CMC tiên phong cùng TP.HCM xây dựng AI City – Trung tâm AI toàn cầu
Ngày 25/9, tại TP.HCM, đã diễn ra Lễ Khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Khu Công nghệ cao. Buổi lễ có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cùng các lãnh đạo từ nhiều bộ, ngành trung ương, địa phương và quốc tế, cũng như đại diện các chuyên gia, tổ chức tài chính hàng đầu.
Trung tâm C4IR là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và WEF
Tại buổi lễ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, quốc tế đã cùng thảo luận về tiềm năng phát triển của trung tâm. Họ cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các dự án công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra không gian kết nối sáng tạo, thu hút nguồn lực toàn cầu cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sự kiện khánh thành Trung tâm C4IR nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 (HEF) với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp – Động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM". Diễn đàn kéo dài từ ngày 24 đến 27/9/2024, thu hút sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao và các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo TP.HCM đã chính thức cắt băng khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đây là kết quả của Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) giai đoạn 2023–2026, và là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và WEF.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bốn yếu tố quan trọng khi thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Theo Thủ tướng, trung tâm này là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và WEF, cùng với sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng lớn vào việc Trung tâm C4IR sẽ trở thành động lực phát triển mới, không chỉ cho TP.HCM mà còn lan tỏa ra cả nước.
Cam kết của CMC
Tại buổi lễ, Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, ông Nguyễn Trung Chính, đã đề xuất sáng kiến chuyển đổi AI, AIX mang tầm cỡ toàn cầu, với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành "AI City" và trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của thế giới.
Để hiện thực hóa sáng kiến AI.X, ông Nguyễn Trung Chính đã đưa ra các kiến nghị cụ thể, bao gồm:
Một là Hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý: Cần xây dựng các quy định pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho phát triển và ứng dụng AI trên quy mô toàn quốc, đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro trong quá trình triển khai AI, đặc biệt trong các lĩnh vực có tác động lớn như y tế, giáo dục, giao thông và tài chính.
Hai là Đào tạo và phát triển nhân lực AI: Cần đưa AI vào chương trình giảng dạy từ các cấp học, từ phổ thông đến đại học, nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu và liên kết với các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao.
Ba là Xây dựng hạ tầng số và hệ sinh thái AI: Để AI phát triển bền vững, cần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ bao gồm hạ tầng số, các trung tâm nghiên cứu, và kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp để thúc đẩy sáng tạo và hợp tác. Điều này đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật vững chắc và cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tài năng công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước.
Bốn là Chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển AI: Chính phủ cần thiết lập các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp sản xuất, y tế đến giáo dục và dịch vụ công. Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách đảm bảo an toàn việc làm và đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng cho việc ứng dụng AI, nhằm đặt con người ở trung tâm và tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, đã khẳng định vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ông cho biết: "AI không chỉ là một công nghệ mà còn là tiềm lực phát triển. Với sự tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống, CMC đã chính thức công bố Chiến lược chuyển đổi AI vào ngày 11/9. Đây là một tầm nhìn và tư duy mới mà chưa nhiều tổ chức trên thế giới phát biểu. Chúng tôi tin rằng chiến lược này sẽ giúp TP.HCM không chỉ trở thành trung tâm Công nghiệp 4.0 mà còn là AI City hàng đầu thế giới."
Ông Nguyễn Trung Chính cũng chia sẻ về sự kiện CMC tiếp tục công bố chiến lược AI tại Nhật Bản vào ngày 18/9 vừa qua: "Với sáng kiến này, chúng tôi muốn biến TP.HCM thành một trung tâm công nghệ hàng đầu, và nếu thành công, TP.HCM có thể trở thành hình mẫu cho cả thế giới."
Với cam kết là một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, CMC mong muốn trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế số, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các startup trong lĩnh vực công nghệ. CMC không chỉ đóng vai trò dẫn dắt, mà còn cam kết đồng hành cùng TP.HCM trong việc xây dựng và hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm AI của khu vực và toàn cầu.
TP.HCM có thể tận dụng những lợi thế về công nghệ AI và hạ tầng số hiện đại của CMC để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu này. Sự hợp tác giữa CMC và Trung tâm C4IR không chỉ tạo ra một môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, mà còn giúp TP.HCM phát triển mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) và trở thành trung tâm AI của Việt Nam và khu vực.
Tập đoàn Công nghệ CMC cam kết đồng hành cùng Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) trong việc thực hiện các sứ mệnh và mục tiêu chiến lược của trung tâm. Đồng thời, CMC sẽ tiên phong trong việc đưa ra những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của TP.HCM và cả nước. Trung tâm C4IR TP.HCM là một trong những dự án quan trọng trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026. Đây là trung tâm C4IR thứ hai tại Đông Nam Á, sau Malaysia, và là một phần của mạng lưới các Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Trung tâm C4IR sẽ tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, đề xuất chính sách và chuyển giao công nghệ, tạo ra các hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu hướng của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những lĩnh vực công nghệ mà trung tâm sẽ hướng tới bao gồm vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT, và nhiều lĩnh vực khác.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn như CMC, Trung tâm C4IR được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển bền vững cho TP.HCM và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho cả nước.