Văn Quân - Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Checkee cho rằng mỗi sản phẩm cần một "hộ chiếu số".

Ông Phạm Văn Quân - Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Checkee cũng cho rằng, hiện nay nhiều loại hàng hóa đã được gắn mã QR, gắn chip như một hình thức quảng bá. Nhưng khi sử dụng điện thoại để quét, nhiều sản phẩm chỉ "hiện ra website giới thiệu hoặc trang Facebook".

Theo ông Quân, mỗi sản phẩm cần một "hộ chiếu số", tức đưa toàn bộ dữ liệu vào một mã duy nhất để quản lý theo hướng tránh trùng lặp, chồng chéo.

Tùy theo loại mặt hàng, "hộ chiếu số" cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thông tin do Bộ KH&CN ban hành. Trong đó có tên, hình ảnh, đơn vị, địa chỉ, mã truy xuất, thời hạn sử dụng... đáp ứng những tiêu chuẩn do nhà nước quy định.

Để làm được điều này, ông Quân cho rằng doanh nghiệp cần chuyển đổi số bằng cách triển khai hệ thống công nghệ để lưu trữ, truy xuất và chia sẻ thông tin về sản phẩm. Dữ liệu sẽ liên thông với cổng thông tin quốc gia.

Ông lấy ví dụ về một số trường hợp chuyển đổi số thành công, chẳng hạn hệ thống quản lý nhật ký hơn 1.000 trang trại, vùng trồng cà phê với hơn 5.000 hecta ở Dak Lak; hay gắn tem chip trên sản phẩm của đạm Phú Mỹ...

Nông dân không thể tự mình chuyển đổi số

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cũng cho biết, nhiều người dân hiện nay vẫn rất ngần ngại khi đầu tư vào công nghệ. Người muốn ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc thì lại không biết bắt đầu từ đâu.

z6820507829162_6184ebbeaea68b2a665f3a67a709446a.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Ông lý giải, truy xuất nguồn gốc hiện nay có rất nhiều giải pháp khác nhau. "Chúng ta chỉ chuẩn hóa về mặt dữ liệu, chuẩn hóa về các cái quy trình, còn công nghệ là không giới hạn. Do đó, người dân khó có thể chọn loại công nghệ phù hợp với mình", ông Cường nói.

Chính vì vậy, ông Cường cho rằng các chuyên gia cần phải đi đồng hành với doanh nghiệp, nông hộ để giải bài toán truy xuất nguồn gốc một cách hiện hữu và cụ thể nhất.

Chuyển đổi số không còn là câu chuyện của doanh nghiệp lớn. Theo ông Quân, ngay cả người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu nhỏ cũng cần phải thay đổi.

Trước đây, họ chỉ biết bán sản phẩm cho thương lái, không rõ điểm đến cuối cùng. Nay, nhờ công nghệ số, họ có thể biết sản phẩm của mình đang được tiêu thụ ở Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ hay bất cứ đâu. "Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chuyển đổi số khi được áp dụng đúng cách", ông Quân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân khó chọn vì có quá nhiều giải pháp truy xuất nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO