Kinh doanh

Câu chuyện khởi nghiệp xanh vì cộng đồng của những người trẻ

Hoàng Nguyễn 03/06/2023 - 14:08

Tham gia vào cộng đồng “Khởi nghiệp xanh”, câu chuyện khởi nghiệp đầy đam mê và hết lòng vì cộng đồng của nhiều bạn trẻ đã truyền cảm hứng cho những người khác, tạo ra những giá trị bền vững.

Khởi nghiệp xanh - sân chơi khởi nghiệp nông nghiệp cho giới trẻ

Những năm gần đây, khởi nghiệp là vấn đề được cả xã hội quan tâm và “làn sóng” khởi nghiệp trong giới trẻ ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp xanh”, tiền thân là chương trình “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo” từ 2013 đến nay là một trong những sân chơi của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, tạo ra nhiều “doanh nông” trẻ thành công.

Bền bỉ suốt 10 năm qua, chương trình đã trở thành một sân chơi khởi nghiệp, mạng lưới để các doanh nghiệp trẻ, các thanh niên trao đổi kinh nghiệm khởi sự kinh doanh, lập nghiệp, kết nối với nhau cùng xây dựng chuỗi giá trị liên kết vững mạnh.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, khoảng 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước đã tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp xanh”, trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp rộng khắp, năng động và sáng tạo sản xuất ra những sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa, sản vật quê hương. Cho đến thời điểm hiện tại, chương trình đã có gần 400 lớp tập huấn với khoảng 30.000 lượt thành viên tham dự với của hơn 50 lượt chuyên gia tham gia chia sẻ, hướng dẫn.

Với sự hỗ trợ của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã phát triển, lớn mạnh không ngừng, xây dựng được những tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, FDA, OCOP… chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao từ 2020 đến 2023; nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã xuất khẩu ổn định qua thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Châu Á…

khoi-nghiep-dat-foods-2(1).jpg
Khởi nghiệp nông nghiệp là hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: Đạt Foods.

Chương trình “Dự án khởi nghiệp xanh” đã và đang tạo ra một thế hệ những người làm ăn kiểu mới, là những “doanh nông trẻ”. Họ gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa vốn là những sản vật của vùng, miền, rồi nghiên cứu, sáng tạo, cho ra những sản phẩm mới độc đáo, có tính thương mại hóa trên thị trường.

“Hệ sinh thái từ BSA đã mang đến hạnh phúc cho các bạn trẻ trên khắp vùng miền cả nước, từ Hà Giang, Tuyên Quang, đến các tỉnh miền Trung, miền Tây… và tạo ra phong trào khởi nghiệp ở nhiều nơi. Chặng đường 10 năm đó, những ý tưởng khởi nghiệp, dự án của các bạn trẻ từ tài nguyên bản địa được tiếp lửa, truyền cảm hứng… nhìn qua những con người, bạn trẻ khởi nghiệp này chúng ta cũng thấy được phần nào tương lai của đất nước. Hôm nay những bạn trẻ chập chững bước chân vào con đường khởi nghiệp thì 5 năm, 10 năm sau, chúng ta sẽ có thế hệ doanh nhân cho đất nước", Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét.

Câu chuyện khởi nghiệp đầy đam mê, cống hiến cho xã hội

Tham gia cộng đồng “Khởi nghiệp xanh” và có những thành công nhất định, nhiều bạn trẻ đã có những dự án khởi nghiệp đầy đam mê, tạo tác động xã hội và cống hiến cho cộng đồng.

5.jpg
Các bạn trẻ khởi nghiệp cùng chia sẻ câu chuyện của mình (trái qua phải): Lê Minh Vương, Phạm Đình Ngãi, Đoàn Thị Hồng Thắm và Trần Đăng Đạt.

Phạm Đình Ngãi (Trà Vinh), giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp xanh” năm 2020, với các sản phẩm từ mật hoa dừa thương hiệu Sokfarm đạt chuẩn ISO, HCCAP, chuẩn hữu cơ quốc tế nay đã thành công khi các sản phẩm hiện đã có mặt tại hơn 30 tỉnh thành trong nước và xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, Hà Lan,… Ngoài câu chuyện bỏ phố về quê cùng vợ - chị Thạch Thị Chal Thi (người dân tộc Khmer, quê Trà Vinh) khởi nghiệp từ mật hoa dừa đầy đam mê thì anh Ngãi cũng tạo được tác động tích cực đến cộng đồng.

ngai-sokfarm.jpg
Các sản phẩm từ mật hoa dừa của anh Phạm Đình Ngãi (bìa trái) nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

“Với dự án khởi nghiệp, chúng tôi muốn làm điều gì đó thiên về tác động xã hội, đóng góp cho quê hương. Bà con nông dân rất phấn khởi khi thu mật hoa dừa thì giá trị kinh tế của cây dừa hiện đã tăng gấp 3-5 lần”, anh Ngãi chia sẻ. Ngoài vườn dừa của gia đình, anh Ngãi liên kết với các hộ nông dân quanh vùng, tăng tổng diện tích vùng nguyên liệu thu mật hoa dừa lên đến 20ha. Anh cũng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân và trên 80% nhân sự làm việc cho xưởng của anh là người dân tộc Khmer trong vùng.

Đoàn Hồng Thắm (Cần Thơ) đạt giải Nhì cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp xanh” năm 2022 với các sản phẩm dược trà Hygie & Panacee chia sẻ, để đạt được thành công, chị phải vừa làm vừa mò mẫn và học thêm kiến thức rất nhiều. “Tôi có niềm đam mê sâu sắc về thảo dược và dược liệu Việt Nam. Tôi nhận thức được giá trị to lớn của dược liệu trong việc sử dụng hàng ngày để chăm sóc và và cải thiện sức khỏe. Là một dược sĩ được đào tạo bài bản, với chuyên môn và kinh nghiêm của mình, tôi mong muốn mang dược liệu Việt đến gần hơn với người dùng theo phương cách tiện lợi, an toàn và hiệu quả”, chị Thắm chia sẻ.

3.jpg
Dược sĩ Đoàn Hồng Thắm khởi nghiệp với các sản phẩm dược trà Hygie & Panacee.

Chị Thắm cũng cho biết, các sản phẩm của chị đặc biệt là trà làm từ nông sản bằng phương pháp chiết xuất của dược liệu để làm thành bột hòa tan, pha vào nước uống được liền chứ không phát sinh rác như trà túi lọc, và trong veo, không bị lắng cặn như các loại khác.

Lê Minh Vương (Ninh Thuận), giải Nhì cuộc thi năm 2015 với mô hình nuôi trùn quế lấy phân cũng chia sẻ, anh ý thức được việc phải nỗ lực học tập vượt khó để trở thành người có giá trị từ nhỏ từ những lời dạy của mẹ anh. Sau khi thành công với mô hình nuôi trùn quế lấy phân hữu cơ, anh tiếp tục đam mê theo đuổi đến nay đã 10 năm bởi nó phù hợp với xu hướng nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Bên cạnh đó, anh cũng chuyển giao mô hình nuôi trùn quế miễn phí cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, anh cũng viết sách hướng dẫn thực hiện mô hình này.

le-minh_vuong.jpg
Anh Lê Minh Vương giới thiệu sách các sản phẩm từ trang trại Nắng và Gió.

“Mình nghèo không có tiền nhưng mình có thể phụng sự xã hội bằng cách tạo ra những mô hình hữu ích và chuyển giao miễn phí cho bà con nông dân, tạo ra những sản phẩm giá thành rẻ nhất, chất lượng nhất cho bà con nông dân sử dụng. Chỉ cần cho họ cái cần câu để họ kiếm ăn suốt đời hơn là cho con cá”, anh Vương chia sẻ.

Sau khi khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi trùn quế lấy phân, anh Vương tiếp tục phát triển “Dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC Plus tại Ninh Thuận 2023” tại trang trại Nắng và Gió có diện tích 100 ha ở quê nhà Ninh Thuận. Anh cho biết, đây là mô hình cải tiến từ mô hình vườn-ao-chuồng ngày xưa, có thêm hạng mục phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế và kết hợp 4 hạng mục thành một module trải nghiệm du lịch.

Tham gia cộng đồng “Khởi nghiệp xanh” nhiều năm qua, năm nay, anh Trần Đăng Đạt, đồng sáng lập Đạt Foods mới chính thức dự thi ở sân chơi này với các sản phẩm chủ lực là bơ và dầu hạt và bánh gạo lứt kẹp bơ. Anh cho biết, dự án khởi nghiệp của nhóm gồm 3 thành viên sáng lập đều đau đáu tìm ra sự hài hòa lợi ích để những công nhân, nông dân được hưởng đãi ngộ xứng đáng.

1.dat-foods.jpg
Vùng nguyên liệu đậu phộng (lạc) của anh Trần Đăng Đạt, đồng sáng lập Đạt Foods.

Đạt Foods đã liên kết với các hộ nông dân, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tạo ra vùng nguyên liệu organic (Hòa Bình; Củ Chi, TP.HCM) để sản xuất và có xưởng sản xuất riêng. Từ đó, tạo ra mô hình kinh tế bền vững, thân thiện môi trường và cùng chia sẻ lợi nhuận với các hộ nông dân. Hiện, Đạt Foods thu mua khoảng 9 tấn đậu phộng và 1-2 tấn hạt điều mỗi năm đưa vào sản xuất tạo ra thành phẩm bơ, hạt điều, dầu mè,... phân phối tại hơn 150 cửa hàng thực phẩm cao cấp, organic ở Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện khởi nghiệp xanh vì cộng đồng của những người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO