Y học

Tiếp cận chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ: Kinh nghiệm lâm sàng và đột phá mới

Bình Minh 14/04/2025 - 17:27

Mới đây, Bệnh viện FV đã tổ chức buổi hội thảo đào tạo y khoa liên tục (CME) tại TP.HCM với chủ đề “Tiếp cận những vấn đề chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ” thu hút gần 500 bác sĩ tham dự.

Tại hội thảo, hàng loạt tiến bộ mới trong điều trị một số bệnh cơ xương khớp - chấn thương chỉnh hình được cập nhật như ngón chân cái vẹo ngoài, bàn chân bẹt, trật khớp vai, viêm đa khớp dạng thấp và giải pháp giúp người bệnh ít đau nhất sau phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng.

Đây được xem là một trong những nỗ lực không ngừng nghỉ và cam kết của Bệnh viện FV trong việc tiên phong ứng dụng thành công các phương pháp điều trị tiên tiến của thế giới và chia sẻ tới cộng đồng y khoa trong nước các kiến thức thực tiễn, góp phần thúc đẩy các tiến bộ y học này ứng dụng rộng rãi, giúp ích nhiều nhất cho người bệnh tại Việt Nam.

toan-canh-hoi-thao-.jpg
Gần 500 bác sĩ tham dự hội thảo “Tiếp cận những vấn đề chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ”

Chương trình có sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, nội cơ xương khớp và gây mê hồi sức tại TP.HCM. Các chuyên gia mang lại nhiều góc nhìn đa chiều, kết hợp giữa nghiên cứu mới nhất và kinh nghiệm thực tiễn, giúp các bác sĩ cập nhật kiến thức và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng – Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng, Trường Đại học Y Dược TP. HCM trình bày đề tài “Trật khớp vai lần đầu – Điều trị bảo tồn hay phẫu thuật”. Đây là chấn thương thường gặp, đặc biệt là ở những người chơi thể thao.

pgs.ts.bs.-do-phuoc-hung-chu-nhiem-bo-mon-chan-thuong-chinh-hinh-va-phuc-hoi-chuc-nang-truong-dai-hoc-y-duoc-tp.-ho-chi-minh.jpg
PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng – Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng, Trường Đại học Y Dược TP. HCM

Theo BS Hùng, khoảng 50% nhóm bệnh nhân điều trị bảo tồn - không bị tái trật khớp, do vậy không phải ai trật khớp lần đầu cũng cần phẫu thuật. Ưu điểm của phẫu thuật (chủ yếu là phẫu thuật nội soi Bankart) là giảm tỷ lệ tái trật khớp (10% so với 55% khi không mổ), chủ yếu giúp những người chơi thể thao sớm quay lại thi đấu. Tuy vậy, nó cũng có thể gây biến chứng trên một số bệnh nhân. Bằng kinh nghiệm lâm sàng, bác sĩ có thể xác định mổ cho bệnh nhân dựa trên nhiều yếu tố: tuổi (tuổi trẻ có nguy cơ tái trật khớp cao hơn), mức độ tổn thương xương, nhu cầu thể thao, kết quả kiểm tra lâm sàng.

Ngón chân cái vẹo ngoài: bệnh phổ biến chưa được quan tâm đúng mức

Trong phần trình bày của mình, TS.BS Lê Trọng Phát – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh viện FV, cho biết có tới 23% người trưởng thành trong độ tuổi 18-65 mắc tật ngón chân cái vẹo ngoài. Đây là một biến dạng do khớp gốc của ngón chân cái phát triển sang một bên, dẫn tới tình trạng xương ngón chân cái bị ngả về phía ngón chân nhỏ hơn.

Đáng chú ý, phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới gấp 2-3 lần, một trong những nguyên nhân được xác định là do sử dụng giày cao gót thường xuyên. Tuy vậy đây là căn bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh được phân loại theo 4 mức độ, ở mức nhẹ thường không có triệu chứng, tuy nhiên các trường hợp nặng sẽ cấn khi mang giày dép và gây ra những cơn đau do viêm khớp ngón chân cái.

"Để điều trị bệnh lý tật ngón chân cái vẹo ngoài, với các trường hợp nhẹ có thể thay đổi giày dép, dùng miếng đệm, miếng ngăn cách ngón chân hoặc nẹp chỉnh hình. Trường hợp nặng người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là chỉnh trục xương và phần mềm (gân, cơ). Nếu chỉ chỉnh xương mà không chỉnh phần mềm thì nguy cơ thất bại có thể tới 90%" - TS.BS Lê Trọng Phát cho hay.

TS.BS Phát còn cho biết thêm, bàn chân có tới hơn 200 gân và dây chằng, cấu trúc phức tạp, do vậy nếu chữa sai, người bệnh có nguy cơ không đi lại được. Trên thế giới có hơn 130 phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh này, trong đó 3 phương pháp phẫu thuật Chevron, Lapidus và Scarf được đánh giá có hiệu quả cao nhất. Đặc biệt phẫu thuật Scarf, một kỹ thuật khó, nhưng đã chứng minh mang lại sự hài lòng lên đến 92% cho bệnh nhân. Tại FV, phẫu thuật này được bác sĩ Phát áp dụng thường quy và chưa từng có trường hợp nào xảy ra biến chứng.

Những lầm tưởng về tật bàn chân bẹt ở trẻ em

Theo BS.CKII Trương Hoàng Vĩnh Khiêm – Bác sĩ điều trị, khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh viện FV, một vấn đề khác liên quan tới bàn chân đó là bàn chân bẹt mềm dẻo. Một nghiên cứu chỉ ra rằng gần 94 -100% trẻ 2 tuổi có bàn chân bẹt nhưng ở độ tuổi lên 10 tỷ lệ này chỉ còn 4%. Điều đó cho thấy phần lớn trẻ em sẽ phát triển vòm bàn chân bình thường khi lớn lên.

Có 2 loại bàn chân bẹt là bàn chân bẹt cứng và bàn chân bẹt mềm dẻo (chiếm 91%). Bàn chân bẹt không triệu chứng thì không cần điều trị. Còn đối với việc điều trị cho trẻ bị bàn chân bẹt triệu chứng nên thực hiện trong độ tuổi sau 8 tuổi tới 13 tuổi, như khuyến khích trẻ đi chân trần; mang đế tạo độ lõm vòm bàn chân; trường hợp nặng (đau chân vào buổi tối, dáng đi không đẹp, dễ bị vấp ngã,…) có thể phẫu thuật.

"Có nhiều phương pháp phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật nâng khớp dưới sên đang được áp dụng hiệu quả tại FV. Theo đó sẽ dùng một vít chèn vào khoang dưới sên nhằm tránh sự xoay quá độ của xương sên trên xương gót và cuộc phẫu thuật chỉ trong 5-15 phút" -BS.CKII Trương Hoàng Vĩnh Khiêm cho hay.

picture1.png
Phẫu thuật điều trị bàn chân bẹt ở Bệnh viện FV.

Giảm đau hiệu quả chiếm hơn 50% thành công của một ca phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

Tại hội thảo, ThS.BS.CKII Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa Gây Mê Hồi Sức, Bệnh viện FV đề cập tới một vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm đó là giảm đau chu phẫu cho người bệnh phẫu thuật thay khớp chi dưới. Thống kê cho thấy bệnh nhân thay khớp gối bị đau mạn tính từ 7-23%, tỷ lệ này ở thay khớp gối là 13-44%. Vì vậy, việc kiểm soát đau cho bệnh nhân được chú trọng để cải thiện kết quả điều trị và tăng sự hài lòng của bệnh nhân.

"Để điều trị cơn đau cho bệnh nhân thay khớp chi dưới, nhiều năm trước Bệnh viện FV đã áp dụng chiến lược đa mô thức để kiểm soát đau: kết hợp thuốc, kỹ thuật phong bế thần kinh, kiểm soát lo âu - trầm cảm và các phương pháp không dùng thuốc. Bệnh viện FV cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng quy trình “Phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS)” để giúp người bệnh nhanh chóng quay trở lại cuộc sống thường nhật trong đó bao gồm chỉ định vận động trong vòng 24 tiếng sau phẫu thuật" - ThS.BS.CKII Lý Quốc Thịnh cho biết.

picture6.png
ThS.BS.CKII Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa Gây Mê Hồi Sức, Bệnh viện FV cho biết: phẫu thuật ít xâm lấn để giảm các tổn thương, rút ngắn thời gian điều trị dưới 3 tiếng cũng rất quan trọng trong kiểm soát đau – đây là những điều mà các phẫu thuật viên FV thực hiện rất thành thục.

Mục tiêu điều trị dứt điểm bệnh thấp khớp trong tương lai gần

Đề cập tới việc điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp (hay còn gọi là bệnh thấp khớp). Đây là bệnh lý viêm khớp mạn tính, ảnh hưởng tới màng hoạt dịch, phá hủy sụn và xương, có nguy cơ gây tàn phế. Theo đó, khoảng 1–2% dân số mắc bệnh này.

ThS.BS Nguyễn Châu Tuấn - Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm đa khớp, do vậy cần lưu ý tới việc cá thể hóa trong điều trị. Bệnh nhân được kết hợp giữa dùng thuốc, vật lý trị liệu và trường hợp khớp bị biến dạng có thể cần phẫu thuật.

“Mục tiêu cuối cùng của điều trị viêm đa khớp dạng thấp là đẩy lùi bệnh, ngăn biến chứng, bảo toàn chất lượng sống cho người bệnh”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

cac-bac-si-trong-phan-q-a.jpg
Các diễn giả giải đáp thắc mắc của khách tham dự hội thảo

Hội thảo đã nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia, bác sĩ tham dự vì tính thiết thực của các bài báo cáo. “Hội thảo này là hoạt động bổ ích. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học ngày nay, các bác sĩ trẻ rất cần tham gia các hội thảo như thế này để có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Bản thân tôi cũng cập nhật được các kiến thức mới để áp dụng điều trị cho bệnh nhân của mình”, cô Nguyễn Thị Chiến, nguyên Giảng viên Trường Cao Đẳng Y tế Ninh Bình nhận xét.

ths.bs.-vu-truong-son-giam-doc-y-khoa-benh-vien-fv.jpg
ThS.BS Vũ Trường Sơn - Giám đốc Y khoa, Bệnh viện FV phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ThS.BS Vũ Trường Sơn - Giám đốc Y khoa, Bệnh viện FV nhận xét: “Với bề dày kinh nghiệm lâm sàng và các nghiên cứu của các diễn giả, chúng tôi tin rằng chương trình hội thảo hôm nay sẽ mang lại góc nhìn mới và cơ hội để chia sẻ khó khăn trong phẫu thuật. Quan trọng hơn, hội thảo là một dịp tốt để các bác sĩ có thể đánh giá khả năng điều trị của FV và tăng cường hợp tác với chúng tôi. Qua đó có thể tiếp cận những phương pháp giúp rút ngắn thời gian hồi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ: Kinh nghiệm lâm sàng và đột phá mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO