Y học

Chế độ dinh dưỡng nào cho người bị tình trạng thừa cân, béo phì?

BSCKII Thái Văn Hùng, Phòng khám Tư vấn và Điều trị Giảm cân, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 11/10/2023 - 13:49

Ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì đặc biệt dinh dưỡng và duy trì kiểm soát cân nặng lâu dài giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Béo phì, nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây

Béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, nhất là các bệnh lý mạn tính không lây như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh lý khác… Béo phì làm giảm chất lượng sống, làm giảm thời gian sống còn...

Trong đó, béo phì và đái tháo đường có liên quan với nhau như “hình với bóng”. Hiện nay, đái tháo đường đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới với tỉ lệ mới mắc và tần suất lưu hành ngày càng gia tăng.

kham-va-tu-van-cho-nguoi-dang-o-tinh-trang-thua-can-beo-phi-o-bv-nguyen-tri-phuong.jpg
Tư vấn và điều trị béo phì tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ tuýp 2 khoảng 5,7% dân số, tức khoảng 3,8 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Dự kiến đến năm 2045, tỷ lệ này ước tính sẽ tăng lên đến 7,7%; tức số người mắc ĐTĐ tăng lên gần gấp đôi là 6,1 triệu người. Tại TPHCM, tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ tuýp 2 là 3,8% năm 2004 lên đến 11% vào năm 2017.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, phòng khám Nội Tiết khám và điều trị cho khoảng gần 6000 bệnh nhân bị đái tháo đường mỗi tháng, trong đó số người có bệnh đồng mắc như tăng huyết áp khoảng 70 - 80%, bệnh rối loạn mỡ máu khoảng 80% và khoảng 30% có tình trạng thừa cân béo phì.

Béo phì là một căn bệnh làm tăng gánh nặng về kinh tế xã hội do tăng nguy cơ mắc các bệnh đi kèm liên quan đến béo phì, đặc biệt là đái tháo đường. Việc quản lý được béo phì là đa yếu tố, các phương pháp điều trị béo phì bao gồm các can thiệp toàn diện về lối sống như liệu pháp dinh dưỡng, hoạt động thể chất, liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc.

Do đó, những người có BMI từ 23 trở lên nên cần gặp chuyên gia tư vấn sớm để có chiến lược can thiệp thích hợp.

Những biện pháp ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Nguyên tắc của chế độ ăn quản lý cân nặng

Dù người béo phì cần giảm lượng thức ăn, nhưng cần đảm bảo nguyên tắc đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể. Do đó, một chế độ ăn phù hợp là cần lựa chọn các thực phẩm giàu protein và ít lipid như: Thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, pho mai gầy, trứng, đậu đỗ; nên ăn cá nhiều hơn thịt; ưu tiên ăn các món luộc, hấp, nướng ít dầu mỡ. Nếu muốn uống sữa, nên uống sữa dành cho người thừa cân béo phì hoặc sữa tách béo không đường, sữa giàu canxi, sữa chua ít hoặc không đường...

dinh-duong-cho-nguoi-beo-phi.jpg
Một chế độ ăn phù hợp dành cho người bị thừa cân, béo phì là cần lựa chọn các thực phẩm giàu protein và ít lipid

Sử dụng những thực phẩm nhóm tinh bột còn nhiều chất xơ như: bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no, không bỏ bữa, cũng không để quá đói (vì sẽ ăn nhiều vào các bữa sau). Buổi tối không ăn sau 20 giờ.

Ăn rau xanh và quả chín khoảng 500g/ngày, nên chế biến ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn salad. Tăng cường ăn rau, củ, trái cây ít ngọt như táo, dưa hấu, mận, ổi, thanh long... Nên ăn ít tinh bột, nếu cảm thấy đói, có thể ăn tăng nhóm rau củ quả để bù vào dạ dày, hoặc các loại thực phẩm ít năng lượng nhưng giúp bạn no như cuốn bánh tráng với cá hấp nhiều rau, gỏi cuốn...

Cung cấp đủ vitamin và muối khoáng: Những khẩu phần ăn dưới 1.200Kcal thường thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, vitamin E...

Uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.

Hạn chế ăn muối, chỉ dưới 6g/ngày, nếu có tăng huyết áp thì chỉ 2-4g/ngày.

Những thực phẩm không nên dùng: Thực phẩm nhiều chất béo (thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò...; thực phẩm nhiều cholesterol (não, tim, gan, thận, lòng lợn...); những món ăn đưa thêm chất béo (bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán...); thức ăn giàu năng lượng như (đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, socôla, nước ngọt...); những đồ uống có chất kích thích (rượu, bia, cà phê...).

Ngoài việc áp dụng một chế độ ăn, nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30phút/ngày với các loại hình như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp...

Cần đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi ngày. Nên ngủ sớm, hạn chế thức khuya. Ngoài ra, cần theo dõi cân nặng hàng tuần và khám sức khỏe định kỳ mỗi 3 - 6 tháng/lần

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế độ dinh dưỡng nào cho người bị tình trạng thừa cân, béo phì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO