Chứng khoán OCBS: Lợi nhuận lao dốc, quyết “tất tay” vào cổ phiếu HAGL
Công ty Cổ phần Chứng khoán OCBS vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025, đánh dấu quý đầu tiên hoạt động dưới thương hiệu mới sau khi hoàn tất quá trình đổi tên từ VIS và tái định vị mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận lại gây thất vọng khi chỉ đạt 2,12 tỷ đồng, giảm 70,36% so với cùng kỳ năm 2024, bất chấp doanh thu hoạt động tăng trưởng mạnh gần 60%.
Doanh thu bứt phá nhưng lợi nhuận hụt hơi
Theo báo cáo, tổng doanh thu hoạt động quý II/2025 đạt 28,56 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước với chỉ 17,85 tỷ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 13,39 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ. Hoạt động cho vay và phải thu cũng tăng trưởng tích cực, mang về 7,76 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 44% so với quý II/2024.
Tính đến cuối tháng 6/2025, dư nợ cho vay ký quỹ của OCBS đạt 313,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm. Đây là dấu hiệu cho thấy công ty đang đẩy mạnh mảng kinh doanh cốt lõi và từng bước khai thác hiệu quả nguồn vốn tăng thêm.
Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận lại trở nên kém sắc do chi phí hoạt động và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, chi phí hoạt động trong quý II tăng 114,64% lên 12,9 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý tăng tới 166,78% với 11,87 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, từ vài chục triệu lên 1,42 tỷ đồng, chủ yếu do lãi vay và chi phí liên quan đến tái cấu trúc.
Khoản lỗ từ tài sản tài chính FVTPL lên tới 5,63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoản mục này không đáng kể. Những yếu tố này khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 2,65 tỷ đồng, giảm gần 70% so với quý II/2024. Sau khi trừ thuế, OCBS chỉ còn 2,12 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Dù vây, một điểm sáng đáng chú ý trong báo cáo tài chính là quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu tăng vọt nhờ đợt phát hành cổ phiếu thành công. Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của OCBS đạt 1.387,26 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với thời điểm đầu năm (438,89 tỷ đồng)BCTC-Q2.2025. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 891,30 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần đầu năm, phản ánh nguồn lực tài chính dồi dào từ đợt huy động vốn.
OCBS đã hoàn tất phát hành 90 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 900 tỷ đồng. Nhờ đó, vốn điều lệ tăng từ 300 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng, đồng thời nâng tổng vốn chủ sở hữu lên 1.316,30 tỷ đồng vào cuối quý II (+222%)
Tự doanh “tất tay” vào HAG
Sau khi huy động thành công lượng vốn lớn, OCBS đã công bố kế hoạch phân bổ nguồn vốn. Trong đó, 475 tỷ đồng dành cho hoạt động cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán, 400 tỷ đồng cho tự doanh, phần còn lại đầu tư hạ tầng và công nghệ.
Điểm nhấn chiến lược là việc OCBS đang “tất tay” vào cổ phiếu HAG. Tính đến cuối quý II, danh mục FVTPL của OCBS ghi nhận giá trị đầu tư vào cổ phiếu CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đạt 64,73 tỷ đồng, mang lại khoản lãi tạm tính 12,6%. Ngoài ra, danh mục còn bao gồm trái phiếu CTCP Toàn Hải Vân (7,35 tỷ đồng) và cổ phiếu chưa niêm yết của CTCP Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (4,5 tỷ đồng).

Đặc biệt, đầu tháng 7, Hội đồng quản trị OCBS đã phê duyệt hạn mức đầu tư cổ phiếu HAG lên tới 220 tỷ đồng, tương đương hơn một nửa quy mô vốn tự doanh. Động thái này cho thấy OCBS đang đặt kỳ vọng lớn vào cổ phiếu của “bầu Đức” trong chiến lược sinh lời trung và dài hạn.
Dù hoạt động kinh doanh đang mở rộng nhanh chóng, OCBS mới chỉ hoàn thành 9,5% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm là 70 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu hoạt động đạt 45,58 tỷ đồng (+ 56,64%), trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6,57 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo OCBS cho biết, kết quả trên phản ánh giai đoạn chuyển mình tất yếu với nhiều chi phí đầu tư ban đầu như tuyển dụng, nâng cấp hạ tầng, mở rộng mạng lưới, đồng thời theo đuổi chiến lược tái cấu trúc toàn diện, hướng đến trở thành công ty chứng khoán theo mô hình ngân hàng đầu tư.