Những chiến công hiển hách
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1935, tại Hòa Thành (huyện Lai Vung - Đồng Tháp). Ông vào du kích xã ở tuổi 18, chưa tròn năm, ông Bảy tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Đến năm 1958, ông cùng 2 người đồng đội quê Đồng Tháp khác được chọn vào lực lượng không quân, được đưa đi học và huấn luyện trở thành phi công. Năm 1965, khi Mỹ chủ mưu rải bom chống phá miền Bắc, Nguyễn Văn Bảy là một trong những phi công đầu tiên lái MiG 17 đáp xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội), mở đầu cho cuộc chiến trên không ác liệt.
Từ 1965 - 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia vào 13 trận đánh khốc liệt trên bầu trời miền Bắc, với 7 lần nhả đạn, MiG 17 do phi công Nguyễn Văn Bảy điều khiển đã biến nhiều loại máy bay tối tân của địch như thần sấm F105, con ma F4H, hay thập tự quân F8C thành những bó đuốc sáng rực trên bầu trời. Với chiến công lẫy lừng ấy, ông là 1 trong 3 phi công đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 1967) và huy hiệu Bác Hồ. Ông kể, do máy bay Mỹ là những máy bay hiện đại, lại được các phi công giàu kinh nghiệm của Mỹ cầm lái, nên việc chiến đấu là hết sức nguy hiểm. Lúc 10 giờ ngày 19/6/1965, biên đội Mig 17 của Nguyễn Văn Bảy lần đầu tiên cất cánh tấn công máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Thế (Bắc Giang). Với số lượng áp đảo, máy bay Mỹ phản kích bằng mưa tên lửa. Trận này, máy bay của ông bị 84 vết thủng, có những vết thủng rất lớn, nhưng ông vẫn lái để máy bay hạ cánh an toàn trong sự thán phục của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô.
Phi công Nguyễn Văn Bảy càng nung nấu quyết tâm tiêu diệt máy bay địch. Rút kinh nghiệm từ đợt đánh đầu tiên, ông Bảy đã áp dụng cách đánh mới. Nhận thấy MiG 17 của mình lái chỉ trang bị 3 khẩu pháo với 200 viên đạn là quá ít để đánh trực diện với máy bay địch, giải pháp đưa ra là phải áp sát máy bay địch. “Đó là cách đánh “nắm thắt lưng”, ông chỉ quyết định bóp cò khi đã tận mắt thấy phi công, đọc rõ số hiệu trên máy bay địch. Và chính cách đánh tiếp cận gần và mạo hiểm như thế, mỗi lần siết cò, đều tiêu diệt được máy bay địch” - ông Bảy kể.
Sau đó, ông tiếp tục có vài lần nghênh chiến với máy bay Mỹ, nhưng không tiếp cận được chúng. Phải sang năm 1966, ông Bảy mới vào mùa “bội thu” máy bay Mỹ. Ngày 26/4/1966, một đoàn máy bay Mỹ hơn 20 chiếc bay vào bầu trời Đại Từ (Thái Nguyên) để đánh các kho xăng của ta. Hai biên đội gồm 8 chiếc MiG 17 rời sân bay Nội Bài lên đánh chặn. Ông Bảy cùng một đồng đội bất ngờ lao thẳng vào đội hình máy bay địch, làm chúng hoang mang, rối loạn. Ông phân tích: “Do máy bay của mình là loại “cổ lỗ sĩ” bay chậm rì nên phi công Mỹ muốn đánh với mình bắt buộc họ phải giảm tốc độ cho ngang với mình. Do lợi thế về tốc độ nên họ không bao giờ đón đầu mà chỉ đuổi sau lưng để bắn tên lửa. Khoảng cách lý tưởng nhất để bắn là 2 - 3 km. Nắm được nguyên tắc này, khi giao chiến mình luôn để ý phía sau. Nếu mình nhìn mắt thường máy bay địch thấy to bằng bắp tay thì phải chú ý bên dưới cánh. Khi chúng khai hỏa, 2 quả tên lửa nhỏ bằng đầu đũa sẽ rơi xuống, khói dưới cánh xịt ra. Tôi chỉ việc đếm trong miệng 1, 2, 3 là đánh lái thật mạnh. Dù là tên lửa tầm nhiệt và điều khiển bằng radar nhưng tốc độ của nó quá cao so với MiG 17 nên mình ngoặt lái bất ngờ là nó sẽ bay quá đà, chưa đầy chục giây sau thì nó sẽ phát nổ nên không thể quay lại...”.
Với cách đánh khôn ngoan và sáng tạo đến phi thường ấy, ngày 29/6/1966, đơn vị của ông Bảy đánh nhau với tốp Thần sấm F105D của Mỹ khi chúng đánh vào kho xăng Đức Giang (Hà Nội) và đã hạ gục một chiếc, viên phi công chỉ huy là thiếu tá Murphy Neal Jones bị bắt làm tù binh. Hay như trận đánh ngày 24/4/1967, từ sân bay dã chiến Kiến An, đơn vị ông đã chiến đấu với tốp máy bay Mỹ đánh cảng Hải Phòng và ông Bảy đã bắn tan chiếc F8C do viên thiếu tá hải quân E. J. Tucker lái.
Ông là một trong những chiến sĩ được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất lúc Người còn khỏe mạnh, được thưởng 7 chiếc huy hiệu Bác Hồ. Ngày Bác mất, ông được đứng túc trực sau linh cữu của Người. Ngày 9/9/1969, vào thời điểm thiêng liêng, xúc động trong lễ tang Bác Hồ, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện 2 biên đội MiG 21 và MiG 17 bay thật thấp qua Quảng trường Ba Đình chào vĩnh biệt Bác. Phi đội trưởng của nhóm MiG 17 gồm 12 chiếc là Anh hùng Nguyễn Văn Bảy.
Về với ruộng đồng
Năm 1990, đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy, nguyên phó tham mưu trưởng Quân chủng không quân, được nghỉ hưu. Ông đã rời TP.HCM để cùng vợ về xã Tân Phú Đông (TP. Sa Đéc - Đồng Tháp) để nuôi cá, nuôi heo, trồng cây... Vài năm trở lại đây, vùng quê Tân Phú Đông đô thị hóa, vậy là ông giao nhà lại cho con gái, cùng vợ trở về nơi chôn nhau cắt rốn xã Hòa Thành để được sống nghề nông với tên mới “ông Bảy miệt vườn”, cần mẫn lao động làm kinh tế VAC, tích cực tham gia công tác địa phương, vận động bà con đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mới.
Về với cuộc sống đời thường, mỗi lần nhớ đồng đội, ông lại giở các kỷ vật, các huân chương, huy chương, bằng khen được tặng thưởng qua các thời kỳ chiến đấu, để ngắm và hồi tưởng. Tuy nhiên, với Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, cái được lớn nhất trong cuộc đời ông không phải là những huân, huy chương, bằng khen sáng chói, mà chính là niềm tự hào vì đã được sống và cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho đất nước.
Dẫn tôi ra phía sau căn “thủy tạ”, ông khoe: cách đây 5 năm, tết Tân Mão, nhiều bà con nông dân xã Hòa Thành (Lai Vung - Đồng Tháp) đã kéo nhau đến nhà để tận mắt chứng kiến chuyện lạ: ông trồng được củ khoai mì (sắn) nặng kỷ lục gần 23 kg. Cũng trước đó vài tháng, bà con từng một phen kinh ngạc khi ông “Bảy Lúa” thu hoạch hơn 5 tấn lúa trên thửa ruộng 0,5 ha ở vụ đông xuân. Sau đó, ông cùng Hội cựu chiến binh xã đi vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm” kéo điện về, làm lộ giao thông nông thôn, bà con ai cũng phấn khởi. Về chuyện chọn nơi “khỉ ho cò gáy” này sống những năm cuối đời, ông nói gọn lỏn: “Mình là nông dân, lớn lên lúc nước mất nhà tan, thân trai ra đi đền nợ nước. Xong chuyện nước non, tui lại trở về với đồng ruộng, ở chính nơi mình sinh ra”.