Cầu thủ Xuân Son điều trị tại Việt Nam có phải là tối ưu?
Sau chấn thương của tiền đạo Xuân Son, cộng đồng mạng có nhiều ý kiến hoài nghi khi biết cầu thủ này được phẫu thuật trong nước thay vì chữa trị ở nước ngoài. Khoa học phổ thông một lần nữa đã có cuộc trao đổi với TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Chủ tịch Hội Nội soi và Y học thể thao Đông Nam Á liên quan đến vấn đề này.
Đọc thêm: Chuyên gia nói gì về chấn thương của Xuân Son?
- Thưa tiến sĩ, đọc những lo lắng, thậm chí phản đối của nhiều người khi biết tuyển thủ quốc gia Xuân Son được phẫu thuật trong nước, với tư cách là bác sĩ "nội địa" và là Chủ tịch Hội Nội soi và Y học thể thao Đông Nam Á, cảm xúc của ông thế nào?
Tất nhiên khi nghe những điều này tôi cũng có chút buồn phiền. Bởi tư cách là Chủ tịch Hội Nội soi và Y học thể thao Đông Nam Á, cũng là Chủ tịch Hội Nội soi và Thay khớp Việt Nam, tôi biết rõ khả năng của bác sĩ Việt Nam hiện nay đã tiến bộ vượt bậc chứ không còn như xưa.
Thứ nhất, trình độ của chúng ta hiện đã ngang hàng các nước Đông Nam Á. Các bạn bác sĩ trẻ hiện nay không chỉ được đào tạo trong nước mà còn ở những quốc gia khác.
Thứ hai, về mặt kiến thức, do chúng ta đang sống trong thế giới phẳng nên bất kỳ phát minh hay kỹ thuật mới đều được cập nhật trên mạng, điều này giúp các bác sĩ Việt Nam nắm bắt rất nhiều.
Thứ ba, về mặt tích lũy kinh nghiệm, bác sĩ Việt Nam không thua ai, bởi số ca mổ thực tế của ta rất nhiều, bác sĩ vì thế có cơ hội cọ sát nhiều tình huống. Dĩ nhiên mọi người cho rằng mổ một cầu thủ không giống như mổ một người dân thường, nhưng đứng về mặt kỹ thuật cơ bản thì mổ trên một con người là như nhau.
Như vậy với những điều đã nói như trên, chúng tôi thấy Xuân Son mổ ở Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Thêm nữa, từ ông bầu cho tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đã mạnh dạn không để Xuân Son mổ ở Thái Lan. Nói như vậy không phải Thái Lan mổ dở hơn Việt Nam, nhưng thực sự chúng ta không thể biết nơi Xuân Son được đưa đến là bệnh viện như thế nào, bởi cũng như khách sạn, bệnh viện cũng có bệnh viện này bệnh viện nọ, có bệnh viện 5 sao, nhưng cũng có bệnh viện 4 sao, 3 sao...thậm chí chỉ cỡ tiêu chuẩn nhà trọ. Đó là chưa kể để đến, ngoài việc phẫu thuật, Xuân Son còn cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng, điều này chỉ ở trong nước là tiện nhất.
Đọc các bình luận chê bai, tôi cũng buồn nhưng chỉ thoáng qua, bởi sau đó tôi lập tức có niềm tin khi bản thân Xuân Son - người được nhiều mạnh thường quân tài trợ, anh có đủ điều kiện và có quyền lựa chọn được mổ ở bất cứ nơi đâu, song lại chọn mổ tại Việt Nam.
Là một trong số những người tham gia thành lập Hội Nội soi và Thay khớp TP.HCM, sau đó là Hội Nội soi và Thay khớp Việt Nam, rồi tham gia sáng lập Hội Nội soi và Y học thể thao Đông Nam Á, bản thân tôi thấy bước tiến của ngành y học thể thao Việt Nam đã có một bước tiến dài rõ rệt và trải rộng, đó là điều khiến tôi tin trong tương lai, nếu chẳng may gặp chấn thương, các cầu thủ sẽ chọn mổ trong nước.
- Vậy theo ông, những bằng chứng nào để người dân tin rằng với những chấn thương như kiểu Xuân Son thì bác sĩ của mình có thể làm tốt?
Tôi là những người đã cố vấn và tham gia điều trị cho nhiều cầu thủ của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, sau mổ các bạn vẫn quay lại đá bóng bình thường. Đặc biệt có một cầu thủ của Đội tuyển Viettel vào đầu mùa dịch bị chấn thương không thể đi Singapore điều trị nên đã được chữa trong nước. Cầu thủ này sau đó thi đấu lại rất tốt. Có lần bạn này thi đấu trên Sân vận động Thống Nhất, bị va chạm nhưng chính tôi kiểm tra và thấy mọi thứ vẫn hoàn toàn tốt. Hiện cầu thủ này vẫn đá bóng chuyên nghiệp.
Ngoài các cầu thủ trong nước, rất nhiều bà con người Việt sống ở ngoài nước, là những người có điều kiện kinh tế rất tốt nhưng khi gặp chấn thương vẫn không chọn mổ nước ngoài mà về nước điều trị. Cụ thể tại Bệnh viện Sante nơi tôi hợp tác làm việc, có một bạn chơi thể thao sống ở Canada bị đứt dây chằng gọi điện về Việt Nam, sau đó bay về mổ và chỉ một tháng sau bạn này đã thi đấu thể thao lại bình thường.
Một nữ bệnh nhân khác ở Hà Lan mổ thay khớp 2 lần thất bại, sau đó về Việt Nam được tôi mổ tại Bệnh viện Sante, rồi chăm sóc tái khám tại Phòng khám Xương khớp Việt của chúng tôi. Đến nay bệnh nhân đã đi đứng sinh hoạt bình thường.
Đặc biệt có một điều nữa rất đáng mừng, là những cộng đồng người nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc sống tại TP.HCM, khi gặp chấn thương, thay vì bay về nước điều trị, thì lại chọn mổ luôn tại Việt Nam. Cụ thể, vị chủ tịch hội doanh nhân Úc tại Việt Nam sau khi tham khảo nhiều quốc gia, cuối cùng đã để chúng tôi thay luôn 2 khớp háng bằng kỹ thuật mà tại Úc cũng đang làm. Tại Úc, nếu vị này muốn thay khớp háng phải chờ đến 9 tháng.
Không phải tự mình khoe mình, nhưng vài ví dụ trên là những bằng chứng trong số rất nhiều trường hợp đã chữa trị thành công, cho thấy nhiều người đã có niềm tin với bác sĩ chấn thương chỉnh hình của chúng ta.
- Nếu so sánh với các nước trong khu vực châu Á, ông thấy trình độ chuyên môn và đầu tư kỹ thuật của ta trong ngành chấn thương chỉnh hình nói chung và y học thể thao ra sao?
Thực ra ở khu vực châu Á - Thái Bình dương thì các nước như Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand vẫn đang dẫn đầu. Còn lại khi làm những hội thảo, rất nhiều nước khi nghe chúng tôi báo cáo đều khẳng định, Việt Nam đã tiến rất xa. Cho nên, dù về đầu tư kỹ thuật chúng ta vẫn chưa đạt đến chuẩn đồng đều như Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, nhưng chúng ta vẫn có những trung tâm xuất sắc, được đầu tư không thua kém họ.
- Mấy hôm nay nhiều người trên mạng xã hội khuyên nên Xuân Son “sang châu Âu chữa trị”. Theo ông đây là những lời khuyên cảm tính hay có căn cứ? Liệu châu Âu thực sự hơn ta ở điểm nào trong mổ chấn thương cho vận động viên chuyên nghiệp?
Châu Âu hiển nhiên phải có những trung tâm lớn, chỉ có điều bạn phải chọn đúng trung tâm đó, chưa kể bệnh nhân gãy chân mà chuyển sang châu Âu là không đơn giản, ngoài ra chi phí đi lại rất cao.
Một vấn đề quan trọng khác cũng nên lưu tâm, đó chính là việc mổ chỉ chiếm 50%, vấn đề còn lại là việc chăm sóc, tập luyện, theo dõi sát sao của bác sĩ trực tiếp phẫu thuật. Đây chính là lợi thế khi mổ trong nước. Đó là chưa kể các kỹ thuật mới của các nước đã luôn được bác sĩ trong nước cập nhật qua nhiều hình thức.
- Quay lại Xuân Son, trên trang cá nhân của mình, bác sĩ đã chúc mừng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Vinmec, nơi vừa mổ xong cho Xuân Son. Với tư cách là Chủ tịch Hội Nội soi và Y học thể thao Đông Nam Á, ông có thông tin gì về ca mổ này và có những nhận định hay tiên đoán gì trong kết quả điều trị?
GS.TS.BS Trần Trung Dũng, người vừa mổ cho Xuân Son cũng là thành viên ban chấp hành Hội Nội soi và thay khớp Việt Nam. Theo thông tin tôi có được, cuộc mổ cho Xuân Son đã diễn ra thuận lợi. Êkip của giáo sư Dũng đã đóng đinh nội tủy cho Xuân Son và sau đó sẽ bắt đầu quá trình luyện tập. Như tôi đã nói, một cuộc mổ thành công chỉ là 50%, phần còn lại là phải theo dõi các biến chứng và thiết lập chế độ luyện tập.
Tuy nhiên, tôi rất tự hào êkip của giáo sư Trần Trung Dũng, một êkip rất mạnh về y học thể thao của Việt Nam. Giáo sư Dũng cũng bảo: "Chúng ta cùng nhau là những người tiên phong để đưa niềm tin của mọi người trở lại đối với y học thể thao nói riêng và y học chấn thương chỉnh hình nói chung".
- Mọi người thắc mắc Việt Nam mình có Chủ tịch Hội Nội soi và Y học thể thao Đông Nam Á, vậy vai trò cụ thể của ông là gì trong những hoạt động thể thao diễn ra trong khu vực và khi xảy ra các sự cố, Việt Nam có vai trò gì trong tiếp nhận điều trị nếu có các vận động viên bị chấn thương?
Trước tiên cần phải hiểu vai trò của Hội Nội soi và Y học thể thao Đông Nam Á. Đây là hội mà Việt Nam là một thành viên trong nhóm đầu tiên sáng lập cùng các nước còn lại như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Đông Nam Á vẫn bị xem là khu vực vùng trũng của thế giới về y học thể thao. Chính vì thế mục tiêu của việc sáng lập Hội nhằm thúc đẩy sự trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm của các nước trong khu vực Đông Nam Á với nhau. Dù không giàu có như khu vực Bắc Á hoặc châu Âu, thế nhưng mong muốn của chúng tôi là làm sao trong điều kiện của mình, mình vẫn có thể điều trị tốt cho vận động viên của mình.
Ngoài ra, Hội cũng tổ chức các hội nghị nhằm đưa các chuyên gia đầu ngành y học thể thao và nội soi trên thế giới về Việt Nam cũng như Đông Nam Á, để họ chuyển giao những kỹ thuật, kinh nghiệm trực tiếp với chúng ta.
Hội cũng có những cuộc hội họp nhằm tập trung ý kiến của các chuyên gia, giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Ví dụ như tìm giải pháp tối ưu cho những tổn thương đứt đa dây chằng đối với các cầu thủ dựa trên tham khảo ý kiến của các bác sĩ từ các nước phát triển.
Hội cũng giúp những nước còn yếu hơn. Ví dụ Việt Nam đang nhận đào tạo về y học thế thao và nội soi cho Lào, Campuchia.
- Một vấn đề khác cũng được nhiều người dân quan tâm, đó chính là chi phí điều trị của Việt Nam như thế nào so với các nước?
Nếu Xuân Son mổ ở Thái Lan, chi phí có thể cao hơn gấp đôi. Còn tại Singapore, chi phí có thể cao hơn 3 đến 4 lần. Chi phí này còn cao hơn gấp 5-6 lần nếu chữa tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu.
- Đến hôm nay, nếu nói về những gì vừa xảy ra liên quan đến chiến thắng của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam và chấn thương của Xuân Son, cảm xúc của ông như thế nào?
Từ hôm Việt Nam chiến thắng đến nay cảm xúc của tôi vẫn đang lâng lâng. Hiển nhiên lâng lâng ở đây một phần do chiến thắng của đội tuyển, phần còn lại là qua việc chữa trị cho Xuân Son, tôi thấy các bác sĩ trong nước đã làm được và tạo được niềm tin khiến các cầu thủ vững tâm hơn nếu chẳng may gặp chấn thương.
Đây chính là điểm son vào những ngày đầu năm mới 2025 đối với ngành Y tế Việt Nam. Đây không phải là chuyện một sớm một chiều có được, mà đây là hành trình hơn 10 năm nay, từ việc đào tạo, đầu tư và quan trọng nhất vẫn là con người. Đặc biệt, hoạt động của các hiệp, hội đã giúp các bác sĩ trong việc đào tạo chuyên môn và mạnh dạn hơn trong việc điều trị cho các vận động viên của mình.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Xuân Son, vua phá lưới – cầu thủ xuất sắc nhất giải ASEAN Mitsubishi Electric Cup™ 2024, đã gặp phải chấn thương nghiêm trọng trong trận chung kết lượt về với Thái Lan. Xuân Son vừa hoàn thành phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Sau khi tiến hành các kiểm tra chuyên sâu và hội chẩn chuyên gia, Vinmec xác định vết thương của Xuân Son nghiêm trọng hơn so với ghi nhận ban đầu. Kết quả hội chẩn ghi nhận: Xuân Son bị gãy kín phức tạp 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân, có hai mảnh rời lớn.
Các bác sĩ Trung tâm Chấn Thương Chỉnh hình và Y học Thể thao Vinmec quyết định phẫu thuật kết hợp xương kín bằng đinh nội tủy có chốt dưới màn hình tăng sáng. Đây là giải pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp giảm thiểu tổn thương mô mềm và đảm bảo phục hồi nhanh chóng.
Xuân Son sẽ bước vào giai đoạn vật lý trị liệu và phục hồi chức năng với sự hỗ trợ tối ưu từ các chuyên gia tại Vinmec. Dự kiến ngay ngày hôm nay 7.1, anh có thể bắt đầu tập luyện nhẹ nhàng và di chuyển bằng nạng - từng bước tiến gần hơn đến ngày trở lại sân cỏ.