Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi, lương giáo viên

Bình Minh 07/12/2023 - 11:43

Theo đánh giá thì mức tăng lương cơ sở chưa tương xứng với công sức mà thầy cô bỏ ra, chưa đủ để thầy cô yên tâm sống bằng lương.

Ngày 6/12, các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, được diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu: huyện Thanh Trì, huyện Thanh Oai, quận Hà Đông.

Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 6 gồm: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà; Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phạm Đức Ấn.

Một trong những chủ đề được quan tâm là chế độ ưu đãi và lương giáo viên. Kể từ tháng 7/2023, cùng với việc tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng, lương giáo viên dao động 3,8 - 12,2 triệu đồng tùy cấp học và hạng giáo viên, cao hơn mức cũ 0,6 - 2,1 triệu đồng, chưa tính phụ cấp.

Theo đánh giá của các thầy cô, hiện tại dù thu nhập đã tăng nhưng mức tăng chưa tương xứng với công sức mà thầy cô bỏ ra, chưa đủ để thầy cô yên tâm sống bằng lương. Dù vậy, việc nhận được sự quan tâm từ phía Bộ GD&ĐT và Nhà nước cho thấy những tín hiệu tích cực trong lòng các giáo viên.

bo-truong-luong-nha-.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục có kiến nghị về chế độ ưu đãi, lương nhà giáo.

Tại buổi tiếp xúc với cử tri, trả lời cử tri về chế độ lương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với các giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hiện nay đã có phụ cấp ưu đãi, cao nhất có thể lên tới 70% lương cơ bản. Dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề với giáo viên công tác tại vùng khó như điều kiện sinh hoạt, thiếu nước sạch, nhà công vụ, khó khăn về điều kiện dạy học…

“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo; kiến nghị tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Bên cạnh chủ đề liên quan tới chế độ ưu đãi và lương giáo viên, buổi tiếp xúc cử tri còn thảo luận tới kết quả triển khai nhiều chính sách thu hút học sinh vào học tại các cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Kết quả thu về rất khả quan khi sau 3 năm triển khai Nghị định 116, số sinh viên chọn học sư phạm tăng rõ rệt. Hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cơ chế đặt hàng nhưng Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 để tháo gỡ.

Về việc tuyên truyền, thu hút học sinh vào học các ngành công nghệ kỹ thuật, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đây là hướng ưu tiên trong định hướng chỉ đạo.

Các trường đại học có nhiều chính sách đặc biệt, dành nhiều học bổng thu hút học sinh vào học các ngành công nghệ, kỹ thuật. Đồng thời, Chính phủ cũng đang có kế hoạch triển khai đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, vi mạch và các ngành công nghệ cao khác.

Cũng tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 trao đổi, tiếp thu ý kiến cử tri về các vấn đề liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường, làm đường giao thông, vấn đề giáo dục - đào tạo, phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ...

Nhân dịp này, hưởng ứng tháng cao điểm vì người nghèo, đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội đã trao tặng Quỹ người nghèo của huyện Thanh Trì 300 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi, lương giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO