Các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt, riêng TP.HCM tăng 7,51%
Sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Tham dự phiên họp tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình 3 mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; các nhiệm vụ, trọng tâm thời gian tới; và một số nội dung quan trọng khác.
Các báo cáo, ý kiến cũng đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, tính chung quý I tốt hơn cùng kỳ năm trước, với 10 nhóm kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020. GDP quý I năm 2025 tăng 6,93% (cùng kỳ 2020 -2024 tăng lần lượt là 3,21%, 4,85%, 5,42%, 3,46%, 5,98%). Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: Nông nghiệp 3,74%; công nghiệp, xây dựng 7,42%; dịch vụ 7,70%.
Đặc biệt, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt: TP.HCM tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35% và 9 địa phương tăng trưởng 2 con số (Bắc Giang tăng 13,82%, Hòa Bình 12,76%, Nam Định 11,86%, Đà Nẵng 11,36%, Lai Châu 11,32%, Hải Phòng 11,07%, Quảng Ninh 10,91%, Hải Dương 10,87%, Hà Nam 10,54%).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố kết quả các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2024) của các tỉnh, thành đạt mức trung bình cao nhất từ trước đến nay với 88,37%. Theo bảng công bố, Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) năm 2024 của TP.HCM tăng 12 hạng (đạt 89.20 điểm), xếp thứ 21/63 tỉnh/thành (Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) của TP.HCM là 33/63 tỉnh/thành). Để đạt được sự tăng hạng, năm 2024, TP.HCM đã nỗ lực chỉ đạo và triển khai cải CCHC một cách toàn diện, hiệu quả, với phương pháp điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo. |

Tham dự tại điểm cầu TP.HCM có Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy và lãnh đạo các sở, ban ngành Thành phố.
Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khăn, kinh tế quý I của TP.HCM đạt mức tăng trưởng 7,51%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8%, đặc biệt doanh thu về du lịch tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2024; khách quốc tế ước tăng 18,2%, FDI tăng 23, 4%; thu ngân sách 151.098 tỷ đồng, đạt 29,05% dự toán, tăng 7,72% so cùng kỳ… kết quả tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế- xã hội của TP.HCM trong năm 2025.
Để đạt được kết quả đó, Thành phố đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ; Thành phố cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ ngành và nhờ đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố, nhất là các đồng chí lãnh đạo Thành phố và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp; đồng thời Thành phố cũng phát huy tối đa những thành tựu kinh tế trong giai đoạn trước; quan tâm, lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn của Doanh nghiệp, thực hiện cải cách hành chính… để Thành phố tiếp tục gặt hái thành quả kinh tế.
Bên cạnh đó, Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: tỷ lệ giải ngân thấp, những khó khăn vướng mắc tại một số dự án lớn dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, công tác cải cách hành chính mới có kết quả bước đầu; việc áp thuế của Hoa Kỳ cũng như của các nước đối với Việt Nam…
Để tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế, TP.HCM tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể: tập trung hỗ trợ các Doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, duy trì sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu; Thực hiện các chương trình kích cầu kinh tế thông qua du lịch và tiêu dùng, đặc biệt là ngành Du lịch, du lịch là một trong những yết tố quan trọng góp phần vào sự sự tăng trưởng của Thành phố.
Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các dự án lớn, khiếu nại, khiếu kiện, tồn đọng kéo dài; quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi...
Cùng với đó, Thành phố tiếp tục thúc đẩy các động lực mới để phát triển kinh tế, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; đẩy mạnh đầu tư công thông qua thực hiện các dự án về đường cao tốc, đường vành đai, metro… đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ để kinh tế TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đảm bảo Lễ kỷ niệm diễn ra thành công và an toàn cho khách mời cũng như người dân và du khách khi đến Thành phố.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục các chương trình đàm phán với một số nước về chương trình miễn visa, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam cũng như TP.HCM ngày càng nhiều hơn.
Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 này.