Giáo dục

Chọn nghề, chọn ngành: Duyên với ngành Y

TS.BS Bùi Đặng Minh Trí (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) 08/03/2024 - 16:31

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mới đó mà tôi đã làm việc trong ngành Y hơn 15 năm. Thời gian phục vụ trong ngành Y của tôi dẫu không ngắn cũng không dài nhưng cũng đã có rất nhiều kỷ niệm, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch Covid - 19. Có lúc nghĩ lại, tôi thấy mình đúng là có duyên với ngành Y.

minh-tri-5.jpg
TS.BS Bùi Đặng Minh Trí (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y. Từ nhỏ đã chứng kiến tình yêu nghề, sự cống hiến với nghề của bố mẹ và các chị càng làm tôi thôi thúc ý định trở thành một bác sĩ. Trong những năm học cấp 3, tôi luôn cố gắng phấn đấu và đặt mục tiêu thi đậu vào trường Y. Sau 12 năm miệt mài, chăm chỉ học tập, cuối cùng tôi cũng đạt được mục tiêu thi đậu bác sĩ của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – một trong những Trường y danh giá của TP.HCM.

minh-tri-4.jpg
TS.BS Bùi Đặng Minh Trí (bìa phải) tham dự một sự kiện của Tạp chí Khoa học phổ thông.

Tôi vẫn nhớ mãi lời khuyên của ba tôi: “Con đường mà con đã chọn phủ đầy chông gai, nhưng nếu con có đủ quyết tâm thì con sẽ gặt hái được trái ngọt, vì vậy con phải quyết tâm hơn nữa vì ngành con đã chọn liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người”. Khi đó, với nhiệt huyết của một chàng trai 18 tuổi cùng với bao ước mơ hoài bão tôi đã hoàn thành 6 năm đèn sách trên ghế nhà trường. Chính thời khắc cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, tôi mới thấm lời khuyên của ba và nhận ra bản thân vẫn còn nhiều thiếu sót cần trau dồi và học hỏi nhiều hơn. Với suy nghĩ đó, sau khi tốt nghiệp đại học và công tác tại bệnh viện một thời gian, tôi quyết định theo học nghiên cứu sinh - Tiến sĩ chuyên ngành Tai mũi họng.

minh-tri-3.jpg
TS.BS Bùi Đặng Minh Trí phát biểu tại một hội nghị khoa học.

Khi tôi tốt nghiệp cao học cũng là lúc đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19. Bản thân là một bác sĩ, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm với đất nước đặc biệt là những bệnh nhân đang ngày đêm gồng mình chống chọi lại với dịch bệnh. Tham gia đảm nhận vị trí bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến, tôi mới chứng kiến hết sự tàn khốc của đại dịch. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những bệnh nhân mà mình trực tiếp điều trị hồi phục dần và xuất viện, tôi quên hết những mệt mỏi, căng thẳng và càng cảm thấy tự hào hơn về chính ngành học mà mình theo đuổi.

Thầy thuốc - hai chữ được chúng tôi mang danh trong sự trân trọng và thành kính. Bởi nghề y không đơn giản chỉ là đầu vào khối B với Toán, Hóa, Sinh và 6 năm học tập vất vả. Công việc của bác sĩ không chỉ là áp ống nghe vào ngực bệnh nhân mà là những tháng ngày gắn bó với nơi có những ngọn đèn chưa bao giờ tắt. Dưới thứ ánh sáng thường trực này, cuộc sống của những người mặc áo blouse trắng xoay vòng trong tiếng còi xe cấp cứu, máy móc, bình oxy, những chỉ số trên màn hình monitor. Họ đã chiến đấu vì sức , tính mạng của những người bệnh mà họ tiếp nhận và tận hiến. Và với tôi, với những đồng nghiệp, tôi tin chắc rằng niềm hạnh phúc, sung sướng khi trông thấy ánh mắt và nụ cười rạng ngời của bệnh nhân và thân nhân sẽ lớn hơn nhiều lần so với hạnh phúc cá nhân. Niềm hạnh phúc khi đã cứu sống và mang lại niềm tin cho người khác thật to lớn biết nhường nào!

minh-tri-2.jpg
TS.BS Bùi Đặng Minh Trí (bìa phải) ghé thăm Tạp chí Khoa học phổ thông.

Bên cạnh đó là một bác sĩ trẻ, khi nhận công tác tại Trung tâm đào tạo nhân lực y tế, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tôi lại nhận ra thêm một điều rằng, có những người thầy thuốc còn đặc biệt hơn khi mang trên vai trọng trách của những “người lái đò”, khi tiếp tục trao truyền kiến thức cho những bác sĩ trẻ để hoàn thiện, để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, vì sự nghiệp cứu chữa người bệnh, vì sự phát triển của y học nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn nghề, chọn ngành: Duyên với ngành Y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO