Ngành y tế TP.HCM nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu
Ngành y tế TP.HCM đang nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu y tế với hai trụ cột chính là bệnh án điện tử và dữ liệu sức khỏe người dân.
Đây là thông tin được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng chia sẻ tại hội nghị đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế TP.HCM, chiều 10/4.
.png)
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, toàn bộ bệnh viện trên địa bàn sẽ triển khai bệnh án điện tử, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bệnh án giấy vào tháng 9/2025. Đồng thời, 80% thủ tục hành chính sẽ được số hóa, 100% bệnh viện triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp VNeID và trên 30% dân số trưởng thành sẽ sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa.
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở, hiện TP.HCM có 51 bệnh viện công lập nhưng mới chỉ có 9 cơ sở chuyển sang bệnh án điện tử, chiếm khoảng 18%.
Một số đơn vị đã thực hiện gồm Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng Thành phố, Hùng Vương, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định, Răng Hàm Mặt TP.HCM... Ngoài ra, 7 bệnh viện đã đủ điều kiện triển khai nhưng chưa thực hiện hồ sơ thẩm định, trong khi 35 bệnh viện còn lại chưa đạt điều kiện.
Trước thực trạng này, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP.HCM đang nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu y tế với hai trụ cột chính là bệnh án điện tử và dữ liệu sức khỏe người dân. Chỉ khi tất cả bệnh viện cùng triển khai đồng bộ, việc khai thác, kết nối và liên thông dữ liệu mới đạt hiệu quả.
“Hạn cuối là tháng 9 năm nay, các lãnh đạo bệnh viện phải xem đây là nhiệm vụ cấp bách. Nếu quá thời hạn mà vẫn chưa triển khai, người đứng đầu đơn vị sẽ phải làm kiểm điểm,” ông Thượng nhấn mạnh.
.png)
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng, bệnh án điện tử là nội dung then chốt nhưng hiện vẫn thiếu sự kết nối và đồng bộ. Khi hệ thống dữ liệu được xây dựng bài bản và kết nối toàn diện, hoạt động điều hành, quản trị sẽ bước sang một giai đoạn minh bạch, hiện đại và hiệu quả hơn.
“Phải xem đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư cho phát triển, không làm theo phong trào hay đối phó tình huống mà cần chiến lược dài hạn, bài bản,” ông Lộc khẳng định.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM còn cho rằng, Thành phố có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực. Năm 2024, chỉ số “thành phố đáng sống” của TP.HCM đã tăng 6 bậc, trong đó, giáo dục và y tế đóng vai trò then chốt.
Trong thời gian tới, ông đề nghị lãnh đạo các bệnh viện cần rà soát, củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư phát triển nhân lực số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản trị bệnh viện, nhân sự, tài chính, thiết bị y tế... và đặc biệt là khai thác dữ liệu để dự báo rủi ro, phục vụ điều hành hiệu quả hơn.
Đồng thời, ngành y tế cần nhanh chóng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyên môn và kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Tại hội nghị, PGS.TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh viện không giấy là mô hình bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa toàn diện trong hoạt động khám chữa bệnh, với các đặc điểm chính sau:
- Sử dụng bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy truyền thống.
- Triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho việc in phim X-quang, CT, MRI.
- Áp dụng chữ ký số trong các quy trình khám chữa bệnh.
- Sử dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc thẻ khám bệnh thông minh thay thế các loại giấy tờ như sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế.
- Thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.