Y học

Tế bào gốc: Liệu pháp triển vọng điều trị liệt tủy cổ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

An Quý (thực hiện) 07/05/2025 - 16:00

Viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Sức khỏe và Lão khoa, Bệnh viện Thống Nhất, sắp khai trương Phòng khám tư vấn và ứng dụng chế phẩm từ tế bào gốc, mở ra cơ hội tiếp cận liệu pháp tiên tiến cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân bị liệt tủy cổ và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh đã phỏng vấn PGS.TS.BS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Sức khoẻ (ĐH Quốc gia TP.HCM) về những triển vọng đối với liệu pháp tế bào gốc.

z6575145738941_5c73747accf3e1c3835855d46b5e60a1.jpg
PGS.TS.BS Võ Thành Toàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất

Bệnh viện Thống Nhất: Bước tiến trong y học tái tạo - Ứng dụng tế bào gốc

Thưa ông, Bệnh viện Thống Nhất kỳ vọng như thế nào khi đưa vào hoạt động Phòng khám tư vấn và ứng dụng các chế phẩm từ tế bào gốc?

Bệnh viện Thống Nhất đặt mục tiêu trở thành bệnh viện lão khoa chuyên sâu, kỹ thuật cao tuyến cuối của Bộ Y tế, ngang tầm với các bệnh viện trong khu vực ASEAN. Trong đó, nhiều chuyên khoa sâu như chấn thương chỉnh hình, bệnh mạn tính liên quan đến lão hóa… được chú trọng phát triển nhằm đem lại nhiều phương pháp điều trị tiên tiến và chiến lược phòng ngừa hiệu quả giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Vì vậy, Bệnh viện Thống Nhất cũng đã thành lập Viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Sức khỏe và Lão khoa (AriHA) và dự kiến sẽ triển khai Trung tâm Y học Tái tạo và Phục hồi sử dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong tái tạo và phục hồi xương khớp, da liễu, thẩm mỹ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ gan không do virus, tổn thương cơ xương... Trước mắt, trung tâm này sẽ có phòng xử lý tế bào và phòng khám tư vấn và ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc.

Phòng Khám tư vấn và ứng dụng các chế phẩm từ tế bào gốc dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào giữa năm 2025 là bước khởi đầu cho các hoạt động khám chữa bệnh bằng lĩnh vực tiên tiến này, mở ra nhiều cơ hội mới trong điều trị chấn thương và thoái hóa khớp, hỗ trợ điều trị các tổn thương do bệnh mạn tính hoặc bệnh tự miễn, cải thiện khả năng phục hồi và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Giai đoạn tiếp theo, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển một Trung tâm Can thiệp Tế bào, can thiệp vào gene di truyền. Mục đích làm chậm quá trình lão hóa và các bệnh lý liên quan đến lão hóa.

trung-tam-y-hoc-tai-tao-va-phuc-hoi.jpg
Trung tâm y học tái tạo và phục hồi

Bệnh viện Thống Nhất đã chuẩn bị như thế nào trước khi đưa liệu pháp tế bào gốc vào thực tiễn?

Bệnh viện Thống Nhất đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Bệnh viện Thống Nhất và Viện Tế bào gốc (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM). Sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ chuyển giao công nghệ liên quan đến tế bào gốc như phân lập, nuôi cấy và bảo quản tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn người và Công nghệ phân lập, nuôi cấy, bảo quản tế bào gốc trung mô từ mô mỡ người.

Đây là chuỗi chương trình để thực hiện hóa mục tiêu xây dựng bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt khi tăng cường bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ lâm sàng trong việc xây dựng quy trình xử lý, sử dụng tế bào gốc và các chế phầm từ tế bào gốc, điều trị hiệu quả trên từng nhóm bệnh được Bộ Y tế cấp phép.

Hiện nay, Bệnh viện Thống Nhất đã lập hồ sơ khoảng 60 danh mục kỹ thuật ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm liên quan để trình Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, xem xét và cấp phép như điều trị thoái hóa khớp, ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong điều trị vết thương, vết loét lâu liền, ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chuẩn bị đăng ký các đề tài nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, phục vụ cho bệnh nhân như ứng dụng tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc trong điều trị các tổn thương dây thần kinh do chấn thương tủy khi không còn con đường điều trị nào khác.

Từ đó chúng tôi kỳ vọng mang lại những giá trị khoa học công nghệ vào điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh, thêm một bước tiến xa trong việc ứng dụng y học tái tạo tại Bệnh viện Thống Nhất, cũng như điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa ở giai đoạn sớm.

Lợi ích điều trị từ tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc

Xin ông nói thêm về những lợi ích mà liệu pháp tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc sẽ đem đến cho người bệnh trong tương lai khi Phòng khám tư vấn và ứng dụng chế phẩm từ tế bào gốc được đưa vào hoạt động.

Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 300 bệnh nhân điều trị ngoại và nội trú, trong đó gần một nửa là các bệnh nhân có nhiều tổn thương liên quan đến thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, hằng năm chúng tôi cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân do tai nạn dẫn đến tổn thương thần kinh ngoại biên (TKNB), liệt do chấn thương tủy cổ; hầu hết đều là bệnh nhân còn trẻ, trong độ tuổi lao động.

Tổn thương TKNB có thể dẫn đến mất cảm giác và vận động lâu dài. Trong nhiều trường hợp, khả năng phục hồi tự nhiên rất hạn chế hay nhiều biện pháp điều trị không đem lại hiệu quả, đặc biệt khi thần kinh bị gián đoạn hoàn toàn như mất đoạn khá dài không thể nối ghép được. Tế bào gốc trung mô (MSC) được xem là một giải pháp đột phá trong lĩnh vực này.

MSC tiết ra yếu tố tăng trưởng, thúc đẩy tái tạo sợi trục thần kinh và bao myelin thông qua kích thích tái tạo và phục hồi dây thần kinh; giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương thứ phát; cải thiện cung cấp oxy và dưỡng chất cho vùng tổn thương, hỗ trợ hình thành mạch máu; giúp hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển của sợi thần kinh nhờ biệt hóa thành các tế bào Schwann, còn gọi neurolemmocyte, là loại tế bào thần kinh của hệ TKNB.

Vì vậy, tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc là một liệu pháp có thể ứng dụng lâm sàng như điều trị tổn thương dây thần kinh quay, trụ, giữa sau chấn thương; hỗ trợ phục hồi vận động và cảm giác sau phẫu thuật nối ghép thần kinh; giảm đau và cải thiện chức năng thần kinh ở bệnh lý thần kinh do đái tháo đường; điều trị chấn thương tủy sống.

Các nghiên cứu đang phát triển công nghệ biệt hóa MSC thành tế bào thần kinh, kết hợp in 3D mô sinh học và dẫn truyền thần kinh bằng hydrogel - vật liệu đặc biệt đối với não, hứa hẹn nâng cao hiệu quả phục hồi thần kinh ngoại biên.

Hoặc đối với bệnh nhân bị rách sụn chêm, một trong những chấn thương khớp gối phổ biến, thường bị đau, sưng và hạn chế vận động. Đối với các trường hợp rách nặng, phẫu thuật là phương pháp chính. Tuy nhiên, liệu pháp tế bào gốc (MSC) đang mở ra hướng đi mới giúp phục hồi mô sụn hiệu quả hơn. Tiêm tế bào gốc kết hợp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để tăng hiệu quả phục hồi. Liệu pháp tế bào gốc có thể là một phương pháp điều trị cho bệnh nhân có rách sụn chêm nhưng chưa cần phẫu thuật; hỗ trợ sau phẫu thuật khâu sụn chêm, giúp lành nhanh hơn và giảm nguy cơ thoái hóa khớp, sớm quay lại cuộc sống vận động.

z6575145919863_77b8f1de040838aab66b1b548d5bef82.jpg

Phòng khám tư vấn và ứng dụng chế phẩm từ tế bào gốc còn mang đến cơ hội tiếp cận liệu pháp làm đẹp tiên tiến, an toàn và hiệu quả. Công nghệ tế bào gốc kết hợp PRP, laser và vật liệu sinh học đang được nghiên cứu để nâng cao hiệu quả tái tạo mô, mở ra nhiều tiềm năng mới trong làm đẹp không xâm lấn như trẻ hóa da; điều trị sẹo và rạn da; cải thiện nám và các vấn đề tăng sắc tố da; kích thích nang tóc phát triển, hỗ trợ điều trị rụng tóc và hói đầu. Đặc biệt tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc góp phần tái tạo mô vùng tổn thương, ứng dụng trong điều trị các bệnh nhân bị những vết loét lâu lành.

Xu hướng ứng dụng tế bào gốc và các sản phẩm từ tế bào gốc là như thế nào trong điều trị các bệnh lý?

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chúng ta không còn điều trị bằng các loại tế bào gốc thô mà đang chuyển sang các sản phẩm “tinh” từ tế bào gốc. Tế bào gốc thô là tế bào gốc được biệt hóa và sử dụng trực tiếp, còn hiện nay các loại tế bào gốc sẽ được “tinh lọc” thành các chế phẩm từ tế bào gốc có hiệu quả điều trị hơn do chuyên biệt hơn.

Các chế phẩm này có thể kể đến tế bào gốc chuyên dụng cho khớp, chuyên dụng cho thận…; huyết tương giàu tiểu cầu; chất chiết xuất từ tế bào gốc exosome - những "túi” có kích thước nano chứa nhiều protein, thông tin di truyền (DNA và RNA).

Ghép tế bào gốc cũng như một dạng ghép tạng, vấn đề liên quan đến thải ghép và miễn dịch sẽ được xử lý như thế nào?

Tế bào gốc có nhiều loại như tế bào gốc tự thân thì sẽ không bị thải ghép. Một dạng ghép khác, tế bào gốc của người, tế bào gốc đồng loại, hiện tại, trước khi ghép, các nơi như phòng xử lý tế bào của Trung tâm Y học Tái tạo và Phục hồi, Bệnh viện Thống Nhất, sẽ xử lý kháng nguyên bề mặt.

Trên thế giới, nhiều nơi, đặc biệt ở Mỹ, người ta đã xử lý tế bào gốc như một dạng thuốc, có chỉ định, tùy liều lượng sử dụng trong điều trị từng trường hợp bệnh lý, từng cá thể cụ thể. Các chế phẩm tinh từ tế bào gốc như thế sẽ được tiêm vào cơ thể để tác động lên gene, xử lý các tổn thương nội tại khi cơ thể không thể tự chữa lành hoặc không còn biện pháp nào can thiệp điều trị.

Vậy liệu rằng tế bào gốc là một “cây đũa thần”?

Theo tôi, tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc cũng chỉ là một trong những phương pháp điều trị như bao phương pháp khác. Cũng giống như thời kỳ đầu khi corticoid hay vitamin C ra đời, người ta đã “thần thánh hóa” các phương pháp điều trị này; nhưng về lâu dài, khi lạm dụng chúng, người bệnh sẽ gặp rất nhiều tai biến nghiêm trọng. Bất cứ phương pháp điều trị nào cũng có chỉ định và chống chỉ định; dùng sai sẽ đem lại hậu quả rất lớn cho bệnh nhân.

Tại phòng khám tư vấn và ứng dụng chế phẩm từ tế bào gốc nói trên, các bác sĩ sẽ khám, tư vấn bệnh nhân lựa chọn các phương pháp điều trị hợp lý nhất tùy bệnh lý theo đúng phác đồ điều trị. Trước mắt, chúng tôi hướng tới bệnh nhân ở khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Nội Hô hấp, Nội Tiêu hóa… Một số khoa phòng sẽ đề xuất và đăng ký các nghiên cứu như trong điều trị viêm ruột cấp, điều trị liệt do tổn thương tủy cổ…

z6575146099810_b163348b81ed3e26ba8a8636553a698d.jpg

Cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc sẽ ngày càng vừa được quản lý chặt chẽ vừa được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện ở Việt Nam, giúp đảm bảo quyền lợi điều trị cho người dân với chi phí điều trị hợp lý.

Xin cảm ơn PGS.TS.BS Võ Thành Toàn!

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một số liệu pháp tế bào gốc, chủ yếu trong lĩnh vực huyết học và điều trị các biến chứng sau ghép tủy. Dưới đây là một số liệu pháp tiêu biểu đã được FDA chấp thuận.

RYONCIL™ (Remestemcel-L)

• Chỉ định: Điều trị bệnh ghép chống chủ (Graft-Versus-Host Disease - GVHD) cấp tính ở trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên không đáp ứng với liệu pháp corticosteroid. GVHD là biến chứng nghiêm trọng sau ghép tế bào gốc hoặc tủy xương, khi tế bào ghép tấn công cơ thể người nhận. 

• Nguồn gốc: Tế bào gốc trung mô (mesenchymal stromal cells) được lấy từ tủy xương của người hiến tặng khỏe mạnh.

• Phê duyệt: Được FDA phê duyệt vào tháng 12/2024.

Liệu pháp tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic Stem Cell Transplantation - HSCT)

• Chỉ định: Điều trị các bệnh lý huyết học như bệnh bạch cầu, u lympho và một số rối loạn miễn dịch.

• Nguồn gốc: Tế bào gốc tạo máu được thu thập từ tủy xương, máu ngoại vi hoặc máu cuống rốn.

• Phê duyệt: FDA đã phê duyệt nhiều sản phẩm liên quan đến HSCT trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, FDA cũng đã phê duyệt một số sản phẩm tế bào gốc khác, nhưng số lượng còn hạn chế và thường liên quan đến các liệu pháp huyết học hoặc điều trị các biến chứng sau ghép tủy. Tuy nhiên, FDA khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng với các sản phẩm tế bào gốc chưa được phê duyệt, vì chúng có thể không an toàn và hiệu quả.

- PGS.TS.BS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tế bào gốc: Liệu pháp triển vọng điều trị liệt tủy cổ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO