Bạn đọc

Xuân về thương nhớ… chợ quê ngày Tết

Trang Nhung 08/02/2024 - 11:26

Năm hết Tết đến là dịp chúng ta nhớ lại những năm tháng gian khó mà vui, nhất là phiên chợ quê ngày Tết - nét đẹp văn hóa độc đáo, một giá trị tốt đẹp của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Tết đến Xuân về với tôi luôn là một kỷ niệm đầm ấm, khó phai. Càng nhiều tuổi và sống xa quê tôi lại càng nhớ về những năm tháng tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm về quê hương, bạn bè và cả những gì rất mơ hồ nhưng lại rất thực. Nhớ nhất vẫn là lần mẹ cho đi chợ Tết. Chợ Tết ở quê tôi xưa đã đi theo tôi suốt thời niên thiếu và nay vẫn còn dư âm đọng lại.

Dư âm chợ Tết quê thời thơ ấu

Chợ Tết xưa quê tôi ở miền Bắc được tính là những phiên chợ áp Tết, nó rơi vào khoảng từ 23 đến 30 tháng chạp (tháng 12 Âm lịch). Tháng Chạp nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa nhỏ càng làm cái lạnh sâu hơn. Buổi sáng sương mùa giăng trắng lối. Cây cối trơ cành trụi lá, run rẩy trong cái giá lạnh cuối đông.

Cuộc sống như hối hả, tấp nập hơn. Những dòng người vội vã xuôi ngược ngày cuối năm. Những mua sắm rộn ràng cho một năm mới. Ngày ấy, những ánh mắt rạng ngời, vô tư trên gương mặt của học trò trong đó có tôi tính từng ngày được nghỉ học, được thỏa thích vui chơi.

2.jpg
Cảnh mua sắm hàng Tết tại cửa hàng miền Bắc ngày trước. Ảnh minh họa

Một trong những nỗi nhớ ‘như in’ đó là vào ngày 27 Tết, tôi đã được nghỉ học mẹ hứa sẽ cho tôi đi chợ Tết vào ngày hôm sau 28 tháng chạp và đây cũng là phiên chợ cuối cùng của năm. Ở quê tôi từ ngày 23 tháng Chạp khi ông Táo lên trời là bắt đầu không khí Tết trở nên nhộn nhịp, nhất là những dịp Tết phiên. Vì chợ chỉ họp phiên vào ngày 3 và 8 trong tháng còn những ngày khác là chợ thường.

Nói là chợ quê tôi nhưng không phải ở quê tôi mà chợ của làng khác cách chỗ tôi ở chừng 3km. Tết năm ấy mẹ cho tôi đi chợ gọi là “chợ Bài”, thuộc xã khác. Tôi và mẹ phải dậy sớm và đi bộ đến chợ. Khác với phiên chợ ngày thường, chợ chỉ họp vào buổi sáng, hàng hóa ít, người mua, người bán cũng không đông, phiên chợ Tết họp cả ngày từ sáng tới tận chiều tối.

Quang cảnh chợ Tết luôn nhộn nhịp, sôi động, không khí xuân tràn ngập chợ quê. Chợ Tết xưa quê tôi vẫn là một phần của cái nghèo ở vùng chiêm trũng với nghề chủ đạo là nông nghiệp. Nhưng ở quê, người dân luôn tìm thấy cái sự gần gũi, gắn bó và chan hòa thân thiết. Đời sống vật chất còn thiếu thốn nhưng cảm xúc êm đềm, chân thật, thấm đậm tình người. Nó thật mộc mạc, tự nhiên và chân quê.

Những món nông sản “sạch” đặc biệt dành cho Tết

Hôm đó mẹ tôi mang theo một đôi gà trống thiến chừng độ 4kg. Mẹ nói đã thiến và nuôi được gần một năm. Nếu ai đã từng được ăn thịt gà trống thiến thời đó hẳn không quên, nhắc tới tôi lại ứa nước miếng. Gà nuôi dài ngày cho ăn toàn thóc ngô, khoai sắn những nông sản có sẵn của nhà nông, không hề biết ăn đến “cám tăng trọng”. Miếng thịt gà vàng óng, béo ngậy ngọt thơm ngày nay khó có thể tìm lại được hương vị ấy.

Chợ Tết xưa quê tôi với tụi trẻ con như tôi nhìn cái gì cũng đẹp, cũng thích, cũng lạ mắt và rất thích được mẹ mua cho. Ngày xưa hàng hóa chưa nhiều như ngày nay nhưng chợ Tết, hàng hóa cũng được bày bán khắp nơi từ trong chợ ra ngoài chợ. Hàng hóa đa phần là những thứ nông sản “tự sản, tự tiêu”.

4.jpg
Lá dong, mặt hàng không thể thiếu tại các phiên chợ quê ngày Tết

Về gạo có gạo tẻ, gạo nếp, gạo tám xoan. Gạo tám xoan là loại gạo đặc sản chỉ có trong dịp Tết. Gạo được chính người dân quê tôi cấy trồng, gạo nấu cơm có độ dẻo, thơm rất đặc trưng. Nếu ai đã từng ăn loại gạo này, không muốn ăn loại gạo khác nữa. Ngày nay giống gạo này không còn thấy người dân quê tôi cấy trồng phần do năng suất thấp và nó đã được thay thế bằng loại gạo khác cho năng suất cao hơn.

Về thực phẩm có gà, vịt, ngan, ngỗng những thực phẩm này đều do người nông dân tự nuôi trong gia đình từ đầu năm mãi tới cuối năm mới mang đi chợ bán. Những mặt hàng này vô cùng sạch, ngon ngày nay rất hiếm gặp. Riêng mặt hàng như thịt trâu, bò, lợn không thấy bày bán ở chợ vì mặt hàng này lúc bấy giờ có thể gọi là hàng “xa xỉ” đối với quê tôi, mặc dù đó là chợ Tết.

Món thịt lợn ngày ấy được chung nhau mấy nhà một con gọi là “đụng lợn”. Mỗi nhà một phần bày trên tàu lá chuối đã được rửa sạch đặt trên một cái nia. Mỗi phần có đủ các loại thịt, xương đều nhau. Thịt mang về mỗi nhà chế biến thành các loại giò, chả, nem, mọc… để mâm cỗ nhà ai cũng đủ đầy những món truyền thống.

Các mặt hàng thực phẩm “quê” cũng rất sẵn như tôm, cua, cá, ếch và hoàn toàn ‘cây nhà lá vườn’ mà ngày nay chúng ta khó kiếm. Các loại hoa quả chuối, bưởi, bòng, cam quýt… bày bán khắp một góc chợ đều là những món tự trồng.

Chợ Tết xưa đậm nét văn hóa riêng của từng vùng miền

Nói tóm lại các mặt hàng bày bán tại chợ Tết xưa quê tôi đều là hàng “hữu cơ”. Đâu đó mỗi góc chợ có những người bán hương bài. Một loại hương đặc biệt được cuốn bằng tay, nguyên liệu là rễ của cây hương bài, cây được trồng từ đầu năm gần cuối năm thu hoạch người ta lấy phần rễ của nó đem phơi khô sau đó đem tán nhỏ thành bột mịn như cám dùng tre phơi khô và giấy nam để cuốn.

Khi đốt lên hương có mùi thơm đặc biệt không nơi nào có được mùi thơm của loại hương này mà chỉ có ở quê tôi và cũng chỉ có trong ngày Tết Nguyên đán. Ngày nay cũng còn nhưng hương bị pha trộn không còn mùi thơm đặc trưng và tinh khiết nữa.

cho-que.jpg
Chợ Tết vùng quê mang đậm nét văn hóa riêng của từng vùng miền đặc biệt là nông thôn thời xưa.

Một trong những kỷ niệm không phai trong tôi đó là cảnh ông đồ bán chữ, nói chính xác là bán những đôi câu đối Tết bằng chữ Nho và cả chữ quốc ngữ mặc dù chúng tôi hồi đó cứ trố mắt nhìn mà chả hiểu gì cả.

Những mặt hàng như đề cập ở trên tuy giá trị không cao nhưng lại là thứ hàng hóa trao đổi rất thông dụng trong phiên chợ Tết quê. Kẻ bán người mua đều là những người lao động chất phác, công sức của họ góp phần làm cho sự sầm uất và náo nhiệt của chợ Tết vùng quê.

Sau khi được mẹ dắt lướt qua chợ xem một lần, tôi được mẹ cho mấy hào để mua bánh xu xê, một món bánh được làm từ gạo nếp có màu đỏ, tím, vàng mùi vị, màu sắc của loại bánh này vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Tôi còn nhớ, vui nhất và thích nhất là mẹ mua cho tôi bộ quần áo mới. Thú vui mà bọn trẻ chúng tôi thích nhất để đi khoe họ hàng trong ba ngày Tết.

Chợ Tết xưa khác với chợ Tết ngày nay là mọi mặt hàng chủ yếu đều do “tự sản, tự tiêu”. Mọi người mua bán với tinh thần thuận mua vừa bán không có tình trạng “mua tranh, bán chỉa”, chèo kéo, ép giá… mà nó mang đậm nét văn hóa riêng của từng vùng miền đặc biệt là nông thôn thời xưa.

Chợ Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chợ không còn họp ở một nơi cố định hay theo phiên mà chợ có ở khắp mọi nơi trong sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình dịch vụ. Việc chuẩn bị mua sắm Tết cũng dễ dàng thuận tiện nhanh gọn chỉ cần một vài tiếng ra chợ, hay siêu thị, thậm chí là ’online’ cũng có thể có đầy đủ những thứ mong muốn.

Quý Mão sắp qua, Giáp Thìn sắp tới. Không khí xuân đã tràn khắp các phố phường, ngõ xóm. Lòng tôi lại cảm thấy lâng lâng, nhớ nhớ quên quên lẫn lộn, nhớ những buổi theo mẹ đi chợ Tết, nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu, nhớ không khí Tết ngày xưa. Đặc biệt, mỗi khi nghe thấy những ca khúc, áng thơ Xuân, lòng tôi lại trào lên kỷ niệm, và nhủ thầm… “bao giờ lại đến Tết xưa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về thương nhớ… chợ quê ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO