Tài chính

Chuyên gia chứng khoán Yuanta: Dòng tiền ngoại hỗ trợ xu hướng tăng, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng với vùng đỉnh cũ

Hữu Kiên 15/07/2025 - 14:01

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại tuần giao dịch đầy hứng khởi với chuỗi tăng ấn tượng, VN-Index vượt ngưỡng 1.450 điểm và VN30 thiết lập đỉnh lịch sử. Dòng tiền sôi động từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại đang mang lại kỳ vọng mới cho giai đoạn nửa cuối năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiệm cận vùng kháng cự mạnh, tâm lý thận trọng và áp lực chốt lời cũng bắt đầu gia tăng.

ck-yuanta-715.png

Để có cái nhìn toàn diện hơn về xu hướng thị trường, vai trò của nhóm cổ phiếu dẫn dắt và triển vọng dòng vốn ngoại, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mức tăng vượt trội của thị trường trong tuần vừa rồi, đặc biệt khi các chỉ số chính như VN-Index và VN30 đồng loạt xác lập những cột mốc mới?

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong tuần vừa qua, có hai điểm nổi bật cần lưu ý. Thứ nhất, các chỉ số chính tăng liên tiếp 5 phiên, gần như không có một nhịp điều chỉnh đáng kể nào. Thanh khoản duy trì ở mặt bằng rất cao. Đặc biệt, khối ngoại là điểm sáng lớn nhất khi mua ròng liên tục từ phiên 2/7 đến nay. Trong 9 phiên gần nhất, khối ngoại đã giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng.

Theo tôi, đà tăng hiện tại là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố tích cực, trong đó tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng – nhất là sau khi xuất hiện các thông tin liên quan đến vấn đề thuế quan. Dù đây mới chỉ là những tín hiệu ban đầu, chưa có xác nhận chính thức từ cả hai chính phủ, nhưng các cập nhật gần đây cho thấy Việt Nam đang có lợi thế về thuế quan so với nhiều quốc gia khác.

Mặc dù thị trường hiện đang trụ vững trên mốc 1.400 điểm. Tuy nhiên, xét về định giá, VN-Index hiện đã vượt mức P/E 14 lần – cao hơn trung bình 5 năm. Nếu đà tăng tiếp tục, chỉ số có khả năng tiến gần đến mức trung bình 10 năm. Đây là điểm cần theo dõi để đánh giá rủi ro điều chỉnh trong thời gian tới.

Phóng viên: VIC tăng trần trong phiên 10/7 và tiếp tục bứt phá phiên 11/7, đóng góp lớn vào chỉ số. Theo ông, sự trở lại của nhóm Vingroup có mang tính bền vững hay chỉ là hiệu ứng ngắn hạn?

Ông Nguyễn Thế Minh: Thực tế, nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC, VHM, VRE và VPL đã đóng góp rất lớn vào đà tăng của chỉ số từ tháng 4 đến nay. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong 2 năm trở lại đây, nhóm này gần như không có đợt sóng tăng đáng kể, do chịu tác động mạnh từ khó khăn của thị trường bất động sản, trung tâm thương mại, cũng như áp lực tài chính từ VinFast.

Thời gian gần đây, có một số yếu tố tích cực hỗ trợ nhóm Vingroup. Thứ nhất, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lại, mà Vinhomes là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn. Thứ hai, kinh tế vĩ mô đang dần phục hồi, với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và xa hơn là 2 chữ số vào năm 2030. Như vậy, Vingroup vốn hoạt động đa ngành, sẽ hưởng lợi từ các chính sách thúc đẩy kinh tế.

Đối với VinFast, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức như cạnh tranh xe điện hay áp lực nợ, công ty đang linh hoạt mở rộng sang thị trường quốc tế thông qua các thương hiệu như Xanh SM – đây có thể là hướng đi phù hợp để tạo tăng trưởng trong trung hạn.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân như Nghị quyết 68 và 198 cũng giúp Vingroup hưởng lợi lớn. Thêm vào đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường từ FTSE vào tháng 9 tới đang thu hút dòng vốn ngoại vào các cổ phiếu vốn hóa lớn – trong đó Vingroup là một trong những ứng viên hàng đầu.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng VIC và VHM đã có chuỗi tăng rất mạnh, vì vậy không loại trừ khả năng xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Việc mua đuổi ở vùng giá cao cần được cân nhắc kỹ, tránh rủi ro từ biến động giá bất ngờ.

Phóng viên: Với khối ngoại mua ròng liên tiếp 5 phiên, tổng giá trị gần 7.000 tỷ đồng, theo ông động thái này phản ánh điều gì về góc nhìn dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Thế Minh: Hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng dòng vốn ngoại đã có xu hướng rút mạnh khỏi thị trường từ năm ngoái đến nay, đặc biệt là trong năm 2024 – ghi nhận mức rút vốn kỷ lục trong lịch sử thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, dòng vốn ngoại đã quay trở lại mua ròng. Tôi cho rằng động thái này chủ yếu phản ánh các yếu tố mang tính ngắn hạn và trung hạn. Còn về dài hạn, vẫn cần tiếp tục theo dõi thêm mới có thể đưa ra nhận định rõ ràng.

Ở giai đoạn ngắn hạn, rủi ro về thuế quan đang tạm thời lắng dịu khi Việt Nam có lợi thế hơn một số quốc gia khác. Tuy vẫn chưa có kết luận cuối cùng về chính sách thuế quan, nhưng rõ ràng mức độ căng thẳng đang giảm đi, từ đó giúp nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn. Thực tế, họ vẫn luôn quan tâm tới thị trường Việt Nam, chỉ là trước đó còn dè chừng bởi rủi ro thuế quan. Và một yếu tố rất quan trọng khiến họ vẫn theo dõi sát Việt Nam là định giá.

Hiện nay, P/E của thị trường Mỹ đang ở mức rất cao, tạo ra khoảng cách lớn so với các thị trường cận biên và mới nổi – trong đó có Việt Nam. Ví dụ, chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở mức P/E khoảng 23 lần, trong khi thị trường Việt Nam chỉ ở mức 14 lần. Khi đó, theo nguyên lý “tiền sẽ chảy về chỗ trũng”, dòng vốn sẽ tìm đến những thị trường có định giá rẻ hơn. Trước đây, vì rủi ro chính trị, thuế quan hay bất ổn vĩ mô mà dòng tiền tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ. Nay khi những rủi ro ấy tạm lắng xuống, dòng vốn có xu hướng quay trở lại Việt Nam.

Về trung hạn, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Việt Nam đang thu hẹp. Một phần là do lợi suất trái phiếu Mỹ đi ngang, trong khi lợi suất trái phiếu Việt Nam có xu hướng tăng lên. Khi mức chênh lệch này thu hẹp, dòng vốn sẽ rút khỏi những thị trường có định giá cao mà không còn lợi suất hấp dẫn, để tìm đến các nơi có lợi suất tốt hơn – như Việt Nam.

Nếu trong thời gian tới, Fed giảm lãi suất (có thể vào tháng 9 hoặc 10), trong khi lãi suất trong nước vẫn neo cao vì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần huy động vốn cho các dự án đầu tư công, thì chênh lệch lợi suất có thể đảo chiều dương – tức là lợi suất trái phiếu Việt Nam cao hơn Mỹ. Khi đó, dòng vốn ngoại có thể sẽ dịch chuyển vào mạnh mẽ hơn.

Một yếu tố trung hạn khác là kỳ vọng về nâng hạng thị trường trong tháng 9 hoặc 10 tới đây, khi có quyết định từ FTSE và Russell. Lịch sử đã từng chứng kiến dòng vốn ngoại tăng mạnh vào năm 2017 và 2018 khi có kỳ vọng nâng hạng, dù sau đó thị trường không được nâng hạng chính thức vào quý III/2018, khiến dòng vốn rút ra. Nhưng kinh nghiệm từ các thị trường như Pakistan cho thấy trước thời điểm nâng hạng, dòng vốn FII thường đổ mạnh vào và đẩy giá tăng đáng kể. Lần này, Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại chu kỳ đó, tạo ra một làn sóng đầu cơ của khối ngoại.

Về dài hạn, tôi cho rằng có hai yếu tố then chốt:

Thứ nhất là thuế quan, nếu có thể đạt được sự thống nhất và rõ ràng hơn, sẽ giúp đánh giá chính xác hơn về dòng vốn FDI và các lợi thế vĩ mô khác.

Thứ hai là lãi suất trái phiếu, nếu như lợi suất trong nước cao hơn Mỹ một cách bền vững, sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh. Khi đó, dòng vốn ngoại có thể không chỉ mua cổ phiếu mà còn mua trái phiếu như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Thậm chí, họ có thể cân nhắc dịch chuyển hoàn toàn chiến lược đầu tư sang Việt Nam.

Tuy vậy, điều này còn phụ thuộc vào việc Mỹ có nới lỏng chính sách tiền tệ và Việt Nam có siết lại một phần hay không. Khi đạt được sự đảo chiều về chênh lệch lãi suất như vậy, tôi cho rằng dòng vốn ngoại sẽ vào Việt Nam với tầm nhìn dài hạn và bền vững hơn.

Phóng viên: Ông nhận định gì về xu hướng thị trường trong tuần tới? Nhà đầu tư nên chú ý đến những yếu tố nào?

Ông Nguyễn Thế Minh: Điều đầu tiên tôi muốn lưu ý là khi thị trường tăng cao thì tâm lý chốt lời và áp lực điều chỉnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong tuần tới, nếu có điều chỉnh thì tôi đánh giá mức độ sẽ nhẹ, chưa phải là một cú sốc giảm mạnh hàng chục điểm, hay là tín hiệu tạo đỉnh cho thị trường.

Vùng kháng cự quan trọng hiện tại là khu vực 1.470 đến 1.500 điểm – đây sẽ là vùng cần đặc biệt lưu ý. VN-Index hiện đang tiệm cận vùng này, do đó chiến lược ngắn hạn mà nhà đầu tư nên cân nhắc là hạn chế mua đuổi ở thời điểm hiện tại. Với nhà đầu tư có kinh nghiệm lướt sóng, vẫn có thể tận dụng các nhịp rung lắc để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên, với nhà đầu tư không chuyên hoặc đầu tư theo hướng dài hạn, tôi cho rằng nên tiếp tục nắm giữ hoặc chốt lời một phần để bảo toàn thành quả, giữ lại phần còn lại cho xu hướng tiếp diễn.

Riêng với nhà đầu tư theo chiến lược lướt sóng, tôi đề xuất có thể cơ cấu danh mục theo hướng:

Một là, chốt lời một phần ở những cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những mã đã đạt mức tăng tối đa và mang lại tỷ suất sinh lời tốt.

Hai là, dịch chuyển dòng tiền sang những nhóm ngành có định giá còn hấp dẫn hơn, nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư ngắn hạn.

Quan sát gần đây cho thấy nhiều nhóm cổ phiếu phi tài chính đã đạt đến mức định giá cao nhất trong 5 năm qua. Điều này hàm ý rằng dư địa tăng trưởng tiếp theo là khá hạn chế. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu tài chính – đặc biệt là ngân hàng và chứng khoán – vẫn đang có mức định giá thấp hơn tương đối, và còn dư địa để tiếp tục tăng.

Do đó, tôi cho rằng với nhà đầu tư có kinh nghiệm, đây là thời điểm có thể cân nhắc xoay trục từ các nhóm đã tăng nóng sang nhóm tài chính, để đón đầu các cơ hội tiếp theo trong nhịp thị trường hiện tại.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia chứng khoán Yuanta: Dòng tiền ngoại hỗ trợ xu hướng tăng, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng với vùng đỉnh cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO