Bệ phóng để trí thức trẻ khẳng định khát vọng
Năm 2024, nhiều nhà khoa học trẻ đang công tác, học tập, nghiên cứu ở các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục khẳng định bản thân qua các danh hiệu, giải thưởng uy tín.
Họ đã và đang góp phần tạo nên thương hiệu cho đơn vị công tác, tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ cho xã hội và đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Theo thống kê cập nhật ngày 15/10/2024, số bài báo của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, giai đoạn 2020-10/2024 là 11.105 bài, đạt 74% kế hoạch so với chỉ tiêu đăng ký (15.000 bài); Tỷ lệ công bố bài báo quốc tế giai đoạn 2020-10/2024 tăng trung bình 10%/năm và dẫn đầu cả nước số bài báo quốc tế thuộc CSDL Scopus năm 2022, 2023; Tỷ lệ bài báo quốc tế trên tiến sĩ tăng dần và đạt 1,76 năm 2023.
Điều này được minh chứng qua sự kiện Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024, đã có 4/10 nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Quốc gia TP.HCM được trao giải. Các công trình nghiên cứu của họ đều do Đại học đầu tư kinh phí, có tính khả dụng cao, hiệu quả và chi phí thấp, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.
Trong số này, Tiến sĩ Nguyễn Phước Vinh (Trường đại học Khoa học sức khỏe) là người trẻ nhất được trao giải. Chia sẻ với phóng viên, Nguyễn Phước Vinh giới thiệu về công trình mà nhóm nghiên cứu của mình tiến hành tại Việt Nam (kinh phí từ Đại học Quốc gia TP.HCM) có tên: "Thực trạng đề kháng thuốc kháng nấm của bệnh nấm Candida đường hầu họng trên bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và hoạt tính kháng nấm của keo ong". Nghiên cứu này nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình trạng kháng thuốc của loài Candida ở người bệnh ung thư và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định loài và độ nhạy cảm với thuốc của chúng trước khi điều trị, từ đó sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng trong việc lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp để nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng sống của người bệnh.
Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh (Trường đại học Khoa học tự nhiên) đoạt giải thưởng với Công trình "Nghiên cứu chế tạo vật liệu màng mỏng dựa trên nền ô-xít kẽm ứng dụng chuyển hóa nhiệt thải thành năng lượng điện và bảo vệ môi trường". Theo đó, nguồn nhiệt thải chiếm khoảng hai phần ba năng lượng sản xuất ra và tồn tại khắp nơi trong sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Nếu tận dụng được nguồn nhiệt thải dư này để chuyển hóa thành điện năng sẽ góp phần vào an ninh năng lượng. Công trình tập trung vào cấu trúc và ứng dụng vật liệu ZnO ở dạng màng mỏng, nhằm phù hợp thay thế, tích hợp và ứng dụng cho các loại cảm biến, pin trong các linh kiện, thiết bị đeo cơ thể. Hơn nữa, giải pháp sẽ tạo tiền đề để xây dựng các cấu trúc khối với các ưu điểm đã được tối ưu ở cấu trúc màng mỏng. Trong quá trình chế tạo vật liệu, ưu tiên lựa chọn và sử dụng các tiền chất, dung môi an toàn, ít độc hại và các phương pháp chế tạo đơn giản, từ đó hướng đến sản xuất hàng loạt, giảm chi phí, thương mại hóa cao.
Theo Đảng ủy Đại học Quốc gia TP.HCM, nhiều kết quả khả quan có được như trên, là do suốt hơn nửa nhiệm kỳ, đơn vị tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đỉnh cao, chú trọng ưu tiên cho các lĩnh vực tiên tiến, nghiên cứu liên ngành, đồng thời hình thành 10 nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và Trung tâm xuất sắc tương đương khu vực châu Á và thế giới.
Điều đó còn thể hiện rõ hơn qua kết quả xếp hạng theo ngành đào tạo (QS World University Ranking by Subject). Năm 2021 Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ có 1 ngành được xếp hạng, đến năm 2024 đã có 8 ngành lọt vào tốp 500 thế giới. Đây chính là "bệ phóng" để trí thức trẻ khẳng định khát vọng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo!
Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024 cũng vinh danh Tiến sĩ Trần Ngọc Quang (Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TP.HCM) với công trình nghiên cứu "Generating Highly Active Oxide-Phosphide Heterostructure Through Interfacial Engineering to Break the Energy Scaling Relation Toward Urea-Assisted Natural Seawater Electrolysis" (Tổng hợp nhiên liệu hydro xanh bằng công nghệ điện phân nước biển). Công trình này tiên phong trong việc kết hợp chất thải u-rê và nước biển tự nhiên để sản xuất nhiên liệu hydro xanh bằng công nghệ điện phân, góp phần tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch hiện nay. Nghiên cứu này cung cấp chất xúc tác rẻ và có nhiều trong tự nhiên nhằm thay thế các chất xúc tác kim loại quý hiếm và đắt tiền.
Và Tiến sĩ Lê Kim Hùng (Trường đại học Công nghệ thông tin) với Công trình "Nghiên cứu thuật toán lấy mẫu thích ứng cho thiết bị trong internet vạn vật (IoT) quy mô lớn" cũng đoạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024 vì các ứng dụng quan trọng của công trình. Qua đó giải quyết thách thức về tiết kiệm năng lượng trong các hệ thống IoT quy mô lớn, nơi sử dụng số lượng lớn các thiết bị loT giá rẻ với nguồn năng lượng hạn chế (thường là pin): Tối ưu hóa tần suất thu nhập dữ liệu của thiết bị trong khi vẫn bảo đảm chất lượng cho các hoạt động phân tích và ra quyết định. Công trình đã được công bố trên Tạp chí IEEE Access 2020 và cấp bằng sáng chế tại Pháp năm 2021.
Đảng ủy Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã tiến hành nộp 12 đơn sáng chế tại Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) và 7 đơn sáng chế đang thẩm định nội dung, xây dựng cẩm nang đăng ký sáng chế quốc tế, một tài khoản nộp đăng ký sáng chế online tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có 2 đơn đăng ký sáng chế tại châu Âu và 4 đơn đăng ký sáng chế tại Hàn Quốc. Tính đến thời điểm này, đã có 7 đơn sáng chế được cấp bằng.