Cách TP.HCM đầu tư lâu dài cho nguồn nhân lực AI trong tương lai
Với sự đầu tư lâu dài, bên cạnh nhà trường, những lớp bồi dưỡng chuyên sâu sẽ giúp TP.HCM có thêm "quả ngọt" về nguồn nhân lực AI trong tương lai.
Đây là chia sẻ của Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Lâm Đình Thắng tại buổi khai giảng lớp thí điểm bồi dưỡng kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI) cho các học sinh đạt giải thưởng trong các cuộc thi Thành phố, chiều 23/7.
"Quả ngọt" cho nguồn nhân lực AI trong tương lai
Theo ông Lâm Đình Thắng, khoa học công nghệ được TP.HCM định hướng là động lực mới để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của thành phố trong nhiều năm tới. Trong đó, AI được chọn là một trong những mũi đột phá.

Để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, Thành phố hiện đang phân làm ba nhóm đối tượng chính. Một là đào tạo, bồi dưỡng AI cho cán bộ công chức. Thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng AI cho tất cả người dân trên địa bàn của thành phố. Cuối cùng là cho các bạn học sinh Thành phố.
Đối với học sinh, hiện nay Thành phố đang triển khai trên hai nhánh. Nhánh thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang nghiên cứu xây dựng một chương trình khung chuẩn về AI để đưa vào trong trường học, giảng dạy thường xuyên.
Nhóm thứ hai là thí điểm việc đào tạo chuyên sâu hơn về AI cho những bạn học sinh rất xuất sắc theo dạng tuyển chọn của Thành phố.
"Lớp học này có tính chất chuyên sâu và nâng cao, không chỉ là làm quen với AI như người lớn đang dùng hay tìm hiểu ở mức độ phổ cập, mà các em còn được tìm hiểu nền tảng cốt lõi, căn bản của AI, về tư duy, công cụ lập trình", ông Thắng nói.
Thậm chí, các học sinh còn có những dự án nhỏ để tự phát triển các công cụ AI phục vụ cho công việc của bản thân, gia đình và đóng góp cho trường học. "Chương trình đào tạo AI này sẽ nâng cao hơn rất nhiều vì trình độ của hơn 200 em học sinh tại đây khác với mặt bằng chung của Thành phố", ông Thắng nói.

Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cũng kỳ vọng các em học sinh sẽ hiểu sâu hơn về AI, đồng thời phát triển những kỹ năng rất cần thiết cho một lứa học sinh tương lai hiện đại: tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm...
Với những dự án nhỏ, ứng dụng nhỏ, các em học sinh có thể cảm thấy mình đã đóng góp được điều gì đó cho xã hội, có thêm niềm vui trong học tập, nghiên cứu. Từ đó các em sẽ nuôi dưỡng niềm đam mê đối với AI trong tương lai.
Sau những buổi học, Thành phố sẽ tiếp tục theo dõi hành trình phát triển của những thanh niên tài năng, được bồi dưỡng đặc biệt.
"Với sự đầu tư lâu dài, bên cạnh nhà trường là những lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu, chúng ta sẽ có thêm những "quả ngọt" trong thời gian tới về nguồn nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI", ông Thắng nhấn mạnh.
"AI như một loại ngôn ngữ thứ hai"
Là giảng viên dạy lớp bồi dưỡng kiến thức AI cho học sinh THPT, Tiến sĩ Lê Duy Tân - Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), cho biết những chương trình như "Bình dân học AI" đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập AI cho thế hệ trẻ, tạo nền tảng cho một xã hội số với nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động, sáng tạo và hội nhập.
"Tôi tin rằng AI không chỉ là công nghệ, mà là một năng lực cốt lõi mà mỗi công dân số trong tương lai cần được trang bị như một loại ngôn ngữ thứ hai", TS Tân khẳng định.

Lê Phúc Anh - Học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cho biết với mong muốn trở thành một kỹ sư phần mềm, đây là cơ hội rất tốt để em có thể phát triển những kỹ năng mềm, cũng như kỹ năng cứng về các ứng dụng AI cũng như các thuật toán trong lập trình.
"Em hy vọng rằng những kiến thức mà em được học trong 12 buổi sắp tới sẽ giúp em thêm kỹ năng để giải quyết các vấn đề thực tế trong việc lập trình, cũng như có thêm kinh nghiệm để làm quen với lĩnh vực mà em hướng tới", Phúc Anh chia sẻ.
Lớp thí điểm bồi dưỡng kiến thức về AI cho học sinh đạt giải tại TP.HCM có quy mô 4 lớp học. Trong đó, 2 lớp dành cho học sinh Trung học cơ sở, với chủ đề "Khám phá AI cùng Python" - chương trình tập trung vào kiến thức lập trình cơ bản, thuật toán đơn giản, các dự án ứng dụng AI nhỏ, giúp học sinh làm quen với tư duy công nghệ từ sớm.

Ngoài ra 2 lớp dành cho học sinh Trung học phổ thông, với chủ đề "Lập trình Python và ứng dụng thực tế" - học sinh được tiếp cận các mô hình AI như Machine Learning, xử lý dữ liệu, tư duy giải quyết vấn đề, cùng kỹ năng thuyết trình dự án.
Chương trình được kỳ vọng không chỉ trang bị kiến thức nền tảng và nâng cao về AI cho học sinh phổ thông, mà còn tạo nên một cộng đồng học sinh yêu thích, đam mê và có năng lực nghiên cứu, phát triển các ứng dụng AI trong tương lai gần.
Từ đó hình thành lực lượng nhân lực công nghệ chất lượng, góp phần vào sự phát triển bền vững và đột phá về KHCN tại địa phương.