Đô thị

Bảo vệ môi trường từ việc nhỏ

Trúc Giang 16/07/2023 10:33

Cùng với nhiều nước khác, Việt Nam từ lâu đã có ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường. Từ năm 1982, nước ta hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới (5-6 hàng năm) trong phạm vi cả nước và từ đó đến nay đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng như có nhiều quy định và hành động cụ thể nhằm xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Trong dịp này, các ngành các cấp, các địa phương đã tổ chức rất nhiều hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường hiện nay còn rất nhiều thách thức. Trước hết, ở tầm vĩ mô, dù đã có khá nhiều quy định nhưng hiện tính phủ khắp và tính thực tiễn của các quy định đó cũng như sự phối hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định cũng còn nhiều điều đáng bàn. Từ đó, hiệu lực, hiệu quả của các quy định chưa cao và chưa đáp ứng được yêu cầu. Chẳng hạn, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn hiện nay đã được báo động nhưng việc xây dựng các quy định chặt chẽ và thực hiện các quy định đó còn nhiều bất cập, hạn chế, khiến gần như chưa thể xử lý được các trường hợp vi phạm (như tình trạng hát ồn ào từ các “loa kẹo kéo” dù được đề cập rất nhiều lần nhưng việc khắc phục còn hạn chế).

Hay hiện vẫn còn thiếu quy định điều chỉnh hành vi đối với nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; các hành vi liên quan đến quản lý chất thải và phế liệu, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo và phục hồi môi trường; việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp xử lý chất thải, nước thải còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời nên hiện tượng “lén” xả thải vẫn còn khá phổ biến; một số quy định về hành vi vi phạm chưa có tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng; việc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm về môi trường…

Trong khi đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp và các lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường nói chung còn chưa đầy đủ, chưa thể hiện quyết tâm cao. Không ít trường hợp khi có sự lên tiếng của công luận hoặc chỉ đạo sát sao của cấp trên thì mới quan tâm xử lý vấn đề bức xúc về môi trường của người dân. Chẳng hạn, có nhiều cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng dù có kiến nghị nhiều lần nhưng không phải nơi nào cũng xử lý đến nơi đến chốn. Ngay tại TP.HCM, đã từng xuất hiện các đợt dịch ruồi phát sinh từ các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm nhưng chậm được xử lý hoặc không xử lý dứt điểm.

Ngay cả việc đánh giá mức độ, tính chất ô nhiễm và lượng hóa các thiệt hại cũng không rõ ràng, nên khó quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân vi phạm. Chẳng hạn, ở một số nhà máy, xí nghiệp ở cạnh nhau và cùng xả thải ra môi trường, nhưng xác định mức độ gây ô nhiễm của từng nhà máy, xí nghiệp thường không dễ dàng về xử lý vi phạm gặp khó khăn, yêu cầu khắc phục cũng không thuận lợi, nhất là khi có thiệt hại thì xác định mức bồi thường cũng khá phức tạp. Đã vậy, sự đối phó của một số doanh nghiệp trong vấn đề này thường khá tinh vi; có một số doanh nghiệp xây dựng đầy đủ hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ sử dụng khi có kiểm tra, còn bình thường thì tìm cách xả thẳng ra môi trường, nhằm tiết kiệm chi phí…

kids-garden-1.jpg
Công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới phải thực sự được đề cao với những chủ trương, chính sách phù hợp. Ảnh minh họa

Đáng kể nhất là ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ. Do đòi hỏi mưu sinh, do thiếu thông tin, do tác động hạn chế của công tác tuyên truyền…, là những nguyên nhân khiến người dân chưa xem công tác bảo vệ môi trường hay chống ô nhiễm môi trường là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân mình. Việc xả rác, chất thải xuống kênh rạch, sông biển… diễn ra thường xuyên và nhiều người vô tư cho rằng “bản thân mình có ý thức thì cũng không ăn thua bởi có rất nhiều người khác vi phạm”. Ngay ở các đô thị, việc bỏ rác ngoài đường, đổ rác xuống các miệng cống, xâm hại mảng xanh… khiến mất mỹ quan và góp phần gây ngập úng vẫn diễn ra thường xuyên. Như ở TP.HCM, dù có nhiều cuộc vận động về bảo vệ môi trường nhưng tác động đến hành vi vẫn chưa đậm nét, sự chuyển biến trên thực tế còn khá khiêm tốn; điều thấy rõ nhất là sau các trận mưa lớn, rất nhiều cống thoát nước bị nghẹt rác, do việc bỏ rác bừa bãi của người dân.

Ngoài ra, sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ cũng khiến môi trường bị tác động nghiêm trọng. Có lúc, có nơi, các địa phương do yêu cầu tăng trưởng kinh tế mà lơ là công tác bảo vệ môi trường, thậm chí hy sinh môi trường; sự phát triển nhiều loại thiết bị, phương tiện hiện đại cũng sản sinh ra nhiều loại rác thải có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nếu công tác tái chế, thu hồi chất thải không được thực hiện tốt. Kể cả những khu vực trước đây được coi là an toàn thì bây giờ cũng đang ô nhiễm, như biển, nông thôn…, mà mức độ ngày càng trầm trọng hơn, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Với thực tế đó, công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới phải thực sự được đề cao với những chủ trương, chính sách phù hợp. Ở tầm vĩ mô, cần xây dựng đầy đủ các quy định trên tất cả các lĩnh vực, cả trong hoạt động sản xuất, thương mại, sinh hoạt… với những chế tài đủ nghiêm, đủ mạnh. Công tác tuyên truyền cần được tập trung hơn để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó trở thành người trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường. Các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý phải chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn, gắn kết hơn, hiệu quả hơn, giữa các ngành các cấp, các địa phương, các cơ quan, đơn vị. Ở từng khu dân cư, cần chú trọng các quy ước của cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, trong đó có những quy định về bảo vệ môi trường…

Đã xác định tầm quan trọng của môi trường nhưng việc bảo vệ môi trường của nước ta hiện nay có nhiều thách thức, trong đó có những thách thức mang tính chủ quan. Vì vậy, nhà nước, chính quyền các cấp phải thực sự xem trọng công tác bảo vệ môi trường và có những biện pháp bảo vệ phù hợp, từ đó tác động và lan toàn đến các tầng lớp nhân dân, để tạo thành hành động chung của toàn dân trong việc bảo vệ môi trường sống của mình. Đó không chỉ là trách nhiệm trực tiếp, cụ thể với môi trường sống hiện tại của chính chúng ta mà còn với các thế hệ sau!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường từ việc nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO