Dòng chảy

'Các cơ quan báo chí có lợi thế biến mình thành những KOL'

Hoàng Nguyễn 06/12/2023 19:10

Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, các cơ quan báo chí có lợi thế biến mình thành những KOL để tham gia vào truyền thông chính sách.

Ngày 6/12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm Phát triển nền tảng “triệu view” của cơ quan truyền thông. Đây là dịp để các cơ quan quản lý đưa ra những đánh giá, định hướng đối với việc phát triển các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội của các cơ quan báo chí và là nơi trao đổi của các đơn vị báo chí, các công ty công nghệ và các chuyên gia.

Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM; ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP.HCM cùng nhiều nhà báo và đại diện các công ty, chuyên gia công nghệ.

Thuận lợi và thách thức của báo chí trên mạng xã hội

Tại tọa đàm, các nhà báo, các chuyên gia cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thói quen tiếp nhận thông tin của bạn đọc cũng thay đổi rõ rệt. Vì vậy, báo chí cần chuyển mình theo xu hướng của bạn đọc là điều tất, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Các tòa soạn báo hiện nay đã áp dụng mô hình phân phối thông tin đa nền tảng và các nền tảng mạng xã hội (MXH) được sử dụng phổ biến là Facebook, YouTube, Zalo, TikTok,… Đơn cử, bên cạnh báo in và báo điện tử, Báo Thanh Niên cũng tập trung vào các nền tảng MXH như YouTube (5,5 triệu lượt theo dõi), TikTok (3,5 triệu) , Fanpage Facebook, Zalo…

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội tiếp cận độc giả lớn, các tòa soạn cũng đối mặt với những khó khăn thách thức về công nghệ, nhân lực, bản quyền và nạn tin giả,.... Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các cơ quan báo chí có thể xây dựng hiệu quả các kênh thông tin trên nền tảng MXH, cạnh tranh được với các kênh khác bên cạnh việc bảo đảm tiêu chí, định hướng của tờ báo.

Nói về vấn đề này, nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên cho biết, với sự phát triển của MXH thì Trung tâm nội dung số - tiền thân là tổ truyền hình, thành lập năm 2016 - là một nền tảng chính của báo và được đầu tư nhiều. Việc bảo đảm nội dung trên nền tảng MXH đã vất vả nhưng vấn đề “làm sao để bạn đọc quan tâm?, làm sao để làm mới mình?” cũng là thách thức. Bên cạnh đó, việc đầu tư trường quay như mong muốn của báo và quản trị rủi ro (trên nền tảng đi mượn) cũng là thách thức. Vì vậy, một cơ quan báo chí không làm được mà đòi hỏi sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước.

nha-bao-do-thien-bao-nld.jpg
Nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng Báo Pháp Luật TP.HCM (bìa trái).

Nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, khi tham gia MXH, các cơ quan báo chí sẽ bắt trend (xu hướng), nắm được thị hiếu của người dùng và từ đó bắt kịp được nhu cầu tin tức của người dùng. Tuy nhiên, báo chí tham gia các nền tảng MXH cũng đối mặt nhiều rủi ro như sự phụ thuộc của các cơ quan báo chí về cả nội dung lẫn kỹ thuật vào các nền tảng này. Việc người làm báo mải mê chạy theo trend trên mạng xã hội để sản xuất tin - bài cũng dễ gây ra "mất chất" và hiện nhân sự của các báo cũng “chảy” về MXH.

Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử chia sẻ, ngay ở các cơ quan báo chí chính thống cũng gặp những khó khăn trong quản lý tin giả, điển hình như thông tin hỗn loạn trong giai đoạn dịch COVID-19. Trên các nền tảng MXH, liên quan những vụ vu khống, tiêu đề thường được đặt rất hay nhưng nội dung bên trong lại chẳng mấy liên quan. Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng cho hay, ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, việc khai thác thông tin trên MXH đều phải kiểm chứng để tránh tin giả. Báo Sài Gòn Giải Phóng xác định có thể thông tin không nhanh nhưng cần chính xác.

Dưới góc độ chuyên gia MXH, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý MXH cho một số nhà sáng tạo số) cho biết, người đọc hiện nay thích xem, nghe hơn là đọc. Báo chí chính thống đang thiếu những nhà sáng tạo nội dung (KOLs). Trong khi đó, người dùng rất thích đọc những tin tức "hot" từ những người này nhưng vấn đề đặt ra là liệu tin tức có chính xác? Thực tế, có nhiều KOLs có hoạt động quảng cáo sai sự thật, cần được định hướng lại. Vì vậy, các cơ quan báo chí đã có đa nền tảng cần bắt tay với các nhà phát triển nội dung để cùng phát triển.

bui-thanh-binh.jpg
Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ.

“Báo chí cần giữ thế thượng phong”

Nhà báo - TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho rằng, hiện nay có tâm lý muốn xem những thông tin "lá cải" trong khi những bài viết về người tốt, việc tốt lại không thu hút lượt xem. “Hiện nay, có nhiều nội dung chúng ta phải chạy theo mạng xã hội. Tuy nhiên, hơn ai hết, báo chí cần giữ thế thượng phong và chúng ta đang có lợi thế để phát triển mạng xã hội một cách tốt nhất”, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định.

nha-bao-to-dinh-tuan-tbt-bao-nld.jpg
Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại Tọa đàm.

Theo ông Tô Đình Tuân, quan trọng nhất là cái tâm của người làm báo để đưa những câu chuyện tốt lên nền tảng, có giá trị phục vụ xã hội. Cơ quan báo chí cần tích hợp các nền tảng mạng xã hội với định hướng xây dựng nền tảng tỉ view của mình. Lãnh đạo cơ quan báo chí cần phối hợp với cơ quan quản lý để tìm ra giải pháp xây dựng được kênh MXH mạnh. Bên cạnh đó, cần có nhiều giải pháp để cơ quan quan báo chí không bị lệ thuộc vào các nền tảng MXH.

Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP.HCM, nhìn nhận, báo chí Việt Nam mới đang chập chững bước vào MXH. Hiện có khoảng 800 cơ quan báo chí trên cả nước nên thông tin rất phong phú và việc xây dựng mạng lưới cạnh tranh với MXH là cần thiết. Báo chí chính thống khác MXH ở chỗ là cần xác định viết cho ai, viết để làm gì, làm sao chuyển tải thông điệp để xã hội đẹp, sáng hơn.

e6804f2c6bd0c28e9bc1.jpg
Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP.HCM phát biểu.

“Tôi nghĩ đây là cái khó nhưng thực chất là cần bản lĩnh của người làm báo, tờ báo khi chấp nhận những thông tin đó xuất hiện trên mặt báo. Để phát huy đầy đủ thế mạnh và sự định hướng, các cơ quan báo chí cần bố trí đội ngũ có hiểu biết về quy định về MXH và thực hiện phương châm nhanh, đúng. Với thông tin nhạy cảm, cần phối hợp để cùng chia sẻ thông tin đến với bạn đọc, xã hội tốt hơn. Cuối cùng, các cơ quan báo chí cần đào tạo đội ngũ tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị và phải rèn luyện kỹ năng”, ông Dương Vũ Thông chia sẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đang xây dựng quy chế để xử lý những hành vi đăng tin giả, xấu, độc lên mạng xã hội; sẽ có quy chế xử lý các KOL tham gia quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí là xử lý các công ty quản lý của những KOL này.
Sở đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển nhanh; siết chặt lẫn hỗ trợ để cơ quan báo chí có thể xây dựng thương hiệu trên nền tảng MXH. Dù MXH có theo trend nào đi nữa thì những thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí vẫn cần thiết và giữ vai trò quan trọng. Thời gian qua, TP.HCM đã chú trọng truyền thông về chính sách. Các cơ quan báo chí có lợi thế biến mình thành những KOL để tham gia vào truyền thông chính sách.

ong-nguyen-ngoc-hoi-pho-giam-doc-so-tttt-hcm.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Hồi cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng các cơ quan báo chí sẽ phối hợp với nhau để xây dựng các kế hoạch truyền thông về chính sách cho thành phố trên các nền tảng MXH, thậm chí, có thể mời các KOL tham gia để người dân được tiếp cận với thông tin tích cực. "Chúng ta đã thay đổi tư duy rồi. Nay phải tiếp tục thay đổi tư duy trong sản xuất các nội dung đăng tải trên MXH. Từ đó hướng đến các nền tảng ‘tỉ view’ chứ không chỉ là ‘triệu view’ như hiện nay" - ông Hồi khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Các cơ quan báo chí có lợi thế biến mình thành những KOL'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO