Đô thị

Ba cơ sở để TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất

Võ Liên 01/09/2024 13:22

Khung giá đất, giá đất tái định cư, đối tượng áp dụng là ba lý do để TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cho phép các địa phương được tiếp sử dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31/12/2025 và áp dụng bảng giá mới từ ngày 1/1/2026. Theo đó, bảng giá mới sẽ không bị khống chế bởi khung giá đất và phải được xây dựng tiệm cận giá thị trường.

TP.HCM là địa phương đầu tiên lấy ý kiến thảo luận bảng giá đất điều chỉnh. Giá trong bảng giá đất điều chỉnh tăng 10-30 lần, thậm chí có nơi tăng đến 50 lần.

Điều chỉnh, xem xét các yếu tố

Tại tọa đàm "Luật đất đai 2024 - Mở rộng quyền lợi cho người dân" được phát sóng trên VTV9 ngày 1/9, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết nếu không điều chỉnh bảng giá đất lần này thì đến đầu năm 2026 khi điều chỉnh một lần sẽ dễ gây ra cú sốc người dân.

Luật Đất đai 2024 cho phép trong giai đoạn từ nay đến 31/12/2025, địa phương thấy giá đất chưa phù hợp phải điều chỉnh. Sau đó, đến ngày 1/1/2026, phải có bảng giá mới tiệm cận với thị trường.

Theo ông Thắng, có ba cơ sở để TP.HCM xây dựng bảng giá đất điều chỉnh lần này. Thứ nhất, bảng giá áp dụng theo Luật Đất đai 2024 không còn bị khống chế bởi khung giá đất. Bảng giá đất cũ của thành phố đang bị khung giá đất giới hạn không còn phù hợp với giá đất thực tế, cụ thể giá đất tối đa chỉ 162 triệu đồng/m2.

khu-tai-dinh-cu.jpg
Người dân hưởng lợi từ quy định mới về tái định cư theo Luật Đất đai 2024.

Thứ hai, bảng giá đất lần này có giá đất tái định cư. TP.HCM hiện nay đang cập nhật toàn bộ dự án có bố trí tái định cư cho người dân và bảng giá, để khi người dân bị thu hồi đất sẽ biết tái định cư tại vị trí nào, giá bao nhiêu.

"Nếu không điều chỉnh thì bảng giá cũ thì không có giá tái định cư. Tất cả những dự án thu hồi đất không giải quyết được được vấn đề tái định cư, đặc biệt là dự án đầu tư công. Không tái định cư được thì người dân không bàn giao mặt bằng, từ đó dẫn tới tiến độ giải ngân chậm", ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Thứ ba, bảng giá lần này mở rộng đối tượng để thực hiện, áp dụng trực tiếp cho 12 đối tượng, trước đó chỉ có 6.

Bên cạnh đó, bảng giá đất lần này không còn hệ số ban hành kèm mà trực tiếp áp dụng cho các đối tượng. Ngoài ra, giá đất hiện nay không còn phù hợp với thực tế.

Ông Thắng dẫn chứng một tuyến đường ở quận 9 (nay là TP Thủ Đức), giá trong bảng giá hiện nay là 4,7 triệu đồng/1m2, trong khi đó giá bồi thường là 75 triệu đồng/1m2 nên không thể nào áp dụng bảng giá 4,7 triệu để thực hiện các nghĩa vụ. Do đó, trách nhiệm của thành phố là điều chỉnh lại cho phù hợp.

Dân được lợi với chính sách tái định cư

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, tái định cư là nội dung quan trọng trong Luật Đất đai 2024. Theo đó, tái định cư phải ở vị trí thuận lợi nhất, không thể bố trí một nơi ở xa, thay đổi hoàn toàn đời sống của người dân. Đồng thời, tái định cư phải chuẩn bị trước, và người dân được biết tái định cư ở khu nào, phải được biết giá tái định cư là bao nhiêu.

Ông Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết Luật Đất đai 2024 còn quy định về việc hỗ trợ tái định cư, trong đó có hỗ trợ di dời cả vật nuôi.

"Luật Đất đai 2024 có nhiều quyền lợi cho người dân. Theo ghi nhận, tại Hóc Môn và Bình Chánh, người dân muốn nhận tiền bồi thường để di dời do những chính sách luật đang có hiệu lực", ông Thuận cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh (TP.HCM) cũng cho rằng Luật Đất đai mới có những điều khoản gắn với lợi ích sát sườn của người dân.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 218 cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Với địa phương có quỹ đất nông nghiệp lớn hiện nay là Bình Chánh, cả địa phương và người dân đều phấn khởi. Người dân khai thác được đất nông nghiệp, có thể kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, khai thác xây dựng công trình phụ trợ,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba cơ sở để TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO