ChatGPT - AI thông minh nhất thế giới hiện nay có đe dọa 'xóa xổ' nhiều ngành nghề?

HOÀNG NGUYỄN| 11/02/2023 10:34

Chat GPT (viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot được điều khiển bởi công nghệ AI do Công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ phát triển. Ra mắt ngày 30/11/2022 ở giai đoạn thử nghiệm, Chat GPT đã gây “sốt” giới công nghệ và người. Chat GPT vượt mốc 10 triệu người dùng hằng ngày sau 40 ngày ra mắt chính thức và đạt 100 triệu người dùng chỉ trong 2 tháng ra mắt, điều mà chưa có một ứng dụng công nghệ nào làm được.

Với kho kiến thức khổng lồ, công cụ này có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào từ người dùng bằng văn bản ngôn ngữ rất tự nhiên, gần gũi. Chat GPT cũng có thể vẽ tranh, làm thơ, soạn nhạc, viết thư, viết bài báo cáo nghiên cứu khoa học, sửa lỗi lập trình,... 

“Cơn sốt” và nỗi lo thất nghiệp bởi Chat GPT

Dù Chat GPT chưa hỗ trợ người dùng tại Việt Nam nhưng nhiều người dùng Việt Nam đã tìm cách sử dụng được và cũng đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng IT và mạng xã hội.  

Hồ Bảo An, sinh viên năm 3 ngành Hệ thống thông tin, Trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM (UIT) chia sẻ, Chat GPT thực sự “hot” trong thời gian gần đây nhất là trong cộng đồng sinh viên mê CNTT và An cũng sử dụng. “Nó quá thông minh, tôi hỏi nó về những bài học và kiến thức đang học và nó đều trả lời được”, An chia sẻ.

Dương Tùng, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ phần mềm UIT cũng chia sẻ: “Chat GPT có thể giúp tôi làm nhiều công việc trong lập trình, đưa ra những đoạn code có độ chính xác cao và có thể ứng dụng được ngay. Nó chưa thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng có thể hỗ trợ tôi hoàn thành sản phẩm nhanh hơn, gián tiếp tạo ra giá trị”.

Theo các chuyên gia, Chat GPT là một AI thông minh nhất thế giới hiện nay. Sở hữu các tính năng vượt trội, Chat GPT được nhiều chuyên gia cảnh báo hàng chục nghề có nguy cơ mất việc như: nhân viên chăm sóc khách hàng, họa sĩ, nhạc sĩ, giáo viên, những người viết báo cáo khoa học, viết lập trình, ... lo ngại sẽ thay thế họ trong tương lai không xa.

Dương Tùng hiện đang làm thêm và dự định ra trường sẽ tiếp tục công việc trợ giảng tỏ ra lo lắng: “Hiện Chat GPT còn nhiều hạn chế ở phần tiếng Việt nhưng sắp tới, nó sẽ mạnh mẽ hơn và tôi chắc cũng sẽ cần thay đổi”.

Với năng lực chính là sáng tạo và tổng hợp nội dung, Chat GPT đang được cho là mối đe dọa nền học thuật và nền công nghiệp nội dung, thậm chí là các nhà báo, các nhà khoa học. 

Henry Williams, một nhà báo tự do ở London đã nhập câu lệnh vào Chat GPT “viết một bài về cổng thanh toán là gì” và chỉ tốn 30 giây để hoàn thành quảng cáo giá 615 USD. Sau khi chỉnh sửa một chút, anh gửi bài báo đi và được xuất bản. Bài báo cũng được Henry Williams đưa vào phần mềm chống đạo văn kiểm tra và kết quả là duy nhất 100%. Điều này khiến Henry Williams lo ngại sớm thất nghiệp.

Chưa cần lo lắng quá về Chat GPT 

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, không thể phủ nhận các cỗ máy, phần mềm đã và đang thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Riêng đối với Chat GPT, các chuyên gia cũng có rằng vẫn còn nhiều điều AI này chưa làm được và không thể thay thế con người.

Theo TS. ngành Khoa học máy tính Nguyễn Lưu Thùy Ngân – Phó Hiệu trưởng UIT, Chat GPT chỉ là một công cụ tìm kiếm thông tin trên internet như google search và được tổng hợp, viết lại gần gũi hơn với con người. 

TS. ngành Khoa học máy tính Nguyễn Lưu Thùy Ngân – Phó Hiệu trưởng UIT. Ảnh: UIT.

“Chat GPT sẽ hỗ trợ cho nhà khoa học không phải dân bản xứ hay rành về tiếng Anh nhưng không thể thay thế được bởi để viết một bài nghiên cứu khoa học phải có kỹ năng phân tích và kỹ năng chuyên môn rất sâu. Sử dụng Chat GPT chỉ hỗ trợ viết bài báo dễ dàng hơn và các nhà khoa học cũng có cảnh báo về lỗi đạo văn nếu sử dụng Chat GPT”, TS. Ngân chia sẻ. TS. Ngân cũng lưu ý người dùng vẫn cần kiểm tra lại đáp án của Chat GPT đúng hay sai chứ không phải đáp án nào cũng hoàn toàn đúng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chia sẻ, sự ra đời của Chat GPT là bước ngoặt tiếp theo của tiến trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. 

“Chat GPT chỉ có thể cung cấp câu trả lời khi có data ngôn ngữ và hiện các nội dung phần lớn được dịch ra từ tiếng Anh nên có thể không chính xác. Vì vậy, chúng ta chưa cần lo lắng quá với Chat GPT. Đương nhiên, nó chỉ là một công cụ hữu hiệu giúp chúng ta chỉnh sửa văn bản, trả lời email, sáng tạo nội dung và nhiều công việc đơn giản khác”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ. 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, nhiều công việc đơn giản sẽ không còn vì Chat GPT và các AI khác nhưng nảy sinh ra nhiều công việc mới về ngôn ngữ học máy tính, cần nhiều nhà ngôn ngữ học có khả năng phân loại ngôn ngữ, xây dựng data ngôn ngữ đặc biệt là ngôn ngữ tiếng Việt. 

Chia sẻ trong buổi hội thảo với hơn 200 sinh viên UIT ngày 6/2, GS.TS Đỗ Phúc, giảng viên cao cấp UIT cho rằng “làn sóng” trí tuệ nhân tạo “gõ cửa” và phổ cập mọi người, mọi nhà đã bắt đầu. Song dù muốn hay không, rồi đây, chúng ta sẽ cùng làm quen với cuộc sống với những cỗ máy “siêu trí tuệ" và tư duy, định hướng công việc của mình liên quan tới nó.

GS.TS Đỗ Phúc, giảng viên cao cấp UIT chia sẻ về ChatGPT với hơn 200 sinh viên.

“Máy móc không bao giờ thay thế được những thợ lành nghề với những sản phẩm độc bản. Máy móc cũng không thể thay thế được những người làm nội dung có tìm tòi, dấu ấn riêng trong công cuộc mở mang tri thức”, GS.TS. Đỗ Phúc khẳng định.

Bên cạnh đó, GS.TS. Đỗ Phúc cũng cho rằng, sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn như Chat GPT đã nâng cao đáng kể lĩnh vực nghiên cứu QA chatbot nhưng không có khả năng dẫn đến việc dừng hoàn toàn nghiên cứu trong lĩnh vực này. Vẫn còn một số lĩnh vực cần phải nghiên cứu có thể tăng cường và cải thiện hơn nữa khả năng của chatbot QA như: cá nhân hóa và tùy chỉnh theo sở thích, ngữ cảnh của người dùng; tương tác đa phương thức ngoài văn bản như lời nói, hình ảnh; minh bạch và có thể giải thích được cách thức và lý do cho câu trả lời được đưa ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ChatGPT - AI thông minh nhất thế giới hiện nay có đe dọa 'xóa xổ' nhiều ngành nghề?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO