Chuyên gia bàn về thời gian giải quyết tranh chấp tại trọng tài và các thủ tục tố tụng có liên quan
Tại Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM (CELG – UEH) vừa diễn ra hội thảo chuyên đề “Thời gian giải quyết tranh chấp tại trọng tài và tác động từ các thủ tục tố tụng có liên quan”.
Sự kiện thu hút gần 200 đại biểu gồm trọng tài viên, hòa giải viên, luật sư, pháp chế doanh nghiệp…
Chương trình thuộc Chuỗi Hội thảo chuyên đề và Diễn đàn khoa học về Trọng tài – Hòa giải 2025 (AMS 2025), sự kiện do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng các cơ sở đào tạo luật tổ chức định kỳ. AMS 2025 là lần thứ ba chuỗi sự kiện được triển khai với chủ đề chính “Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”.
Tác động của các thủ tục tố tụng song song đến trọng tài
Theo các chuyên gia, thời gian giải quyết tranh chấp là yếu tố quan trọng quyết định tính hiệu quả của trọng tài thương mại. Tuy nhiên, quy trình này có thể bị kéo dài do tác động của các thủ tục tố tụng song song như phá sản, tạm ngừng kinh doanh, vụ án hình sự…

TS Trần Huỳnh Thanh Nghị (CELG - UEH) trong tham luận “Vận hành tố tụng trọng tài khi phát sinh mở thủ tục phá sản: Pháp luật và thực tiễn” đã phân tích những thách thức khi một bên trong tranh chấp trọng tài bị ảnh hưởng bởi thủ tục phá sản. Ông chỉ ra rằng Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định rõ ràng về vấn đề này, nhưng Luật Trọng tài Thương mại 2010 lại thiếu hướng dẫn chi tiết, chưa đồng bộ với Luật Phá sản. Điều này đặt ra vấn đề liệu trọng tài có nên tạm đình chỉ, đình chỉ hay tiếp tục giải quyết vụ việc.

Tương tự, LS Lê Thành Kính (Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC) cũng đánh giá tác động của yếu tố hình sự đến trọng tài thương mại. Ông cho rằng sự tham gia của các cơ quan tố tụng hình sự có thể dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, gia tăng nguy cơ phán quyết trọng tài bị tòa án hủy bỏ và giới hạn thẩm quyền của trọng tài trong các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự. Từ thực tiễn tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Singapore, LS Kính khuyến nghị Việt Nam cần nghiên cứu mô hình xử lý tranh chấp khi có yếu tố hình sự nhằm hạn chế rủi ro.
Mối quan hệ giữa trọng tài và các cơ quan tố tụng khác
Viện sĩ PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Cố vấn cấp cao Viện Pháp luật, Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM (UEL), đã phân tích cơ chế phối hợp giữa trọng tài và các cơ quan có liên quan dưới góc độ so sánh giữa kinh nghiệm quốc tế và pháp luật Việt Nam. Theo nguyên tắc Kompetenz-Kompetenz (Tự xem xét thẩm quyền), trọng tài có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp ngay cả khi Tòa án đang xét xử vụ việc liên quan, trừ khi Tòa xác định tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài không hợp lệ.

Tuy nhiên, với các đặc thù của khung pháp luật Việt Nam, các bên có quyền khiếu nại ra Tòa án để yêu cầu xem xét thẩm quyền của trọng tài trong trường hợp nói trên. Điều này có thể tác động đối với tính hiệu quả và độc lập của trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp. Vì vậy, theo ông Điện, cần có sự điều chỉnh trong hệ thống pháp luật để đảm bảo tính nhất quán giữa trọng tài và tố tụng tại tòa án.
Tạm đình chỉ tố tụng trọng tài - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam
Vấn đề tạm đình chỉ vụ tranh chấp tại trọng tài cũng được LS Nguyễn Trung Nam (Luật sư Sáng lập EPLegal Limited, Trọng tài viên VIAC, Phó Giám đốc VMC) phân tích trong tham luận “Tạm đình chỉ vụ tranh chấp tại trọng tài: Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”.
Ông Nam cho rằng hệ thống pháp luật tố tụng trọng tài Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thủ tục tạm đình chỉ, dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các trung tâm trọng tài và gây khó khăn cho Hội đồng Trọng tài trong việc ra quyết định. Ông đề xuất hai hướng hoàn thiện chế định này:
- Bổ sung, mở rộng thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong Luật Trọng tài thương mại 2010.
- Quy định cụ thể về tạm đình chỉ trong Quy tắc Tố tụng của các trung tâm trọng tài để đảm bảo sự thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Thảo luận và đề xuất giải pháp
Phần thảo luận toàn thể tại hội thảo thu hút nhiều ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, trọng tài viên, luật sư và đại biểu tham dự. Những quan điểm và đề xuất được đưa ra không chỉ giúp làm rõ các vấn đề thực tiễn mà còn góp phần định hướng các giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài thương mại tại Việt Nam.
Kết thúc hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về trọng tài, tố tụng dân sự, phá sản và tố tụng hình sự để tránh các xung đột và tối ưu hóa thời gian giải quyết tranh chấp. Việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ các quốc gia có hệ thống trọng tài phát triển như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore… cũng là giải pháp cần cân nhắc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật trọng tài tại Việt Nam.