Dòng chảy

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Khẩn trương thực hiện ngay Nghị quyết mới

Trần Phúc 24/06/2023 22:25

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM (24/6), chia sẻ cùng báo giới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh, TP.HCM khẩn trương bắt tay triển khai ngay các công việc thực hiện Nghị quyết.

h-bi-thu-chuc-mung-tp.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chiều 24-6. Ảnh: QP

Bên hành lang Quốc hội, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết rằng, ông cảm thấy rất vui và phấn khởi khi nhận được sự ủng hộ của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các đại biểu Quốc hội cho việc phát triển TP.HCM. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra lo lắng về trách nhiệm của mình trong việc triển khai Nghị quyết này thành công. Từ đó, TP.HCM sẽ nỗ lực để triển khai tốt nghị quyết, đáp ứng niềm tin mà cả nước đã dành cho TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng không quên gởi lời cảm ơn sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, ĐBQH, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị, giúp hình thành một hệ thống chính sách đồng bộ và có chất lượng. Trong đó, vai trò của báo chí cũng rất quan trọng trong việc giúp đưa thông tin đến cộng đồng một cách chính xác và đầy đủ suốt thời gian qua.

“Bắt tay làm ngay, không chờ”

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc Quốc hội đã thông qua cho phép TP.HCM thí điểm các cơ chế, chính sách mới để giải quyết các khó khăn trong thủ tục hành chính là cơ hội để TP.HCM tận dụng tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình, từ đó đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. Các cơ chế, chính sách được thí điểm thành công sẽ được xem xét thể chế hoá và áp dụng cho cả nước hoặc các đô thị lớn khác.

TP.HCM sẽ rà soát để củng cố tổ chức, nhân sự các bộ phận tham mưu, quyết định trực tiếp các nội dung triển khai Nghị quyết. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác triển khai Nghị quyết một cách phù hợp.

h-ong-mai.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ cùng báo chí bên hành lang Quốc hội. 

Cụ thể, ngày 7/7, TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ toàn TP để quán triệt nghị quyết, triển khai chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND.

Song song đó, UBND đã phân công các sở ngành chuẩn bị các nội dung rất cụ thể, để trình HĐND trong kỳ họp tháng 7, tháng 9, tháng 12 tới.

“Tiếp đó TP thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác để theo tiến độ đôn đốc và bắt tay làm ngay, không chờ. Rút kinh nghiệm việc triển nghị Nghị quyết 54 trước đó, TP.HCM đã mất quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị nên kết quả không đạt như mong đợi. Lần này, công tác chuẩn bị đã tốt hơn”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, ngoài các tổ chức và chức danh được nêu rõ trong Nghị quyết như Sở An toàn Thực phẩm, Ban Đô thị HĐND TP Thủ Đức, số lượng phó chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND TP Thủ Đức…, TP sẽ nghiên cứu thành lập các đơn vị sự nghiệp hướng đến tự chủ kinh phí.

Từ đó, TP sẽ thành lập các đơn vị như Viện Công nghệ Tiên tiến TP.HCM, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, Ban quản lý các công trình giao thông trọng điểm, Trung tâm An sinh TP.HCM, vv... để đáp ứng các yêu cầu mới.

"Cho đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đã biết đến, quan tâm Nghị quyết. TP.HCM sẽ sớm mời doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thông tin về nội dung Nghị quyết", đồng chí Phan Văn Mãi nói.

Tận dụng mọi nguồn lực phát huy cơ chế, chính sách mới

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì TP sẽ không đủ nguồn vốn lớn và rẻ để triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Vì vậy, UBND TP.HCM đã đề xuất Chủ tịch Quốc hội xem xét và ủng hộ cho phép TP phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ra thị trường quốc tế để hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị.

Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM được ủy quyền phát hành trái phiếu. Nếu cần thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP.HCM sẽ lập đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét và quyết định.

h-metro(1).jpg
Với Nghị quyết vừa thông qua, TP.HCM được trao quyền chủ động nhiều hơn để phát triển hạ tầng.

TP cũng sẽ áp dụng cơ chế và chính sách PPP như BOT, BT,... để hoàn thiện, triển khai các dự án giao thông như đường Vành đai 2, đường Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng Quốc lộ 13, các dự án đường trên cao, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ...

TP cũng sẽ tận dụng các cơ chế và chính sách để huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các dự án đường sắt đô thị, chống ngập. Hình thức PPP cũng áp dụng trong các dự án văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục.

Đối với phát triển đô thị, TP sẽ phát huy cơ chế và chính sách về TOD. Quỹ đất dọc các tuyến Metro, đường vành đai sẽ được tận dụng để phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, tái cơ cấu bố trí dân cư, hình thành các hành lang đô thị - công nghiệp - dịch vụ - logistics và các trung tâm đô thị mới.

Phân công “sát người, sát việc”, tăng cường kiểm tra

Để đảm bảo công việc được thực hiện đúng và hiệu quả, TP.HCM sẽ xem xét lại phân công nhiệm vụ của các cán bộ, đảm bảo phân công phù hợp với năng lực của từng người, và quan tâm đến từng công việc cụ thể.

TP cũng sẽ thường xuyên kiểm tra các hoạt động thông qua chương trình kiểm tra hàng năm và các tổ công tác. Để đánh giá hiệu quả làm việc của các cán bộ, TP sẽ kết hợp với việc tăng thu nhập và áp dụng chế độ khen thưởng hoặc kỷ luật nghiêm khắc.

Trong quá trình triển khai, TP sẽ điều chỉnh bố trí cán bộ phù hợp với công việc, đảm bảo năng lực thực thi tốt nhất.

Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc kiểm tra, TP sẽ thực hiện chương trình thanh tra - kiểm tra hàng năm, tăng cường các tổ công tác và giám sát thường xuyên. TP cũng sẽ thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác, để tư vấn và có các biện pháp thực thi hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Khẩn trương thực hiện ngay Nghị quyết mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO