Sống xanh

Cà Mau - miền đất đầy vơi những cách thương

TS. Nguyễn Thị Quốc Minh (Giảng viên Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) 13/05/2024 - 12:33

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam” có lẽ vì là “ở cuối cùng” nên bao nhiêu tình cảm tứ xứ cũng dồn hết về nơi đây. Về xứ nước đặc trưng màu Tràm rụng, tình ta và tình đất dần dà được nhuốm đậm, từng chút yêu thương của Cà Mau gieo vào lòng người đong đầy.

Trước cái chầm chậm của vỏ lãi, cái dịu nhẹ có chút man mác buồn khi ngắm những nhánh lục bình trôi, cái xuyến xao, thổn thức khi nghe câu vọng cổ từ xa xa vọng lại... bất giác làm tôi như tỉnh, như say trong cái tình đất, tình người ấy. Người ta bảo về Cà Mau “để nói với nhau mấy lời”, thật vậy, nên như vậy, về Cà Mau hẳn là sẽ “có lời” để nói. Bằng chứng là có quá nhiều những câu ca dao vần vè, bao áng thơ quê xứ, bao dòng truyện ngắn, bao chương truyện dài. Có lẽ chính bởi miệt chân tình này đã khiến bao tâm hồn trở nên nghệ sĩ, mà những sáng tác ấy cũng trở lại khiến ta hiểu hơn về Cà Mau.

ca-mau-1ab.jpg
Tượng đài Mũi Cà Mau.

Thương theo câu hát, lời văn

Xuôi dòng về vùng đất cuối cùng của dải chữ S, ấn tượng trước hết là qua những câu vần vè, ca dao dân gian về Cà Mau, người ta hay “dọa" là nơi hoang vu, lắm hổ nhiều cá sâu, đỉa vắt hàng đàn, hàng đống:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn

Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”

(Ca dao)

Lại còn điểm mặt, chỉ tên đúng nơi, đúng chỗ cho thấy cái đặc trưng, cái hung tợn ở vùng này như câu tục ngữ: “Cọp Cà Mau, hàu Đá Bạc”. Khi thì nghe như là dọa, lúc thì lại như “chê":

Cà Mau là xứ quê mùa

Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu”

(Ca dao)

Ở nơi đâu mà lời mời gọi, lời giới thiệu lại bắt đầu thế này:

“Cà Mau hãy đến mà coi

Muỗi kêu như sáo thổi

Đỉa lội lềnh như bánh canh”

(Ca dao)

Trong tác phẩm Đất Mũi mù xa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật “tôi" là người gốc Cà Mau trả lời cũng “chê" với một người ngoại xứ muốn nghe muốn biết về xứ miệt vườn này: “Dạ, Đất Mũi cũng thường thôi anh... Phải, thường lắm, thường thiệt là thường”. Nói vậy thôi, chứ “thường” này chắc là “thường không huyền” rồi! Chê ngọt lịm, chê tình lắm, chê mà ai nghe cũng thương, thấy vừa quen vừa nhớ nếu không có dịp về. Thi sĩ Xuân Diệu xưa kia cũng cất tiếng thơ để gọi cái “tình lạ" đối với mỏm đất nơi cùng trời cuối đất này:

“Lạ thay tình với đất quê hương,

Chưa thấy, chưa thăm mà đã nhớ”

(Mũi Cà Mau - Xuân Diệu)

Thế là dù cho đây là cái nơi sông sâu nước chảy, quanh đi quẩn lại cơ man là muỗi mòng, vắt đỉa thì người ta cũng chẳng ngại tìm đến.

ca-mau-3.jpg
TS. Nguyễn Thị Quốc Minh dự Họp mặt Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống nhiếp ảnh - điện ảnh Việt Nam, tổ chức tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Nhắc đến sự tích Cà Mau, ta không chỉ nghe chuyện “rừng thiêng nước độc" với bao hiểm nguy buổi khai hoang mà còn phải ưu tư lại về một thời đạn lửa đau thương mà bi tráng. Ở cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, ở xứ tận cuối giang sơn này, con người nơi đây rất can trường, bất khuất, khí chất ngút ngàn. Trong Bức thư Cà Mau của nhà văn Anh Đức ở miền cuối gửi Nguyễn Tuân ở vùng địa đầu, từng lời gan ruột cảm động mà trong trẻo, đầy niềm tin, nhất là khi tự hào nói về cái đặc trưng qua cách bảo vệ xứ mình của các bà, các mẹ: “Khí thế chính trị của ta là ở cái mái chèo vỗ sóng vỗ nước, ở rừng xuồng ghe lao mũi tới như tên bắn, ở sự ung dung tự tin của các bà mẹ ngồi trên xuồng đi đấu tranh vẫn điềm nhiên ngoáy trầu , và các cô gái vừa bơi vừa sửa lại khăn đội đầu cho ngay ngắn”.

Tinh thần yêu nước, yêu quê hương còn làm nên “gia vị” của lứa đôi nam nữ. Nghe được đoạn lượt lời của người nữ qua bài hò sau đây khi “kén” người yêu thì chúng ta mới thấy hết sự “dễ thương vô cùng” của con người xứ này:

“Hò ơ…

Con cá sắt nó rượt con cá rô

Em dốt hồi nào mà anh dám chê khen

Tuy em chữ nghĩa nhép nhem

Anh đẹp trai mà anh không đi bộ đội thì ai thèm ưng anh”.

(Ca dao)

Để rồi từ những ngày trước và những ngày sau này, đời đời khắc ghi những người con gái, những người con trai năm nào đã sống đời mình như đời Tổ quốc:

“Rừng U Minh muôn đời ghi nghĩa lớn

Sông Cái Tàu vạn thuở nhớ ơn sâu”

(Ca dao)

Trải qua những tháng ngày khai hoang, tắm bao mùa bom dội chinh chiến, dần dà đất và người Cà Mau càng thêm mạnh mẽ, linh hoạt. Chẳng khác nào những rừng cây đước biểu tượng của xứ quê mình:

“Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng,

Gió càng lay càng vững thành đồng”

(Tố Hữu)

Và thế là dù cho mũi tàu của đất nước được kiến thiết sau cùng, tức tuổi đất tuổi trời non trẻ nhất trong 64 tỉnh thành từ bao giờ đã nên “dừ" hơn. Con người nơi đây thuở mới đến là dân tứ xứ, là người con của nhiều dân tộc anh em thì nay đã trở thành người đồng mình nơi miệt vườn. Tất cả cùng làm ăn, sinh sống, cùng định hình nên tính cách người Cà Mau quê xứ rặt ri, không lẫn vào đâu cho được.

Thương đậm đà, không nửa vời, nhàn nhạt

Như đã đề cập, ngày nay ta có thể bước đầu làm quen với đất và người Cà Mau qua biết bao sáng tác văn học nghệ thuật. Nhưng sợ rằng chưa trả lời hết băn khoăn trong lòng mỗi người. Có thể kể đến trường hợp tập truyện Cánh đồng bất tận rất nổi tiếng của người con gái quê Cà Mau – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tự ta phải ưu tư, đau đáu để hiểu hơn về nơi tận cùng xứ sở Việt Nam, rằng là nơi Đất Mũi này có thực sự đau thương, con người Cà Mau có đến nỗi chấn thương như thế chăng? Và nếu là thế, người ta có còn tin “về Cà Mau là thấy thương em rồi" không? Hay người ta sẽ e dè, ngần ngại, thậm chí là phản đối những dòng văn đau thương? Trường hợp này, ta vẫn có thể đón nhận tính biểu tượng hóa, những chi tiết, tình huống phóng chiếu nên những triết lý nhân sinh, những ý nghĩa phổ quát hơn. Vì ngay cả khi có sầu muộn, đớn đau thì ở đó vẫn có tình người, vẫn để lại những mong ước về cái tên là “Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường…”. Thử hỏi, nào có ai đọc Cánh đồng bất tận lại xác quyết nỗi buồn là triền miên, là tự nhủ rằng cây táo ở đời không nở hoa nữa? Nào ai vì thế mà “hết thương nổi" Cà Mau. Tuy không phủ nhận rằng dễ lắm để bắt gặp những điệu nhạc buồn tê tái, những áng thơ sầu gắn gắn liền với Cà Mau khiến ta phải tự hỏi rằng liệu có phải là quán tính khi người ta nhắc đến xứ xa phố thị phồn hoa? Nhưng thực ra, ở Cà Mau, chuyện buồn vui đều có đủ. Chỉ là cốt là ở cái tính “đã thương là thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng. Hết thảy đều không thể nửa vời” (Đất Mũi mù xa - Nguyễn Ngọc Tư). Có lẽ vì thế nên cái vui hay sự buồn cũng ăn chặt vào tâm hồn ta đến thế, mới ấn tượng đến thế.

Cái tinh thần hết mình, hết lòng, hết tình ấy cũng thể hiện qua cả cách người vùng này yêu thích nghệ thuật và hăng say lao động. Như cách mà nhà văn Sơn Nam đã miêu tả trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau của mình, người làng thích hát bội ngay cả khi “họ không biết chữ nho, tiền Đường hậu Tống gì hết” họ vẫn làm mọi cách để được thưởng thức nghệ thuật. Đọc từng dòng văn của Sơn Nam rồi mới thấy Cà Mau quê xứ không phải ăn chơi, lười biếng. Cốt cách con người ta mới đáng trân trọng, mới dễ thương biết bao, biết là muốn thèm nghe đờn ca, muốn xem hát bội nhưng cứ làm cho xong việc trước. Vậy nên khi mọi người nghe tin sắp có đoàn hát bội nên hỏi ông kỳ lão rằng “Hát ban ngày hay ban đêm", bấy giờ ông kỳ lão mới trả lời: “Hát ban đêm mới vui chớ, ban ngày để làm công việc đồng áng”. Vậy mới thấy, người Cà Mau cứ luôn mang lấy tâm hồn chân chất, tình cảm, yêu cái đẹp, yêu cái hay, yêu đời và yêu người.

Người Cà Mau là thế, thương là “thương đậm đà", không nửa vời, nhàn nhạt. Thương kiểu: “Cái Tàu là chỗ náu nương/ Dòng Ông là chỗ tình thương đậm đà”. Vâng, người ở đây họ nổi tiếng hào phóng, nghĩa tình chứa chan, đong đầy. Người ta bảo lý do người ở đây có tính ấy là vì ở cái đất được tiếng thuận mùa, thuận tiết, nhiều huê lợi, rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu... Nhưng nói như thế không có nghĩa là đất này không bị mưa bão, rồi cũng có khi gió chướng, gió bấc, hạn hán, ngập mặn... Nhưng quan trọng hơn hết là con người Cà Mau vẫn giữ lấy cho mình tinh thần thật lạc quan, thương đời, yêu người. Ngay cả khi muốn than thở thì họ lại có cái sự hài hước, hễ ai nghe cũng phải cười cái khì, quên mệt nhọc:

“Rừng U Minh có tiếng muỗi nhiều

Bay vòng lượn quanh nó kêu vú vú

Đậu trên trán nó chích ù u

Quẩt cái chắt nó chết quèo queo”

(Ca dao)

Chú Tư Đinh trong Hương rừng Cà Mau cũng hiểu cho “ông trời" lắm “Mình đừng trách trời. Hồi nào tới giờ, trời cứ vậy hoài, hết mùa hạn thì phải tới mùa nước lụt chớ”. Dù trời đất thế nào thì lòng người ta vẫn cứ an yên đến lạ.

ca-mau-2.jpg
Ngã ba sông Trẹm, huyện Thới Bình, Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Lâm).

Tính đến nay, Cà Mau đã ghi tên mình trong nhiều tác phẩm văn học hiện đại và đương đại. Lại còn cả kho tàng văn học dân gian hình thành qua lời ăn tiếng nói vô cùng phong phú. Hẳn là còn nhiều truyện, nhiều bài vô đề, của nhiều người vô danh nữa viết về Cà Mau. Kể biết bao nhiêu cho đủ, vì còn nhiều “cái khác” mà mỗi người - mỗi tâm hồn đến đây sẽ được quê xứ chọn gửi. Tình yêu dành cho Cà Mau, những bài viết về Cà Mau sẽ như đất bồi phù sa, chẳng bao giờ vơi cạn!

Thế đấy, “nghe nói Cà Mau xa lắm" xa nhưng vẫn liền dải đất phương Nam, liền Tổ quốc. Vậy nên dù xa bao nhiêu cũng về thăm, để nhớ, để thương, để gìn giữ trong trái tim yêu thổn thức...

Với Cà Mau, mỗi người sẽ có một cách thương riêng. Riêng tôi, tôi thương bằng cả sự thiết tha, chân thành và sâu sắc của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau - miền đất đầy vơi những cách thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO