Y học

Cẩn trọng với liệu pháp tế bào gốc "xách tay" hoặc được quảng cáo như “thần dược”

Nguyên Khởi 26/05/2025 - 15:36

Tế bào gốc hiện là một từ khóa nóng và được quảng cáo như “thần dược” trên các mạng xã hội, giúp chống lão hóa, chữa lành các tế bào hư tổn, cấy tế bào gốc giúp giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, Parkinson, đột quỵ, tiểu đường…; với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, liệu pháp tế bào gốc chỉ được thiết lập rõ rệt và được Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận trong điều trị các bệnh lý về máu; hỗ trợ điều trị một số bệnh lý xương khớp, làm đẹp; còn các bệnh lý khác đều còn ở giai đoạn thực nghiệm.

Tiêm tế bào gốc có cảm giác khỏe mạnh, đẹp ra… có thể nhờ tác dụng của corticoid?

Bà Võ Thị H. T (60 tuổi, TP.HCM) được các bác sĩ chẩn đoán bị mắc bệnh suy thận giai đoạn hai. Bà chỉ cần uống thuốc, tái khám và theo dõi đều đặn. Sau một thời gian điều trị, bà T. đã đến gặp bác sĩ điều trị và cho biết, sau khi nghe lời giới thiệu và qua công ty môi giới, gia đình bà quyết định chi khoảng 500 triệu đồng để đi nước ngoài điều trị suy thận bằng truyền tế bào gốc. Khoảng nửa năm sau, bà quay lại bệnh viện trong tình trạng suy thận giai đoạn cuối, người gầy yếu, suy dinh dưỡng.

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Lọc thận Thế giới (nhiệm kỳ 2023 - 2026), Chủ tịch Hội Thận - Lọc máu TP.HCM, cho biết: “Hiện nay, điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối chỉ gồm bốn liệu pháp: bảo tồn (khi bệnh nhân từ chối hoặc có chống chỉ định các liệu pháp khác), lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo và lý tưởng nhất là ghép thận. Chưa có bất cứ chỉ định, khuyến cào nào trong y văn trên thế giới cho phép dùng tế bào gốc để điều trị bệnh thận mạn/suy thận mạn giai đoạn cuối, hoặc bệnh thận nói chung.

Y học đã phát hiện trong mỗi cơ quan, tổ chức của cơ thể sinh vật, kể cả khi tổ chức, cơ quan này đã bị bệnh (như suy thận, suy tim…) vẫn còn tồn tại một số tế bào gốc (lành mạnh) đã tạo ra cơ quan, tổ chức đó khi còn trong bào thai. Đang có các thực nghiệm, thử nghiêm trích xuất các tế bào này từ cơ quan, tổ chức bị bệnh, và nuôi cấy chúng, khi đạt đến một số lượng nào đó sẽ tiêm vào mạch máu của chính cơ quan, tổ chức bị bệnh đó với hy vọng các tế bào gốc sẽ sữa chữa, thay thế cơ quan, tổ chức tương ứng bị bệnh. Đáng tiếc là tất cả các thực nghiệm, thử nghiệm cho đến hiện nay đều thất bại, các tế bào gốc dù trích xuất từ các cơ quan, tổ chức, được nuôi cấy cho đủ số lượng và tiêm trở lại vào chính cơ quan, tổ chức đó chỉ ở tại chỗ trong thời gian ngắn, sau đó đi khắp nơi, dần dần bị tiêu hủy, và không tạo được hiệu quả mong muốn”.

Cho biết thêm, PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi đưa ra thí dụ, trong một thực nghiệm điều trị rối loạn cương dương bằng tế bào gốc, nhóm nghiên cứu đã lấy tế bào gốc ở thể hang của người bệnh, tinh chế và chích trở lại vào dương vật để chữa bệnh. Thời gian đầu hiệu quả tốt, nhưng dần dà, liệu pháp mất tác dụng. Qua kiểm tra, các tế bào này không còn nằm ở đó nữa.

Trên đây là một dạng ghép tế bào tự thân, dùng tế bào gốc của chính người bệnh để tiêm vào cơ thể họ, nên về nguyên tắc, không phải dùng các thuốc chống thải ghép, ức chế miễn dịch. Tuy nhiên khi sử dụng tế bào gốc, cơ quan, tổ chức lấy từ sinh vật đồng chủng (người-người chẳng hạn), ngoại trừ khi người cho và nhận là anh em, hoặc chị em sinh đôi cùng trứng(tương hợp miễn dịch hoàn toàn), bắt buộc phải sử dụng các thuốc chống thải ghép, ức chế miễn dịch để cơ thể người nhận chấp nhận tế bào, cơ quan, tổ chức đưa vào cơ thể.

Các thuốc này gây rất nhiều phản ứng phụ bất lợi cho người nhận nhưng lại luôn luôn phải được sử dụng, trước, trong, và sau ghép một thời gian dài thậm chí suốt đời để cơ thể có thể chấp nhận tế bào, mô, tạng từ một người lạ đưa vào cơ thể người nhận Corticosteroid (corticoid) là một trong các thuốc phải sử dụng trong ghép, tối thiểu ở giai đoạn đầu; ngoài tác dụng chống thải ghép, thuốc còn có tác dụng giúp ăn ngon, da mỏng, hồng hào, căng bóng, tuy nhiên thuốc lại gây vô số tác dụng tai hại khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, loãng xương, giữ muối nước, suy tuyến thượng thận, giảm sức đề kháng, các vết nứt, rạn da…

picture1.png
PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Lọc thận Thế giới (nhiệm kỳ 2023 - 2025), Chủ tịch Hội Thận - Lọc máu TP.HCM. Ảnh tư liệu

Cho nên, corticoid trước đây được xem như thần dược giúp khỏe lên, ăn ngon, da đẹp lên, da căng bóng… Có thể chính tác tác dụng này, làm cho người tiêm tế bào gốc có cảm giác khỏe mạnh, đẹp ra… mà chưa chắc do bào gốc được tiêm mang lại. Nhưng lâu dần, người ta nhận thấy lạm dụng corticoid có thể dẫn đến nhiều biến chứng phụ cực kỳ nghiêm trọng như đã nêu ở trên. Do đó, chỉ định sử dụng corticoid đòi hỏi phải được giám sát cẩn thận bởi các nhà chuyên môn.

Cũng cần lưu ý khi đưa vật lạ (tế bào, tế bào gốc, mô, tạng…) vào cơ thể, dù có sử dụng chống thải ghép, ức chế miễn dịch, để cơ thể chấp nhận vật lạ, phản ứng thải vật lạ ghép vẫn có thể xảy ra. Mặt khác, tế bào, tế bào gốc, mô, tạng ghép vẫn có thể chống lại cơ thể người nhận (graft versus host). Cả hai phản ứng cơ thể chống vật lạ, và vật lạ chống lại cơ thể đều có thể gây ra các phản ứng, biến chứng mạnh rất nguy hiểm thậm chi gây tử vong.

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Sức khoẻ (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng khuyến cáo: “Bất cứ phương pháp điều trị nào cũng có chỉ định và chống chỉ định; dùng sai sẽ đem lại hậu quả rất lớn cho bệnh nhân. Vì vậy, tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc sẽ ngày càng vừa được quản lý chặt chẽ giúp liệu pháp này vừa được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện ở Việt Nam, vừa đảm bảo quyền lợi điều trị cho người dân với chi phí điều trị hợp lý”.

Tế bào gốc mới chỉ ứng

Nghiên cứu tế bào gốc ứng dụng trong y học không phải là mới và đã được thực hiện rất lâu, từ những năm 1950, nhưng đến những năm 2010, Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới bắt đầu công nhận liệu pháp tế bào gốc trong điều trị các bệnh về máu và một số bệnh hiếm. Cụ thể, theo PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, FDA hiện mới công nhận liệu pháp tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về máu như: ung thư dòng bạch cầu (leukemia), limphôma (lymphoma), thiếu máu hồng cầu hình liềm (sickle cell anemia), thiếu máu do bất sản (anaplastic anemia), khiếm khuyết miễn dịch kết hợp trầm trọng (severe combined immunodeficiency).

Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong tái tạo và phục hồi xương khớp, da liễu, thẩm mỹ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ gan không do virus, tổn thương cơ xương...

Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế TP.HCM năm 2024, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, từ ngày 1/1/2023 đến 30/6/2024, bệnh viện này đã thực hiện ghép tế bào gốc cho 125 bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu như bạch cầu cấp, suy tủy, lymphoma.

Một số cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã đăng ký các đề tài nghiên cứu đến ứng dụng điều trị nám da có liên quan đến rối loạn nội tiết bằng phương pháp truyền tĩnh mạch tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ mô mỡ đã qua nuôi cấy; đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu của huyết tương máu dây rốn trong hỗ trợ nâng cao sức khỏe người cao tuổi…

Theo PGS.TS.BS Võ Thành Toàn, bước đầu, Bệnh viện Thống Nhất lập hồ sơ khoảng 60 danh mục kỹ thuật ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm liên quan để trình Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, xem xét và cấp phép như điều trị thoái hóa khớp, ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong điều trị vết thương, vết loét lâu liền, ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...

“Trong tương lai, Bệnh viện Thống Nhất cũng sẽ đăng ký các đề tài nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, phục vụ cho bệnh nhân như ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong điều trị các tổn thương dây thần kinh do chấn thương tủy khi không còn con đường điều trị nào khác”, PGS.TS.BS Võ Thành Toàn cho biết.

Ngoài ra, vấn đề được đặt ra là: “Mang tế bào cuống rốn nuôi cấy từ nước ngoài về rồi truyền! Ai sẽ thẩm định đó là tế bào gốc cuống rốn? Hay tế bào gốc từ trung mô? Chất lượng như thế nào? Bảo quản, vận chuyển ra sao?... Nếu đúng, sao chúng ta biết có thể tương hợp với người này hay người kia không mà truyền?”. . .

Sử dụng liệu pháp tế bào gốc ngoài các bệnh lý đã được công nhận cần phải được cân nhắc thật thận trọng, dựa trên y học bằng chứng, khuyến cáo từ các tổ chức, hiệp hội có uy tín trên thế giới và nhất là cần tuân thủ theo luật pháp, quy dịnh của nước sở tại.

Ngân hàng mô/ngân hàng tế bào gốc đều phải có giấy phép hoạt động do Bộ Y tế cấp phép; ứng dụng tế bào gốc trong điêu trị phải nằm trong danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế phê duyệt và Sở Y tế phê duyệt.

Khi thực hiện các chỉ định y khoa mà không có sự cho phép của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế hay Sở Y tế có thể sẽ bị hình sự hóa các sai phạm.

Một số quảng cáo có cánh về tế bào gốc trên các trang mạng xã hội

picture3.png
picture2.png
picture4.png
picture5.png
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với liệu pháp tế bào gốc "xách tay" hoặc được quảng cáo như “thần dược”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO