Gia nhập WTO, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam cần liên kết |
¡Ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý:
DOANH NGHIỆP CẦN PHẢI LÀM GÌ KHI VIỆT NAM ĐÃ LÀ THÀNH VIÊN WTO?
TS. NGUYỄN HỮU THIỆN,nguyên tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ), chủ tịch Hội các phòng thí nghiệm Việt Nam (Vinalab): Tích cực xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng.
Cũng có lẽ không phải đến cái mốc của ngày trở thành thành viên WTO, thức dậy sẽ thấy doanh nghiệp hay đất nước biến đổi một cách ngoạn mục! Không có lý do gì để hồ hởi quá đáng, nhưng cũng không được thờ ơ, nếu doanh nghiệp muốn khai thác mọi lợi thế và phòng xa các bất lợi cho mình, khi nước ta tham gia tổ chức thương mại này. Cách đây không lâu chúng ta đã gặp phải tình huống: hàng trăm xe chở dưa hấu đến biên giới Việt - Trung để xuất khẩu sang Trung Quốc, bị kẹt lại, phải quay về hoặc hủy bỏ sản phẩm hư hỏng vì phía Trung Quốc đã thay đổi quy trình kiểm tra nhập khẩu ở nước họ. Việc này, với tư cách là thành viên WTO và thực thi cái gọi là Hiệp định hàng rào kỹ thuật, họ đã có thông báo từ trước, có khi là 6 tháng hay một thời gian thích ứng nào đó để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc có thời gian chuẩn bị. Đáng tiếc là doanh nghiệp xuất khẩu dưa hấu của ta lại thiếu thông tin. Đó chính là một trong những cam kết hay luật chơi liên quan đến WTO. Vậy doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần làm gì trong lúc này? Trước tiên, lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp hãy xem mình cần cái gì và tự đặt cho mình một số câu hỏi liên quan đến hàng hóa và dịch vụ của mình, thị trường chính trong hay ngoài nước, đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước.
Khi là thành viên của WTO, Việt Nam phải tham gia vài ba chục hiệp định riêng lẻ cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với ASEAN hay APEC, khi các nước thành viên chưa sẵn sàng thì có thể xin trì hoãn việc tham gia, hoặc khi có một số nước sẵn sàng thì các nước đó tham gia trước; còn đã là thành viên WTO thì bắt buộc phải tham gia các hiệp định của WTO (tuy cũng có thể có vài ngoại lệ đối với các nước mới tham gia như nước ta, nhưng phải được các thành viên khác đồng ý).
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì cần nghiên cứu và “thuộc bài” đối với một hoặc vài hiệp định liên đới. Để giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đủ thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật, Điểm Hỏi Đáp (Enquiry Points) về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được thành lập tại Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (www.tbtvn.org) để trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật, các quy trình chứng nhận phù hợp của các nước thành viên WTO mà doanh nghiệp quan tâm. Có thể nói doanh nghiệp phải tích cực xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của chính mình, tìm hiểu thông tin về hội nhập, vào cuộc một cách chủ động và tự tin. Đó chính là những việc cần làm trong lúc này.
ThS. TRẦN LẠC HỒNG,phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM: Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần liên kết để sử dụng chung nguồn nhân lực.
Việt Nam gia nhập WTO, là bước xác định vị thế mới của nền kinh tế Việt Nam, mở ra những triển vọng và thách thức cho hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và thương mại.Với ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, trong đó có TP.HCM, WTO đem lại nhiều thách thức hơn là cơ hội một khi các bài toán then chốt của bản thân ngành công nghiệp chưa được giải quyết trọn vẹn. Doanh nghiệp CNTT Việt Nam hầu hết đang còn quy mô nhỏ - so với các doanh nghiệp quốc tế được tổ chức tốt hơn - buộc phải đối mặt với phương cách sản xuất ở tầm mức cao, đối mặt với phương thức kinh doanh và tiếp thị chuyên nghiệp trong cuộc cạnh tranh ngay cả ở những thị phần truyền thống như lĩnh vực ứng dụng CNTT trong khối cơ quan nhà nước và gia đình.
Một khảo sát gần đây của Hội Tin học TP.HCM cho thấy, quy mô doanh nghiệp là một trong những hạn chế lớn đối với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phần mềm: trên 95% doanh nghiệp có số lao động ở mức dưới 50 người/đơn vị. Việc phát triển lên quy mô trên 500 người/đơn vị đòi hỏi nhiều thời gian. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phần mềm cần liên kết dưới hình thức hợp tác thực hiện đơn hàng hoặc thành lập các consortium để sử dụng chung nguồn nhân lực.
Để mở được cửa thị trường toàn cầu, cần phải chuyên nghiệp hóa công tác thị trường quốc tế. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại và quản lý ngành CNTT. Mục tiêu của nhiệm vụ này là xây dựng hình ảnh thương hiệu của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam cùng với nỗ lực của doanh nghiệp chen chân vào thị trường thế giới.
Có thể nói còn rất nhiều việc mà ngành công nghiệp CNTT trong nước phải làm khi vào WTO. Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan của người Việt Nam trước những thử thách to lớn đã được trải nghiệm trong cả bề dày lịch sử, chúng ta có quyền hy vọng sự đoàn kết thực sự của các thành viên nhận lãnh trách nhiệm này là chính quyền, doanh nghiệp và hiệp hội. Một nhân tố mới xuất hiện, rất quan trọng và cũng cần được kết hợp là đội ngũ chuyên viên CNTT người Việt ở nước ngoài.
ThS. TRƯƠNG THÙY TRANG, phó giám đốc Sở Khoa học & công nghệ TP.HCM: Doanh nghiệp nên khai thác triệt để tài sản trí tuệ đang có.
Khi vào WTO Việt Nam phải tuân thủ hiệp định TRIPs là hiệp định liên quan đến các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Tức là nếu tài sản trí tuệ được đưa vào khai thác thương mại thì việc khai thác đó phải hợp pháp. Khai thác bất hợp pháp sẽ bị pháp luật của chính quốc gia thành viên WTO xử lý. Các thành phần kinh tế của Việt Nam cần hiểu rõ như thế nào là khai thác thác thương mại tài sản trí tuệ. Quảng cáo, nhập khẩu, lưu trữ hàng hóa có sử dụng nhãn hiệu đang được pháp luật bảo hộ là hành vi khai thác thương mại tài sản nhãn hiệu. Nếu việc sử dụng nhãn hiệu này không được phép của chủ tài sản thì là hành vi khai thác bất hợp pháp.
Vấn đề thứ hai là doanh nghiệp nên biết đánh bóng và khai thác triệt để tài sản trí tuệ mà mình hiện có, vì điều này sẽ đem lại giá trị gia tăng rất lớn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như Phở 24 là trường hợp thành công chỉ trong thời gian ngắn. Doanh nghiệp này đã sử dụng tài sản trí tuệ như một công cụ định vị tên tuổi của mình trên thị trường đối với một loại sản phẩm truyền thống phổ biến trong xã hội. Cách thiết kế trang trí cửa hàng, công thức nấu nước lèo, nhãn hiệu, tài liệu hướng dẫn huấn luyện khi mở các cửa hàng tương tự ở bất kỳ đâu trên thế giới... là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và được xác lập bảo hộ theo quy định của pháp luật. Với tài sản này họ đã nhượng quyền kinh doanh (franchise) cho nhiều nhà đầu tư khác ở một số quận huyện TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và cả các quốc gia khác như Indonesia, Úc…Với hình thức nhượng quyền họ đã gia tăng giá trị tài sản thu hút được sự đầu tư trong xã hội để khuếch trương việc khai thác sinh lợi tài sản của mình (một quỹ đầu tư nước ngoài đã chấp nhận đầu tư cho họ đến 500.000 USD).
Như vậy với việc tuân thủ TRIPs Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của mình với thị trường quốc tế một cách an toàn, chống được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên Việt Nam cũng đứng trước các thách thức là phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác trong khi bản quyền của các tài sản này không rẻ so với nguồn lực của mình. TP.HCM đã và đang có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức và hình thành kỹ năng xác lập, tổ chức khai thác tài sản trí tuệ (các khóa huấn luyện đào tạo chuyên gia cán bộ thực thi về sở hữu trí tuệ (SHTT), chương trình 1.000 nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, đăng ký giải pháp hữu ích và sáng chế, chương trình liên kết phối hợp thực thi...). Trong thời gian tới TP.HCM sẽ tập trung nâng cao nhận thức về tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng thực thi pháp luật SHTT cho các cán bộ thực thi, xây dựng mô hình quản lý tài sản trí tuệ bằng quy chế tổ chức hoạt động SHTT ở mỗi tổ chức cơ quan đơn vị. Hiện nay Cục SHTT đã và đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM cũng có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thỏa thuận giá sử dụng phần mềm máy tính hợp pháp. ó