Y học

Bệnh lý chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH ở trẻ

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 07/06/2023 - 11:15

Thiếu GH là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích GH không đủ.

Hormone tăng trưởng GH giúp phát triển hệ cơ xương

GH là một hormone được sản xuất bởi tuyến yên (pituitary gland) trong não và có tác dụng giúp trẻ phát triển, chủ yếu trong giai đoạn tuổi dậy thì. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể. Đồng thời, GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.

phu-huynh-dua-tre-den-kham-tam-soat-cham-cao-tai-khoa-noi-tiet-bv-ntp.jpg
Trẻ em bị thiếu hụt GH một phần hoặc hoàn toàn sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Thiếu GH là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích GH không đủ. Thiếu GH có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…

Thiếu GH có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Trong một số trường hợp, việc thiếu GH không xác định được nguyên nhân.

Thiếu GH có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ so với những đứa trẻ trong cùng độ tuổi. Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2 - 3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD hoặc dưới 5cm/năm).

Trong những trường hợp bình thường, GH thúc đẩy sự phát triển của các mô cơ thể. Trẻ em bị thiếu hụt GH một phần hoặc hoàn toàn sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng khỏe mạnh.

Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH. Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt GH cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung.

Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm.

tre-duoc-do-chieu-cao-khi-kham-tam-soat.jpg
Sau 3-6 tháng điều trị bổ sung hormone tăng trưởng GH, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần.

Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngưng bổ sung. Để việc điều trị GH đạt hiệu quả, cần tiến hành đúng thời điểm, đúng liều lượng, tốt nhất trong khoảng độ tuổi 4 - 13 tuổi. Nếu qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng.

Ngoài các trường hợp thiếu GH, bổ sung GH còn được chỉ định điều trị trong trường hợp trẻ chậm cao do suy thận mạn, hội chứng Turner, hội chứng Prader-Willi, trẻ sinh ra có chiều cao thấp so với tuổi thai (SGA), lùn vô căn (GHD, ISS).

Khi can thiệp đúng, trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH sẽ được cải thiện chiều cao

Tại TP.HCM, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, là một trong những bệnh viện đa khoa có thể chẩn đoán và điều trị được bệnh lý khó nhận biết này. Tính đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH. 

Đơn cử như bé gái (12 tuổi) đã được điều trị GH năm bé 10 tuổi. Bắt đầu điều trị bé cao 126,5 cm, nặng 30 kg, sau 2 năm bé cao 148 cm, nặng 41 kg (21,5 cm/24 tháng). Chiều cao của bé nằm trong mức trung bình so với các bạn cùng lứa tuổi, trong khi trước khi điều trị bé luôn có chiều cao ở vị trí thấp nhất. Hiện tại bé vẫn đang được bổ sung GH.

Hay một bệnh nhi nam khác hiện nay đã 15 tuổi và đã điều trị GH từ năm lên 7 tuổi. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113 cm, nặng 26 kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4 cm/ năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị GH và điều trị liên tục trong 6 năm.

Đến 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị. Thời điểm ngưng điều trị chiều cao của bé là 155 cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7 - 8 cm/ năm). Hiện tại sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165 cm.

Một bé trai sinh tháng 1/2016, thời điểm bé đến khám 7/2020, chiều cao 99 cm, cân nặng 15 kg. Bé sinh đủ tháng, không có bệnh lý đặc biệt từ lúc sinh. Bé được chẩn đoán thiếu hormon tăng trưởng và bắt đầu điều trị từ 8/2020. Sau 6 tháng, chiều cao của bé 103 cm (tăng 4 cm), cân nặng 15,5 kg.

Bé trai năm nay 12 tuổi, ngay từ khi bé 2 tuổi, phụ huynh bé đã nhận thấy bé thấp hơn so với những bạn cùng trang lứa nên cho bé tăng cường dinh dưỡng, tuy nhiên không thấy sự thay đổi. Chị L - phụ huynh của bé cũng dẫn bé đi khám tại nhiều nơi và cả nước ngoài.

phu-huynh-dua-tre-den-kham-tam-soat-cham-tang-truong-chieu-cao.jpg
Khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu GH và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ được cải thiện chiều cao đáng kể.

Sau đó, chị biết được chương trình tầm soát chiều cao miễn phí của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chị L. đã dẫn bé đến khám và được chẩn đoán thiếu hụt GH và điều trị với GH từ tháng 09/2019. Khi bé H.T 9 tuổi, cao 127,5cm, nặng 26,6kg. Sau 1 năm 4 tháng điều trị, bé đã tăng thêm 14cm. Hiện tại bé vẫn đang tiếp tục điều trị và đang được theo dõi chiều cao, thể chất đều đặn.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện, phụ huynh cũng đã cho trẻ điều trị và can thiệp dinh dưỡng trước đó nhưng không có sự cải thiện. Khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu GH và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ được cải thiện chiều cao đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh lý chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH ở trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO