Chuyên gia, nhà khoa học bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng về AI và phát triển bền vững trong in ấn
Hội thảo Kỹ thuật in châu Á lần thứ 14, với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và in ấn bền vững: Xu hướng và thách thức”, đã đã đưa ra bàn thảo những vấn đề quan trọng trong ngành công nghiệp in, bao bì và thiết kế đồ họa.
Ngày 19/12/2024, Hội thảo Kỹ thuật in châu Á lần thứ 14 (ASPT 2024) với chủ "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phát triển bền vững trong in ấn: Xu hướng và thách thức" đã khai mạc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Hội thảo do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) tổ chức, với sự đồng hành của Hội Khoa học và Công nghệ In Nhật Bản (JSPST), Khoa Khoa học Sống và Môi trường của Đại học Tsukuba, và Khoa Công nghệ in ấn và Hình ảnh của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).
ASPT 2024 được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Chương trình Core-to-Core của JSPS, là nơi hội tụ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế để thảo luận về những xu hướng mới và thách thức trong lĩnh vực in ấn bền vững và trí tuệ nhân tạo (AI).
Dữ liệu số là từ khóa quan trọng
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Long Giang – Trưởng Khoa In và Truyền thông Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE), cho biết khoa In và Truyền thông HCMUTE đã đăng cai tổ chức Hội thảo ASPT 3 lần, vào năm 2012, năm 2022 và năm nay. Với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phát triển bền vững trong in ấn”, hội thảo lần này ngoài các bài viết của ngành in còn có các bài viết thuộc lĩnh vực thiết kế đồ họa.
“Thông qua hội thảo lần này, chúng tôi mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận nhằm tạo ra một diễn đàn chuyên môn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận về chủ đề “AI và phát triển bền vững trong ngành in, thiết kế đồ họa”. Đồng thời, xây dựng các kết nối, hợp tác giữa các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp thiết thực để giải quyết những thách thức về môi trường và phát triển kinh tế, thích ứng với xu hướng công nghệ số và phát triển bền vững toàn cầu…” - TS. Nguyễn Long Giang nhấn mạnh.
Đề cập đến từ khóa về AI và phát triển bền vững, TS. Nguyễn Long Giang cho rằng “dữ liệu số” (digital data) là từ khóa phù hợp, vì trong mối liên hệ giữa AI và phát triển bền vững, dữ liệu là yếu tố cốt lõi.
“AI hoạt động dựa trên việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu để đưa ra các giải pháp thông minh, hiệu quả, trong khi phát triển bền vững đòi hỏi các quyết định dựa trên dữ liệu chính xác để tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Nói cách khác, các doanh nghiệp và tất cả các hoạt động muốn ứng dụng AI và hướng đến sự phát triển bền vững, điều đầu tiên phải bắt tay vào thực hiện ngay là phải thu thập được dữ liệu và đương nhiên dữ liệu này phải là dữ liệu số…” - TS. Nguyễn Long Giang chia sẻ.
Đề cập về đào tạo ngành in cùng các hoạt động học thuật tại các quốc gia trong khu vực, GS. Aran Hansuebsai, nguyên Trưởng khoa Công nghệ hình ảnh, ĐH Chulalongkorn, Thái Lan, cho rằng ngành in hiện nay liên tục thay đổi vì hầu hết các nhà in do thế hệ mới quản lý. Họ muốn thay đổi sản xuất thông thường sang máy móc mới sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Một số nhà in đã chuyển đổi, một số đang cân nhắc và một số không muốn thay đổi. Đây là những thực tế đang là thách thức đối với các nhà in trong khu vực của chúng ta ngày nay. Do đó, đào tạo trong ngành khá khó khăn vì họ cần các chuyên gia để điều hành khóa học.
Ở Philippines và Indonesia, đào tạo do các trường đại học điều hành. Hầu hết kiến thức đều dựa trên kiểm soát chất lượng in offset và vận hành máy móc cho mục đích thương mại và xuất bản. Họ muốn có nhiều khóa đào tạo hơn liên quan đến in nhãn và bao bì, bao gồm in kỹ thuật số. Còn ở Thái Lan, Malaysia và Singapore, đào tạo ngành in sẽ do Hiệp hội in ấn tại các quốc gia đó chịu trách nhiệm.
“Vì công nghệ thay đổi rất nhanh và phức tạp, đặc biệt là công nghệ số ứng dụng trong kinh doanh in ấn. Tuy nhiên, tính bền vững, vật liệu sáng tạo, tự động hóa và AI là xu hướng. Do đó, sự hợp tác giữa các Giáo sư và chuyên gia là rất quan trọng để chia sẻ và trao đổi kiến thức của họ. Tôi nghĩ rằng các hội nghị, hội thảo như ASPT là một ví dụ tốt để thiết lập một nơi để gặp gỡ và thảo luận giữa các chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan...” - GS. Aran Hansuebsai chia sẻ.
Giải quyết những vấn đề quan trọng trong ngành in
Theo Ban tổ chức, chủ đề chính của hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và in ấn bền vững: Xu hướng và thách thức”, đưa ra hướng giải quyết những vấn đề quan trọng trong ngành công nghiệp in, bao bì và thiết kế đồ họa. Các nghiên cứu tiên tiến về vật liệu in thân thiện với môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số, ứng dụng AI và in ấn bảo mật sẽ được giới thiệu tại sự kiện này.
ASPT 2024 thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học với chủ đề thảo luận xoay quanh:
• Vật liệu in thân thiện với môi trường: Giải pháp sáng tạo bảo vệ môi trường trong quy trình và vật liệu in ấn.
• Phát triển bền vững trong in ấn: Cách ngành công nghiệp in có thể áp dụng phương thức bền vững.
• Chuyển đổi Kỹ thuật số trong ngành in: Cách công nghệ số đang cách mạng hóa ngành công nghiệp in.
• Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Thiết kế đồ họa và bao bì: Tích hợp AI để cải thiện quy trình thiết kế và bao bì.
• In ấn chức năng và bảo mật: Tiến bộ trong công nghệ in cho ứng dụng bảo mật và thiết bị thông minh.
• Công nghệ in ấn số: Các phát triển đột phá trong kỹ thuật in số và ảnh hưởng của chúng đối với ngành.
• Quản lý màu sắc và đánh giá chất lượng in: Các phương pháp mới để đảm bảo chất lượng và tái tạo màu sắc chính xác.
Với báo cáo tham luận “Nghiên cứu về ứng dụng hệ thống cung cấp mực thông minh trong kiểm soát màu sắc in ấn” , nhóm tác giả gồm Linlin Liu, Dao Thi Thanh Van, Qingwei Wang, Jinrui Han (Đại học Công nghệ Xi'an, Trung Quốc) cho rằng, trước bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của ngành in tiến tới số hóa và trí tuệ nhân tạo, nhiều nhược điểm của các hệ thống kiểm soát mực truyền thống trong các máy in offset ngày càng trở nên rõ rệt. Tuy nhiên, các thiết bị cung cấp mực thông minh mới cùng với các hệ thống kiểm soát màu sắc in đi kèm đã nâng cao đáng kể độ tin cậy, hiệu quả và tính nhất quán trong kiểm soát màu sắc in ấn sản xuất offset với chi phí tương đối thấp.
Các tác giả giải thích chi tiết về nguyên lý hoạt động, công nghệ chính, các thí nghiệm kiểm tra và kết quả ứng dụng của hệ thống này. Cụ thể, nó bao gồm các khía cạnh như thực hiện kiểm soát màu số hóa và thông minh, cung cấp mực chính xác và mở rộng phạm vi màu sắc. Đồng thời, các tác giả của tham luận cũng giới thiệu các tình huống ứng dụng cụ thể, những thách thức gặp phải và xu hướng phát triển trong tương lai của các hệ thống in thông minh liên quan trong ngành. Mục đích của nghiên cứu là cung cấp các tài liệu tham khảo có giá trị lý thuyết và ý nghĩa thực tiễn cho sự phát triển tiếp theo của công nghệ kiểm soát màu sắc in ấn, đóng góp vào việc thúc đẩy việc nâng cấp, cải tiến và thay thế thiết bị kiểm soát mực trong in offset, cũng như thực hiện số hóa và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất in ấn.
Trong khi đó, báo cáo tham luận với chủ đề “Nghiên cứu về sự tuân thủ của mực in offset sheet-fed với tiêu chuẩn ISO 2846-1”, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Long Giang, Lê Công Danh, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Lê Phương Trinh (Khoa In và Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đưa ra góc nhìn, mực in là một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất trong các quá trình in ấn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm in. Bên cạnh chất lượng giấy và các yếu tố khác, sự đồng đều và khả năng tái tạo màu sắc phụ thuộc vào hiệu suất của mực in. Do đó, các thí nghiệm đã được thực hiện để kiểm tra và xác minh chất lượng mực đầu vào dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ISO 2846-1.
Năm bộ mực in offset CMYK từ năm nhà sản xuất khác nhau đã được thu thập và thử nghiệm. Tên của các nhà sản xuất mực sẽ không được đề cập trong nghiên cứu này, và các bộ mực sẽ được nhận dạng từ bộ mực 1 đến bộ mực 5. Kết quả cho thấy bộ mực 1 tuân thủ tiêu chuẩn ISO 2846-1, trong khi các bộ mực còn lại có một số thông số đạt yêu cầu và một số thông số không đạt yêu cầu. Các kết quả cũng chỉ ra rằng các bộ mực đã tuân thủ tiêu chuẩn ISO 2846-1, đáp ứng yêu cầu của ISO 12647-2. Kết quả nghiên cứu này rất hữu ích trong việc đánh giá và so sánh chất lượng của các loại mực in khác nhau.
Tại hội thảo, Ban tổ chức đã trao 18 suất học bổng với tổng giá trị là 200 triệu đồng, dành cho các bạn sinh viên xuất sắc của Khoa In và Truyền thông HCMUTE. Đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm ghi nhận và khuyến khích tinh thần học tập, nghiên cứu, cũng như sự nỗ lực không ngừng của các bạn sinh viên. Tổng giá trị học bổng được trao trong chương trình lần này là 200 triệu đồng. Trong đó, 165 triệu đồng sẽ được trao trực tiếp đến các bạn sinh viên xuất sắc tại hội thảo; số tiền còn lại, 35 triệu đồng, sẽ được đưa vào quỹ học thuật dành cho các hoạt động hỗ trợ sinh viên Khoa In và Truyền thông trong tương lai.