Câu chuyện cấp nước thông minh, đảm bảo an ninh nguồn nước của TP.HCM
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang làm báo cáo tiền khả thi các dự án lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng hoặc từ hồ Trị An. Bên cạnh đó, việc cấp nước thông minh càng đảm bảo an ninh nguồn nước.
Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), đã có buổi trò chuyện cùng Tạp chí Khoa học phổ thông, xung quanh câu chuyện cấp nước thông minh và đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn.
Đảm bảo cấp 100% nước sạch đủ nhu cầu người dân
Theo một thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình TP.HCM vào tháng 12/2023, TP.HCM hiện hơn 9,3 triệu người. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 của Thủ tướng, dự báo dân số của Thành phố đến 2025 khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người.
Để đảm bảo cung cấp nước sạch trong tương lai cho TP.HCM, SAWACO đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - SAWACO
Thật ra không phải tới bây giờ, SAWACO hằng năm đều có kế hoạch cấp nước, đảm bảo nhu cầu cho người dân Thành phố. Biến động dân số của thành phố diễn ra liên tục và số lượng người dân di cư đến thành phố cũng không nhỏ. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa của Thành phố, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven, ngày càng tăng. Vì vậy, việc cung cấp nước sạch đáp ứng đủ nhu cầu người dân là luôn phải chuẩn bị và sẵn sàng.
Hằng năm, sản lượng cung cấp nước của Tổng Công ty tăng trung bình 4 - 5%, và dự kiến, thời gian tới, nhiều biến động có thể xảy ra khiến con số này sẽ bị vượt qua.
Hiện nay, tổng sản lượng của các nhà máy nước đạt khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, gần 2 triệu m3 nước sạch được cung cấp cho người dân của TP.HCM. Phần còn lại để dự phòng nhằm cung cấp cho Thành phố vào những thời điểm tiêu thụ tăng đột biến như các dịp lễ, Tết và cao điểm mùa khô hoặc khi các nhà máy nước có sự cố.
SAWACO đang chuẩn bị đầu tư thêm hai nhà máy nước nữa, một nhà máy có công suất là 300.000m3/ngày đêm, một nhà máy khác là 200.000m3/ngày đêm
Xin ông nói thêm về hai nhà máy nước mới này và các triển khai liên quan đến hệ thống mạng lưới cấp nước Thành phố.
Nằm ở TP. Thủ Đức, một nhà máy mới, nhà máy nước Thủ Đức IV, sẽ được mở rộng từ nhà máy nước hiện hữu. Nhà máy nước thứ hai là nhà máy nước Kênh Đông 2 ở Củ Chi. Tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nhà máy nước ở Củ Chi sẽ lấy nước trực tiếp ở Kênh Đông, sau đó xử lý và cấp nước sạch cho Thành phố. Dự kiến, hai nhà máy nước này sẽ được đưa vào vận hành khoảng 2027.
Sawaco cũng đang đầu tư nâng cấp các hệ thống mạng lưới cung cấp nước cấp 1, cấp 2; đặc biệt cấp 3. Mạng cấp 3 đưa nước vào nhà dân đang dần được phủ kín tại các khu vực dân cư hiện chưa được bao phủ hết như huyện Cần Giờ, Bình Chánh, huyện Hóc Môn, Quận 12… Đây là những khu vực mà Tổng Công ty còn phát triển được nếu đủ điều kiện, tăng độ bao phủ nước sạch cho người dân.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn trong việc phát triển mạng lưới cấp nước. Một số địa phương như Quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh vẫn chưa phát triển hạ tầng, chưa có những quy hoạch cụ thể, nên SAWACO vẫn chưa thể xây dựng các kế hoạch đầu tư và lắp đặt hệ thống mạng lưới cấp nước ở các khu vực này.
Bên cạnh việc đảm bảo 100% người dân TP.HCM được sử dụng nước sạch; SAWACO còn được yêu cầu giảm tỷ lệ thất thoát nước. Cho đến nay, công tác giảm tỷ lệ thất thoát nước đã được SAWACO tiến hành ra sao?
Thất thoát nước có hai khía cạnh, gồm thất thoát nước hữu hình và thất thoát nước vô hình. Thất thoát nước hữu hình có thể kể đến bể đường ống, còn vô hình có thể do công tác quản lý (đồng hồ đo không chính xác, người dân dùng nước không qua đồng hồ…). Vì vậy để giảm thất thoát nước, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giải pháp, cả về mặt kỹ thuật, kinh doanh lẫn quản lý.
Theo quy hoạch cấp nước của TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến cuối 2025, tỷ lệ thất thoát nước của Thành phố phải đạt ở mức 25%. Nhưng hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước đã ở dưới mức 15%. Như vậy, coi như chúng ta đã đạt và vượt mục tiêu.
Hiện nay, chúng tôi sẽ vẫn thực hiện các biện pháp kiểm soát để thất thoát nước ở mức 10%. Bên cạnh đó, SAWACO tiếp tục nghiên cứu mức thất thoát nước nào vừa phù hợp với thực tiễn vừa đáp ứng bài toán kinh tế. Khi đó, chúng ta sẽ duy trì mức thất thoát nước gọi là “mức thất thoát nước kinh tế”.
Đảm bảo an ninh nguồn nước
Nguồn nước sạch của TP.HCM thường chịu những tác động nào?
TP.HCM lấy nước sinh hoạt từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn tăng cao, mực nước trên các sông, kênh, rạch bị hạ thấp. nên các điểm lấy nước của Thành phố thường sẽ gặp nguy cơ lớn nhất là xâm ngập mặn, đặc biệt nguồn nước sông Sài Gòn.
Hiện nay, ranh giới mặn của sông Sài Gòn tại điểm lấy nước đã vượt mốc. Cụ thể, vào thời điểm tháng 4/2024, độ mặn vượt ngưỡng là 250mg mặn/1 lit nước. Thành phố đã “chữa cháy” bằng cách phối hợp với hồ Dầu Tiếng qua Kênh Đông xả nước đẩy mặn tại những thời điểm thủy triều lên cao, nước từ biển đi vào sâu vào Sông Sài Gòn.
Sông Đồng Nai là vấn đề nhiễm bẩn từ ý thức người dân. Đơn cử như gần đây nhất là vụ việc người dân đổ thuốc trừ sâu vào sông để đánh bắt tôm.
Trong tương lai khi sử dụng nước từ Kênh Đông, kênh chính dẫn nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) về Củ Chi, chất lượng nước rất tốt; tuy chưa xảy ra bao giờ, nhưng điều đáng lo ngại, đây là một kênh hở, dòng chảy dài khoảng 40 - 50km từ hồ Dầu Tiếng về, cũng có thể gặp nguy cơ bị đổ nước thải bẩn hoặc độc hại vào dòng kênh. Đương nhiên, chúng ta có những quy chế phối hợp để quản lý và bảo vệ các dòng kênh như vậy.
Câu chuyện về an ninh nguồn nước của TP.HCM sẽ như thế nào?
Đây là một câu chuyện chiến lược lâu dài và đã được nhắc đến từ 5 năm trước. Về lâu về dài, SAWACO đang làm báo cáo tiền khả thi dự án có thể lấy nước từ khu vực phía thượng lưu cũng như lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng. Đối với sông Đồng Nai, SAWACO cũng đã thuê tư vấn nghiên cứu dự án lấy nước từ hồ Trị An.
Nếu các dự án khả thi và triển khai, Thành phố có thể đảm bảo an ninh nguồn nước lâu dài và bền vững hơn. Dự kiến, cuối năm 2024, các báo cáo này sẽ được trình UBND TP.HCM xin chủ trương thực hiện.
Trước đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) từng có nghiên cứu và đề xuất TP.HCM xây dựng các hồ chứa nước thô ở khu vực thượng nguồn. Còn trong khu vực nội thành TP.HCM, JICA đề xuất xây dựng các hồ chứa nước sạch trong trường hợp ô nhiễm nguồn nước hoặc những tình huống bất ngờ khác.
Những đề xuất liên quan đến hồ chứa nước, ngành cấp nước Thành phố đã đưa vào quy hoạch cấp nước để đủ cơ sở pháp lý và triển khai. Trong nội thành, 5 hồ nước sạch này dự kiến sẽ được triển khai ở các khu vực: Thảo Cầm Viên, Phú Lâm, Quận 7, Quận Tân Bình hoặc Quận Gò Vấp và Bình Chánh. Mỗi hồ dự kiến sẽ chứa từ 50.000 - 80.000 m3.
Cấp nước thông minh
Đây là năm đầu tiên TP.HCM tổ chức triển khai đánh giá chỉ số chuyển đổi số của các sở, ban, ngành. SAWACO hưởng ứng việc chuyển đổi số trong thời gian qua ra sao?
Các hồ sơ tài liệu giấy đã được chỉnh lý và số hóa. Bên cạnh đó SAWACO triển khai các dự án làm sao quản lý các hồ sơ số đó một cách hiệu quả nhất, truy cập - trích lục nhanh nhất. Việc sử dụng giấy ở tại SAWACO đã giảm đi rất nhiều. Đặc biệt trong các cuộc họp, tài liệu không cần phải in ra giấy, mà được gửi vào các thiết bị thông minh để đọc hoặc tham khảo. Công tác quản lý từ đó nhanh hơn, tốt hơn, chính xác hơn và theo thời gian thực (real-time).
TP.HCM đã triển khai bản đồ số tích hợp từ các sở, ban, ngành, quận, huyện và chia sẽ dữ liệu bản đồ số (GIS). SAWACO tham gia vào bản đồ số này như thế nào?
SAWACO là đơn vị đầu tiên chia sẻ thông tin cho dữ liệu GIS của cơ sở hạ tầng, sơ đồ các đường ống cấp nước, đồng hồ nước cho từng đơn vị quản lý hạ tầng. Tổng công ty đã phát triển phần mềm gọi là SAWA-GIS từ những năm 2011 - 2012. Qua nhiều giai đoạn cập nhật, bổ sung, độ chính xác của dữ liệu đạt đến hơn 90%.
Đối với việc xây dựng TP.HCM trở thành một thành phố thông minh, ngành cấp nước Thành phố sẽ “cấp nước thông minh” như thế nào?
Từ ngày 1/4, Tổng công ty Điện lực TP.HCM - EVNHCMC sẽ chỉ gửi thông báo tiền điện qua ứng dụng EVNHCMC CSKH thay vì gửi thông báo qua các kênh truyền thống (thông báo giấy) và tin nhắn Zalo (nếu khách hàng sử dụng). Trong thời gian tới, SAWACO cũng sẽ có những điều chỉnh tương tự.
Hiện nay, SAWACO có khoảng 1,6 triệu đồng hồ nước. Từ năm 2023 đến nay, chúng tôi đang thí điểm gắn đồng hồ nước thông minh trên hệ thống cấp nước với khoảng 60.000 cái như ở khu vực Tân Bình, Tân Phú, Cần Giờ. Tất cả đều tương tác qua điện thoại thông minh từ chỉ số tiêu dùng, sự cố phía bên trong nhà khách hàng, các rò rỉ đường ống…
Đến cuối năm 2024, SAWACO sẽ hoàn thành Trung tâm Vận hành Tổng thể Hệ thống Cấp nước. Tất cả những dữ liệu của hệ thống cấp nước sẽ được đưa về trung tâm; từ các nhà máy nước (dữ liệu vận hành, dữ liệu hóa chất, hệ thống bơm, áp lực…) đến các dữ liệu trên toàn mạng lưới cấp nước.
Từ đó, tại các trung tâm tiếp nhận, chúng tôi có thể chỉ mất 1 - 2 tiếng để xử lý ngay các thông tin đó; thậm chí tác động đóng - mở 1 van nào đó ngay lập tức khi có sự cố từ Trung tâm Vận hành này. Trong khi trước đây, nhiều trường hợp phải mất gần cả ngày để giải quyết.
Xin cảm ơn ông Trần Quang Minh!