Dòng chảy

Xây dựng hành trang văn hóa cho thanh niên TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình

Th.S, NCS Phạm Thị Thanh Tuyền 17/04/2025 - 14:10

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước, mà còn là nơi hội tụ của những giấc mơ, nơi mỗi người trẻ đều có thể bắt đầu hành trình vươn lên bằng chính đôi chân và khát vọng của mình.

Trong nhịp sống sôi động của đô thị gần 10 triệu dân, nơi những tòa cao ốc vươn lên từng ngày, nơi công nghệ, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp chưa bao giờ ngừng chảy, thanh niên Thành phố đang gánh trên vai một trọng trách lớn: trở thành lực lượng tiên phong đưa Thành phố phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, đồng thời giữ gìn được cái “hồn” rất riêng của Sài Gòn - TP.HCM.

Thành phố này đã từng nuôi lớn bao thế hệ thanh niên quả cảm - từ những học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh vì độc lập dân tộc, đến lớp lớp trí thức, công nhân, văn nghệ sĩ... góp phần tạo nên một đô thị vừa hiện đại, vừa hào sảng, vừa đậm đà bản sắc Nam Bộ. Và hôm nay, trong hành trình “vươn mình” cùng cả nước, TP.HCM lại một lần nữa đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - những người không chỉ cần vững về chuyên môn, nhạy bén với công nghệ, mà còn cần một hành trang văn hóa đủ sâu để giữ mình giữa những biến động thời đại.

Trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, nơi mà thế giới đã thu nhỏ lại trong một màn hình điện thoại, một người trẻ thành phố có thể tiếp cận kiến thức toàn cầu, làm việc với đối tác quốc tế, học tập từ các nền văn hóa khác. Nhưng cũng chính lúc đó, hành trang văn hóa trở nên thiết yếu - để không lạc lối giữa vô vàn lựa chọn, không bị cuốn đi trong sự vội vã của phát triển, không trở thành “công dân toàn cầu” mà quên mất mình là người Việt, là người Sài Gòn.

Việc xây dựng hành trang văn hóa cho thanh niên không chỉ là một nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược lâu dài để phát triển con người toàn diện, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, tạo thế và lực cho đất nước vững bước trong kỷ nguyên mới. Hành trang ấy không chỉ là hiểu biết về truyền thống, mà còn là tinh thần nghĩa tình, năng động, sáng tạo - những phẩm chất đã làm nên bản sắc thanh niên TP.HCM từ bao thế hệ. Hành trang ấy không chỉ là vốn tri thức hay kỹ năng mà còn là bản lĩnh chính trị, ý thức công dân và tinh thần dân tộc - những yếu tố cần thiết để thanh niên TP.HCM vươn mình mạnh mẽ, làm chủ tương lai và sẵn sàng hội nhập toàn cầu một cách tự tin, bản lĩnh và giàu bản sắc.

Viết về hành trang văn hóa cho thanh niên Thành phố hôm nay, cũng là tìm lại sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại sôi động và tương lai đầy triển vọng. Đó không chỉ là nhiệm vụ của một thế hệ, mà là câu chuyện của cả một Thành phố đang trên hành trình xây dựng tầm vóc mới - không chỉ bằng chiều cao của các công trình, những con số GDP mà bằng chiều sâu văn hóa của chính con người Thành phố này.

1. Cơ hội và thách thức đối với thanh niên TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình

TP.HCM từ lâu đã được ví như “đầu tàu kinh tế”, nơi hội tụ của sự năng động, sáng tạo và những nhịp sống chưa bao giờ ngơi nghỉ, Thành phố của chuyển đổi số và Đô thị thông minh, cùng với sự ra đời của Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM, Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư C4IR. TP.HCM - nơi khởi nguồn của nhiều cơ chế, chính sách quốc gia, đặc biệt là về kinh tế, đây cũng là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, phong phú, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước về sinh sống, làm việc và là nơi có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu nhất nước. Trong những năm gần đây, Thành phố không chỉ là trung tâm khởi nghiệp của cả nước mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và bản đồ đổi mới sáng tạo khu vực ASEAN. Cùng với tầm vóc ngày càng mở rộng ấy, thanh niên TP.HCM đang đứng giữa một thời điểm đặc biệt: vừa là người thụ hưởng những cơ hội chưa từng có, vừa là người tiên phong vượt qua những thử thách mới mẻ, phức tạp và chưa có tiền lệ.

metro.jpeg

Cơ hội đầu tiên và rõ nét nhất chính là vị thế chiến lược của Thành phố trong nền kinh tế quốc gia và quốc tế. Từ những trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ hiện đại đến các khu công nghệ cao, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không ngừng phát triển, TP.HCM đang là miền đất hứa của những người trẻ muốn dấn thân, muốn tạo ra giá trị cho xã hội. Chỉ trong năm 2023, thành phố ghi nhận hơn 8.000 doanh nghiệp khởi nghiệp mới, với hơn 40% trong số đó do người dưới 35 tuổi làm chủ. Còn theo đánh giá của Startup Blink, năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM tiếp tục tăng trưởng, xếp hạng 111/1.000 thành phố toàn cầu và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Những con số này không chỉ khẳng định sức hấp dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM mà còn cho thấy sức bật mạnh mẽ của thanh niên Thành phố - những người không ngại bắt đầu lại, không ngại đổi mới và luôn sẵn sàng chinh phục đỉnh cao mới.

Cùng với đó, các chính sách, chương trình hành động của Đảng, Nhà nước và Thành phố ngày càng chú trọng đến vai trò, vị thế của thanh niên; môi trường giáo dục, đào tạo, giao lưu quốc tế ở Thành phố cũng mang lại cho người trẻ điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện. Từ các trường đại học hàng đầu đến những chương trình hợp tác quốc tế, từ các cuộc thi học thuật đến sân chơi nghệ thuật, từ không gian sáng tạo như Thủ Thiêm, bờ sông Sài Gòn đến các cộng đồng làm phim độc lập, thiết kế, truyền thông số - mọi lĩnh vực đều có chỗ cho thanh niên thể hiện mình. Thành phố luôn có chỗ cho những ý tưởng táo bạo, và càng dành sự ưu ái đặc biệt cho những người dám nghĩ khác, làm khác - đúng với tinh thần “Sài Gòn là đất dành cho người dám đi đầu”.

Tuyến metro Số 1 đi vào hoạt động không chỉ mở ra một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị mà còn góp phần định hình lối sống văn minh, hiện đại của người dân TP.HCM. Thời gian tới, Thành phố sẽ khánh thành Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ hơn 1.500 tỉ đồng - được xem là rạp xiếc có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Chưa kể, Thành phố đầu tư xây dựng chương trình nghệ thuật tầm vóc quốc tế ra mắt vào đầu tháng 6/2025, chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Dự án Nhà Thiếu nhi, Nhà Văn hóa Thanh niên là công trình trọng điểm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nếu không có gì thay đổi, trong năm 2025, TP.HCM sẽ được UNESCO công nhận là Thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á - công viên điện ảnh này sẽ là điểm đến hấp dẫn, không chỉ là loại hình nghệ thuật mà còn là không gian sáng tạo của cộng đồng, mang lại nhiều giá trị kinh tế.

Thế nhưng, cũng chính trong vùng đất sôi động ấy, thách thức lại đến một cách thầm lặng và dai dẳng. Đó là sự phân tầng cơ hội trong chính cộng đồng thanh niên. Không phải ai cũng có điều kiện học tập tốt, tiếp cận công nghệ cao, hay tham gia vào các mạng lưới sáng tạo. Tại những khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng chục ngàn thanh niên nhập cư vẫn đang sống và làm việc trong điều kiện hạn chế về văn hóa, giải trí, học tập, và hầu hết chưa được tiếp cận đầy đủ với các chương trình phát triển bản thân hay khuyến khích tham gia đời sống văn hóa. Chính sự chênh lệch đó, nếu không được giải quyết kịp thời, sẽ trở thành rào cản trong việc hình thành một thế hệ thanh niên toàn diện về tri thức và nhân cách.

Cũng cần nhắc đến thách thức về lối sống và bản sắc văn hóa. Giữa dòng chảy vội vàng của đô thị hóa và toàn cầu hóa, nhiều bạn trẻ có xu hướng chạy theo hào nhoáng, lối sống phông bạt, dễ bị cuốn vào đời sống tiêu dùng, sống gấp và đôi khi mất đi phương hướng. Những hiện tượng như “sống thử”, sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn, hút thuốc, uống rượu bia, sa vào các chất kích thích hay hành vi bạo lực - tuy chỉ là một bộ phận - nhưng cho thấy sự lệch pha đáng báo động so với những giá trị truyền thống và chuẩn mực văn hóa ứng xử của dân tộc. Bên cạnh đó, sự thờ ơ với các vấn đề chính trị - xã hội, tâm lý ngại dấn thân, thiếu bản lĩnh trước những thử thách lớn cũng là nguy cơ tiềm ẩn làm suy giảm sức mạnh nội sinh của lực lượng thanh niên. Không ít thanh niên ngày nay băn khoăn với câu hỏi: "Tôi là ai giữa thành phố rộng lớn này?", "Giá trị nào mình thực sự tin vào?" hoặc "Làm thế nào để sống có ý nghĩa trong một thế giới mà mọi thứ thay đổi quá nhanh?". Đó là những khủng hoảng lặng thầm nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình trưởng thành, cần có sự đồng hành kịp thời và đúng cách từ gia đình, nhà trường và xã hội trong việc định hướng và vun đắp hành trang văn hóa - nền tảng để người trẻ nhận diện giá trị bản thân và góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Ở TP.HCM, cũng như tại nhiều thành phố lớn khác, sự pha trộn văn hóa diễn ra mỗi ngày - giữa truyền thống và hiện đại, giữa tinh thần phương Nam nghĩa tình và xu hướng sống cá nhân hóa của thời đại số. Điều này vừa là cơ hội làm phong phú thêm hành trang văn hóa của thanh niên, vừa là thách thức trong việc giữ gìn bản sắc. Làm sao để “thế hệ cợt nhã” có thể biến những meme thành làn gió trẻ trung, lạc quan nhưng vẫn sâu sắc, có chiều sâu tư duy? Làm sao để người trẻ không lầm tưởng rằng sự nổi loạn, thô tục hay phản cảm trong ngôn từ là cách thể hiện chất riêng và dám nghĩ dám làm của thế hệ mới? Làm sao để một người trẻ có thể tự tin trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh trôi chảy, nhưng cũng không quên chào hỏi ông bà bằng tiếng Việt? Làm sao để làm chủ công nghệ AI nhưng vẫn giữ trọn lòng trắc ẩn, nghĩa tình trong ứng xử? Và làm sao để khơi dậy niềm đam mê học chính trị trong giới trẻ, khi mà chính trị đôi khi vẫn được xem là một lĩnh vực khô khan và xa vời?

Những câu hỏi đó không chỉ dành cho thanh niên - mà là cho cả một thành phố đang lớn lên từng ngày. Một thành phố không chỉ muốn phát triển nhanh mà còn muốn phát triển bền vững, không chỉ muốn là trung tâm kinh tế mà còn là nơi chắt chiu, nuôi dưỡng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Và chính vì vậy, hành trang văn hóa của thanh niên TP.HCM không chỉ là điều cần thiết - mà là điều sống còn. Không chỉ để giữ mình giữa thời đại đầy biến động, mà còn để khẳng định mình một cách đầy tự hào, giữa lòng một Thành phố không bao giờ ngủ, luôn chờ đợi những người trẻ không chỉ giỏi giang - mà còn có chiều sâu, có bản sắc và có trái tim.

2. Vai trò của văn hóa và hành trang văn hóa cần có đối với thanh niên TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình

Người Sài Gòn - TP.HCM từ xưa vốn nổi tiếng với tinh thần cởi mở, nghĩa tình, dám nghĩ dám làm và luôn sẵn sàng đi đầu trong cái mới. Tinh thần ấy không phải tự nhiên mà có, mà được hun đúc từ bao lớp người di cư từ Bắc, Trung, Nam; từ dòng máu thương nhân, trí thức, công nhân và học sinh, sinh viên - những con người dấn thân, khát khao và bao dung. Văn hóa của Thành phố này chính là sự giao thoa không ngừng nghỉ - giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây, giữa chất Nam Bộ phóng khoáng và những tinh thần tiến bộ nhất của thời đại.

Trong kỷ nguyên số, khi mà công nghệ ngày càng “thông minh” và thế giới ngày càng phẳng, thì chính văn hóa là thứ khiến mỗi người trẻ Thành phố không bị hòa tan, không bị lạc lối. Văn hóa giúp người trẻ trả lời những câu hỏi bản chất: Tôi là ai giữa thế giới này? Tôi chọn điều gì là giá trị cốt lõi? Tôi sẽ đi đến đâu và để lại gì sau hành trình của mình?

cds-tphcm.jpg

Một bạn trẻ có thể giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng nghề nghiệp vượt trội, có thể giao tiếp tự tin trong môi trường quốc tế - nhưng điều khiến bạn thực sự khác biệt không nằm ở những điểm chung ấy, mà ở phần bản sắc riêng mà bạn mang theo. Đó là cách bạn ứng xử văn minh với người lạ, là tình yêu dành cho những con đường xưa, là sự xúc động khi nghe một bản vọng cổ giữa lòng thành phố hiện đại. Đó là khi bạn chọn quay về chụp ảnh cho bà ở căn nhà cũ Quận 8, thay vì chỉ check-in ở những rooftop hào nhoáng. Những điều tưởng nhỏ ấy, chính là văn hóa - và chính là phần “người” trong mỗi con người.

Hành trang văn hóa của thanh niên Thành phố hôm nay, vì thế, cần phải bắt đầu từ sự hiểu biết và trân trọng những giá trị của vùng đất mình đang sống. Không ai có thể yêu và gìn giữ một thứ mà mình không hiểu. Người trẻ cần biết rằng, bên dưới những công trình hiện đại là lớp lớp ký ức của một Sài Gòn xưa - Thành phố của những trí thức tiền phong, của những phong trào sinh viên sục sôi vì đất nước, của những con người giản dị mà hào hiệp. Cái “tôi” của người trẻ Thành phố sẽ lớn hơn, sâu hơn nếu được đặt trên nền cái “chúng ta” của lịch sử, của cộng đồng, của những giá trị được vun đắp qua nhiều thế hệ.

Từ đó, hành trang ấy phải tiếp tục được xây bằng tinh thần học hỏi không ngừng, sự chủ động sáng tạo và thái độ sống có trách nhiệm. Văn hóa không thể là thứ “bảo tàng hóa” - nó cần được làm mới, được thổi hồn vào đời sống hôm nay. Một bạn trẻ đam mê nhạc rap vẫn có thể đưa cải lương, dân ca Nam Bộ vào trong tác phẩm của mình. Một bạn sinh viên ngành công nghệ có thể nghĩ ra ứng dụng giúp kết nối người trẻ với các di tích văn hóa địa phương. Một nhóm bạn làm phim ngắn về “người bán vé số cuối cùng ở chợ Tân Định” cũng đang làm văn hóa - một cách đầy chân thực và đậm tình người.

Hành trang văn hóa ấy cũng không thể thiếu lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia - những giá trị đã thấm vào máu thịt người Thành phố này từ những ngày gian khó. Trong đại dịch COVID-19, không ai quên hình ảnh những bạn trẻ tình nguyện giao lương thực đến từng con hẻm nhỏ, không quản hiểm nguy, chỉ với một mong muốn giản dị: “Không để ai bị bỏ lại phía sau.” Cái đẹp của văn hóa không nằm trong khẩu hiệu, mà trong hành động. Không nằm trong những điều lớn lao, mà trong từng cử chỉ nhỏ, nhân văn, chân thành.

Và tinh thần ấy chưa bao giờ nguội lạnh. Khi bão lũ quét qua miền Trung ruột thịt, khi mưa lũ nhấn chìm nhiều vùng quê Bắc Bộ, những bạn trẻ lại xắn tay áo lên đường. Không chỉ là những chuyến xe chở nhu yếu phẩm hay những khoản quyên góp, mà còn là những bàn tay sẵn sàng lao vào bùn đất, những đôi chân không ngại đường xa để giúp đồng bào vượt qua hoạn nạn. Giữa thời đại số, dù có nhiều chiến dịch kêu gọi trên mạng xã hội, nhưng người trẻ Thành phố vẫn chọn hành động. Họ không chỉ biết hội nhập, sáng tạo mà còn biết sẻ chia, dám chịu trách nhiệm với cộng đồng. Bởi với họ, tuổi trẻ không chỉ là những hoài bão cho riêng mình, mà còn là trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Thêm vào đó, hành trang văn hóa của người trẻ TP.HCM cần có một lý tưởng - không phải là những khát vọng xa vời, mà là ước mơ được cống hiến, được sống một cuộc đời có ích, được tạo ra giá trị cho thành phố mà mình gắn bó. Một người trẻ có văn hóa là người không chỉ hỏi “Thành phố đã làm gì cho tôi?”, mà sẵn sàng hỏi ngược lại: “Tôi có thể làm gì cho Thành phố này trở nên tốt đẹp hơn?” - và đi tìm câu trả lời ấy bằng chính hành động của mình, mỗi ngày.

Trong tất cả những hành trang mà một người trẻ Thành phố mang theo trong hành trình trưởng thành và hội nhập, có lẽ không gì bền vững và sâu sắc hơn văn hóa. Văn hóa không chỉ là gốc rễ tạo nên bản sắc của một cá nhân hay một cộng đồng - mà còn là “la bàn” định hướng giữa những ngã rẽ chằng chịt của thời đại mới. Văn hóa giúp thanh niên hình thành hệ giá trị sống lành mạnh, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, bản lĩnh vượt khó và tinh thần trách nhiệm công dân. Đặc biệt ở TP.HCM - nơi luôn đi trước cả nước một nhịp trong đổi mới, sáng tạo - thì vai trò của văn hóa lại càng trở nên quan trọng, vừa để giữ gìn hồn cốt của Thành phố, vừa để tạo nên sức mạnh mềm giúp thanh niên vững vàng bước vào tương lai.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “Văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam. Văn hóa không chỉ giúp định hình bản sắc quốc gia mà còn là sức mạnh mềm quan trọng, giúp Việt Nam khẳng định vị thế và hình ảnh trên trường quốc tế. Đồng thời, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần nhân văn sâu sắc và ý thức trách nhiệm xã hội cao phải được bồi dưỡng thường xuyên, nhằm xây dựng một thế hệ trẻ có đủ năng lực và nhân cách để đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội và thế giới”. Hành trang quan trọng nhất của thanh niên không chỉ là kiến thức, mà còn là tinh thần phụng sự, ý thức trách nhiệm với đất nước và dân tộc, những lời nhắn nhủ ấy không chỉ cho thế hệ trẻ Việt Nam mà còn đặc biệt có ý nghĩa với thanh niên TP.HCM - lực lượng tiên phong của một đô thị hiện đại, năng động, sáng tạo để xây dựng một thế hệ thanh niên xuất sắc, đảm bảo đất nước vững bước phát triển trong kỷ nguyên mới.

3. Giải pháp xây dựng hành trang văn hóa cho thanh niên TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình

Để hành trang văn hóa trở thành phần sống thực trong từng người trẻ TP.HCM, cần hơn cả những lời kêu gọi - đó là sự vào cuộc thực chất, sâu rộng và bền bỉ của cả hệ thống chính trị, của gia đình, nhà trường, cộng đồng, và chính bản thân thanh niên. Văn hóa không thể là món quà được trao tặng, mà phải là hạt giống được gieo, được tưới tắm, được nuôi dưỡng bằng môi trường sống lành mạnh, bằng những trải nghiệm chân thực và bằng những hành động có ý thức mỗi ngày.

xanh.jpg

Với một Thành phố đang dẫn đầu cả nước về tốc độ đổi mới, điều đầu tiên cần làm là để văn hóa trở thành một phần không thể tách rời trong các chiến lược phát triển thanh niên - không phải chỉ nói đến kỹ năng số, khởi nghiệp, học tập suốt đời, mà phải đồng thời nói đến văn hóa sống, văn hóa số, văn hóa ứng xử và bản sắc cộng đồng. Mỗi dự án, mỗi chính sách hướng tới người trẻ đều cần mang trong mình một câu hỏi cốt lõi: chương trình này góp phần bồi đắp gì cho nhân cách, cho chiều sâu tinh thần của thanh niên?

Trường học chính là nơi đầu tiên cần được “cắm rễ” lại về văn hóa. Ở đó, giáo dục văn hóa không nên là những bài giảng lý thuyết, mà cần sống động hơn - trong các hoạt động ngoại khóa, các dự án cộng đồng, các chuyến đi thực địa về các di tích Sài Gòn xưa, những cuộc trò chuyện với các nhân vật truyền cảm hứng, những buổi Thắp nến tri ân, Ngàn hoa dâng mộ liệt sĩ. Khi người trẻ được bước chân vào những không gian có chiều sâu - như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bảo tàng TP.HCM, Phòng truyền thống các trường đại học, cao đẳng hay những quán cà phê sách trầm mặc trong lòng Thành phố - họ sẽ nhận ra văn hóa không hề xa vời, mà hiện diện như một người bạn lớn trong quá trình trưởng thành của mình.

Không gian công cộng của Thành phố cũng cần được thiết kế lại để không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, mua bán - mà còn là nơi khơi gợi cảm hứng sống đẹp, sống có văn hóa. Hãy thử tưởng tượng một góc phố Nguyễn Huệ được dành riêng cho biểu diễn âm nhạc dân tộc vào mỗi cuối tuần, hay một chợ Bến Thành có khu trưng bày nghệ thuật sống động tái hiện Sài Gòn thập niên 60 - 80. Những không gian ấy không chỉ níu giữ ký ức, mà còn trao cho người trẻ cơ hội trải nghiệm và tiếp nối văn hóa bằng chính hơi thở hôm nay.

Cùng lúc đó, cần tạo ra thêm nhiều sân chơi sáng tạo, nơi thanh niên không chỉ học về văn hóa, mà còn được tạo ra văn hóa. Những cuộc thi làm podcast về ký ức đô thị, sản xuất video ngắn giới thiệu di sản Thành phố, thiết kế logo cho khu phố cổ, chợ cổ hay viết truyện tranh lịch sử Sài Gòn - tất cả đều có thể trở thành con đường để người trẻ bày tỏ tình yêu Thành phố theo cách của riêng mình. Văn hóa sẽ không bao giờ là chuyện “cũ kỹ”, nếu được trao vào tay những người trẻ biết sáng tạo, biết kể lại bằng ngôn ngữ mới.

Trong kỷ nguyên số, việc xây dựng hành trang văn hóa cũng cần đi qua những nền tảng công nghệ. Thành phố cần đẩy mạnh các dự án số hóa văn hóa đô thị, như bản đồ di sản số, bảo tàng ảo, thư viện mở online - để người trẻ có thể tiếp cận văn hóa dễ dàng như lướt một bản nhạc, một bộ phim. Đồng thời, khuyến khích các KOLs, người có ảnh hưởng tích cực lan tỏa thông điệp văn hóa thông qua mạng xã hội - nơi mà người trẻ Thành phố vẫn sống và tương tác mỗi ngày.

Nhưng không giải pháp nào thực sự bền vững nếu thiếu đi sự tham gia từ chính người trẻ. Thanh niên không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà phải là chủ thể kiến tạo. Hành trang văn hóa sẽ chỉ thực sự được hình thành khi người trẻ hiểu rằng: đó không phải là trách nhiệm của ai khác - mà là quyền và nghĩa vụ của chính mình. Một Thành phố văn hóa là thành phố nơi thanh niên không thờ ơ trước vẻ đẹp đang bị mai một, không im lặng trước hành vi lệch chuẩn, không đứng ngoài các hoạt động cộng đồng. Đó là nơi mà mỗi người trẻ dám đứng lên, tổ chức các hoạt động dọn dẹp, làm sạch các con kênh rạch vốn đầy rác thải, nước đen, miểng chai, ống chích và những vật dụng nguy hiểm khác; mở các “Lớp học yêu thương” dạy miễn phí ở các quận, huyện vùng ven; dựng nên những triển lãm ảnh tái hiện ký ức về Chợ Lớn, hay đơn giản chỉ là viết những bài chia sẻ về hồn Sài Gòn xưa, để bạn bè có thể hiểu và yêu hơn Thành phố này.

Hay đó là những câu chuyện đẹp về những chiếc xe Mì gõ 0 đồng, về những Chuyến xe 0 đồng đưa những phần quà yêu thương đến với người nghèo, những buổi Gala 0 đồng thắp sáng hy vọng cho những mảnh đời khó khăn. Hay đó là hình ảnh những bạn trẻ thực hiện hút đinh vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần trên các tuyến Quốc lộ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi đường, dựng nên các điểm dừng chân nghĩa tình phát nước suối, khăn lạnh, bánh mì, nón bảo hiểm miễn phí cho người dân xa quê trên hành trình về nhà và những chiếc xe sửa xe lưu động miễn phí giúp người đi đường an tâm hơn trên chặng hành trình dài. Tất cả những điều đó cùng nhau tạo nên một hành trang văn hóa giàu bản sắc, làm nên một Sài Gòn không chỉ nổi bật với sự năng động, hiện đại mà còn đầy ắp tình người. Một Thành phố mà ở đó, mỗi cá nhân đều góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, nhân văn, nơi tình yêu thương không chỉ được nói ra mà còn được lan tỏa bằng những hành động cụ thể.

Văn hóa không bao giờ là câu chuyện của một chiều, càng không thể chỉ đơn thuần “dạy” hay “ép buộc”. Đó là kết quả của quá trình gieo trồng, lan tỏa và cộng hưởng những giá trị bền vững. TP.HCM, với tinh thần cởi mở, sáng tạo và nghĩa tình, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành hình mẫu trong việc xây dựng và phát triển hành trang văn hóa cho thế hệ trẻ. Như mới đây, việc thành lập Chi đội Tân Thới Nhất, Quận 12 - mô hình tổ chức Đội đầu tiên tại Trung tâm học tập cộng đồng của TP.HCM - là một minh chứng rõ nét cho nỗ lực ấy. Mô hình này không chỉ đưa hoạt động Đoàn, Đội đến gần hơn với học sinh trong các lớp phổ cập, mà còn tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện, có cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục và rèn luyện như bao bạn bè cùng trang lứa. Quan trọng hơn, đây chính là nền tảng để bồi đắp lối sống văn hóa, tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân ngay từ khi còn nhỏ.

Những giá trị văn hóa tốt đẹp không chỉ là di sản, mà còn là động lực giúp thanh niên định vị bản thân trong một thế giới không ngừng biến đổi. Đặc biệt, trong một Thành phố năng động - nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc Việt Nam và tinh hoa nhân loại - việc trang bị hành trang văn hóa phong phú chính là chìa khóa để thanh niên không chỉ vững vàng trên con đường sự nghiệp mà còn trở thành những công dân có lối sống văn minh, lịch sự, tử tế, trách nhiệm và tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi gắm cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng trên con đường xây dựng và khẳng định bản thân tại Chương trình đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2025: “Tuổi trẻ hãy giữ “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm; nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình để không ngừng cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước”.

Phong trào “Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường học, cơ quan, khu dân cư từ lâu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành trang văn hóa cho thanh niên và cần được phát huy, sáng tạo hơn nữa trong bối cảnh hiện tại. Một trong những yếu tố quan trọng để lan tỏa giá trị văn hóa chính là việc hình thành một mạng lưới thanh niên nòng cốt - những người giữ vai trò cầu nối đưa các giá trị tốt đẹp đến gần hơn với cộng đồng. Các tổ chức Đoàn - Hội cần tiếp tục phát huy vai trò là môi trường rèn luyện, truyền cảm hứng và đồng hành với thanh niên. Thông qua các phong trào hành động cách mạng, các hoạt động tình nguyện, hội trại, diễn đàn văn hóa - nghệ thuật, các cuộc thi sáng tạo nội dung số, phát hiện - bồi dưỡng - tôn vinh các gương thanh niên điển hình,… sẽ tạo điều kiện để thanh niên thể hiện mình, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nuôi dưỡng tinh thần cống hiến và sống có lý tưởng. Đó chính là cách để nuôi dưỡng những “hạt giống văn hóa” bền vững cho tương lai.

Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành không gian giao tiếp quen thuộc của giới trẻ, việc xây dựng lối ứng xử văn minh, nhân văn là rất cần thiết. Mỗi lời nói, hành vi, hình ảnh trên không gian mạng và trong đời sống thực đều là sự phản ánh trực tiếp bản lĩnh, tri thức và chiều sâu nhân cách. Một biểu hiện sinh động cho hành trang văn hóa của thanh niên hôm nay chính là sự khéo léo trong tiếp cận và truyền tải thông điệp văn hóa bằng các hình thức sáng tạo. Sự giao thoa giữa yếu tố hiện đại và truyền thống trong các sản phẩm của giới trẻ - như âm nhạc, thời trang, điện ảnh, nội dung số đang tạo nên một thế hệ thanh niên vừa năng động, cá tính vừa gìn giữ được cốt lõi văn hóa dân tộc. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc văn hóa không ngừng biến chuyển, được “sống” trong hơi thở thời đại và góp phần khẳng định bản sắc của thanh niên Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhìn lại hai năm gần đây, TP.HCM đã có những bước phát triển quan trọng, mở ra nhiều cơ hội lớn cho thanh niên. Đặc biệt, hàng loạt nghị quyết chiến lược được ban hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, có thể kể đến Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 188/2025/QH15 về phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị,...

Đối với thanh niên TP.HCM, Chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao giai đoạn 2020 - 2035 và Chương trình phát triển thanh niên TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 không chỉ là những cơ hội, tạo động lực phát triển, mà còn là yêu cầu về trách nhiệm trong học tập, lao động và cống hiến. Đây là thời cơ để thanh niên thể hiện khả năng, đồng thời cũng là thách thức lớn để họ nỗ lực không ngừng, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cũng nhấn mạnh trong Hội nghị đối thoại với thanh niên Thành phố năm 2025: “Thanh niên phải có hoài bão để đóng góp cho Thành phố, cũng chính là góp phần phát triển đất nước”. Ông khuyến khích thế hệ trẻ: “Người trẻ cần có tâm, tầm, tài. Trong đó, chữ “tâm” được đặt lên hàng đầu. Làm gì cũng phải có tâm. Nếu làm việc với tinh thần trách nhiệm, khao khát cống hiến, hiệu quả sẽ lớn và giá trị mang lại sẽ bền vững”. Đồng thời, ông mong muốn thanh niên TP.HCM luôn giữ tinh thần khiêm tốn, không ngừng học hỏi, trau dồi tri thức, nuôi dưỡng khát vọng lớn, chung tay đưa Thành phố phát triển nhanh, bền vững, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những kỳ vọng đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của các cấp lãnh đạo đối với thanh niên, mà còn là lời hiệu triệu để lớp trẻ TP.HCM tự ý thức về vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển chung. Tin rằng, bằng việc kết hợp giữa tri thức, đạo đức và khát vọng, thanh niên TP.HCM sẽ xây dựng được một hành trang văn hóa vững chắc, sẵn sàng đương đầu với thách thức và nắm bắt cơ hội, khẳng định bản lĩnh trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

“Ngày đoàn quân giải phóng tiến về dưới muôn rừng cờ phất cao sao vàng
Triệu ánh sao, triệu con tim nối thành ngôi sao vàng Việt Nam
Giờ đây đứng giữa khung trời ước mơ, trong lòng thắp lên tình yêu chan chứa
Thành phố Hồ Chí Minh vươn mình toả sáng lung linh trong hoà bình.”

Những câu hát da diết và tự hào trong ca khúc “Vút bay giữa trời tự do” của nhạc sĩ Mai Trâm - một gương mặt tiêu biểu trong dòng nhạc truyền thống cách mạng tại TP.HCM, cũng là nhạc sĩ trẻ trưởng thành từ phong trào thanh niên Thành phố - đã khắc họa đầy xúc động khí thế hào hùng của ngày toàn thắng và đồng thời truyền tải một niềm tin chan chứa vào tương lai của dân tộc. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước cùng hướng về Sài Gòn - TP.HCM với dấu mốc thiêng liêng tròn 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thanh niên TP.HCM không chỉ cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình, của độc lập tự do, mà còn ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay tự hào được sống giữa khung trời thanh bình, được học tập, lao động và sáng tạo nhờ thành quả to lớn mà cha ông đã kiên cường gìn giữ và để lại. Từ niềm tự hào đó, thế hệ trẻ Thành phố cần vươn mình mạnh mẽ - không chỉ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, mà còn trong việc xây dựng một hành trang văn hóa vững chắc, làm nền tảng để chinh phục tương lai. Với tinh thần dám nghĩ biết làm, thanh niên TP.HCM phải là lực lượng tiên phong trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa nhân loại một cách có chọn lọc, từ đó kiến tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt: hiện đại, năng động nhưng vẫn trọn vẹn sự tử tế, bao dung và nghĩa tình. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm kiêu hãnh của thế hệ trẻ TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình, góp phần dựng xây một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hành trang văn hóa cho thanh niên TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO