20 năm hình thành và phát triển VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM
Trong 20 năm hình thành và phát triển, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM là "cánh tay nối dài" giữa Cục Sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp, nhà sáng tạo, trường đại học, các địa phương,… ở khu vực phía Nam, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Ngày 21/12, tại TP.HCM, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển (22/12/2004 - 22/12/2024).
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM là đơn vị trực thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/12/2004.
Số lượng đơn sở hữu công nghiệp tăng trung bình hằng năm 10-15%
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM - chia sẻ trong 20 năm nỗ lực trưởng thành và phát triển, đội ngũ cán bộ văn phòng trong các thời kỳ đã thực hiện tốt các hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Theo ông Khuê, đội ngũ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM đề xuất các biện pháp và chính sách nhằm đẩy mạnh các hoạt động sở hữu trí tuệ tại các tỉnh, thành phố phía Nam; triển khai các chính sách và các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ tại các địa phương.
Đặc biệt, Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM thực hiện tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính với số lượng đơn ngày càng nhiều. Ông Khuê nhận định, số lượng đơn tăng do xu thế chung và là kết quả của hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ pháp lý, góp phần tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và người dân về việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Theo đó, số lượng đơn sở hữu công nghiệp được nộp qua Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM trong 20 năm qua lên tới hàng chục nghìn đơn các loại/năm. Số lượng đơn tăng nhanh, tăng mạnh và tăng nhiều trong từng năm, số lượng tăng trung bình hằng năm từ 10-15%, cùng hàng chục nghìn công văn trao đổi, phúc đáp kết quả thẩm định đơn.
Trong 20 năm qua, số lượng đơn do Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM tiếp nhận chiếm khoảng 25% - 30% so với đơn nộp vào Cục sở hữu trí tuệ, tương đương trung bình trên 30.000 đơn/năm; cùng hơn 15.000 công văn trao đổi, phúc đáp kết quả thẩm định đơn hằng năm.
Văn phòng cũng nhận được nhiều thành tích như: Tập thể lao động xuất sắc (năm 2010, 2011, 2016); tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2016, 2021), giấy khen Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (2017 - 2022), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (năm 2019),…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - nhìn nhận chặng đường 20 năm qua, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM đã từng bước khẳng định vai trò là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp và nhà sáng tạo trong hành trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, về tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và xử lý một số nghiệp vụ về đơn sở hữu công nghiệp tăng theo từng năm. Năm 2024 có trên 40.000 đơn đăng ký các loại và hơn 15.000 công văn, tài liệu khác. Về kinh phí, mỗi năm Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM thu khoảng 40 - 45 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% của Cục sở hữu trí tuệ.
"Với sự nỗ lực không ngừng, Văn phòng đã trở thành cầu nối quan trọng, hỗ trợ hiệu quả cho Cục Sở hữu trí tuệ trong việc quản lý và thúc đẩy các hoạt động sáng kiến tại khu vực phía Nam. Những đóng góp của Văn phòng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ Việt Nam ngày càng tiến xa", ông Lê Huy Anh chia sẻ.
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
Ông Lê Huy Anh cho rằng hoạt động sở hữu trí tuệ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cần tập trung vào 6 định hướng cụ thể.
Thứ nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến để tiếp cận và hỗ trợ nhanh chóng hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế, học hỏi những kinh nghiệm tốt để đưa sở hữu trí tuệ Việt Nam tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba, chủ động, sáng tạo nắm bắt tình hình khu vực để báo cáo lãnh đạo Cục, tham mưu đề xuất các nhiệm vụ công việc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, luôn là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp và nhà sáng tạo.
Thứ năm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng những thách thức mới, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và xu hướng đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển.
Thứ sáu, làm tốt các công tác đoàn thể, xã hội, chăm lo đời sống cán bộ của Văn phòng.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh trong giai đoạn tới, nhất là trong giai đoạn Cục Sở hữu trí tuệ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cần xác định rõ phương hướng hoạt động, tập trung thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ về sở hữu công nghiệp, cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp…
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ - đánh giá cao những đóng góp của Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thời gian qua.
"Với khối lượng công việc đáng kể mà đơn vị đã đảm nhận khi số lượng đơn ngày càng tăng là minh chứng cho hoạt động hiệu quả của Văn phòng", ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng nhận định sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ quan trọng để hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế mới, ông nhấn mạnh sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn trở thành một phần của hạ tầng xã hội, không thể thiếu trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cạnh tranh giữa các quốc gia.