Đô thị

Việc phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ

Bình Minh (t/h)04/01/2025 08:51

Hôm nay 4/1, theo kế hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương sẽ làm việc tại TP.HCM về nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, Thủ tướng sẽ tham dự hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời sẽ chủ trì họp Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án gặp khó khăn, vướng mắc của TP.HCM.

Tình hình triển khai đề án trung tâm tài chính tại TP.HCM

Định hướng phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (trung tâm tài chính) đã được nêu tại Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị, Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 và được thông qua tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ: Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và các vùng TP.HCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Trên cơ sở sự ủng hộ, thống nhất chủ trương của Đảng và Chính phủ, năm 2019, Thành ủy và UBND TP.HCM đã triển khai công tác nghiên cứu, mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn tham gia xây dựng đề án trung tâm tài chính.

Ngày 23/3/2021, UBND TP.HCM có công văn kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho Thành phố nghiên cứu, lập đề án xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM.

Tiếp đó, tháng 11/2022, Thành phố có công văn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo đề án; đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do việc xây dựng đề án là nhiệm vụ mang tầm quốc gia, cần có sự định hướng thống nhất của bộ, ngành chức năng trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Và ngày 6/10/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình (thông báo kết luận số 427 ngày 20/9/2024 và 453 ngày 4/10/2024), TP.HCM đã chủ động phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương để góp ý, hoàn thiện đề án tổng thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề án của Thành phố.

Ngày 31/10 vừa qua, Ban cán sự đảng Chính phủ trên cơ sở đề án tổng thể do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, các địa phương để hoàn thiện hồ sơ đề án trình Bộ Chính trị. Ngày 15/11, Bộ Chính trị có Kết luận số 47 về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, việc phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng trung tâm tài chính là vấn đề mới, phức tạp và nhiều nội dung khó, cần nghiên cứu chuyên sâu. Với đặc thù về tình hình, trình độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, các cơ chế, chính sách đề xuất vừa phải đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, tình hình thực tiễn vừa đảm bảo không ảnh hướng đến an ninh, kinh tế, chính trị của quốc gia.

Hiện các cơ chế, chính sách liên quan đề án đối với TP.HCM vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Đây là những nội dung vĩ mô, liên quan nhiều lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, bất động sản, công nghệ thông tin, an ninh quốc phòng…, nên cần sự định hướng của bộ, ngành chuyên môn để vừa mang tính đột phá nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia vào trung tâm tài chính, vừa đảm bảo khả thi, bám sát với định hướng của của Đảng và nhà nước.

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030

Trên cơ sở đề án tổng thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Bộ Chính trị thông qua, đồng ý về chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của Việt Nam, trong giai đoạn 2025-2030, TP.HCM cho biết sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM.

Cụ thể, Thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải trình các ý kiến đối với dự thảo và hoàn thiện đề án. Tổng hợp các chính sách cụ thể để đề xuất phát triển trung tâm tài chính theo các nhóm chính sách trong dự thảo đề án tổng thể của Ban Chỉ đạo và đề án của Thành phố phục vụ xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc hoạt động đối với trung tâm tài chính.

Trong giai đoạn 2025-2030, Thành phố kiến nghị cần xây dựng khung pháp lý cơ bản của trung tâm tài chính, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thành lập và vận hành trung tâm tài chính.

Thành lập các thể chế quản trị chủ chốt và ban hành các quy chế hoạt động của các cơ quan này. Kiện toàn tổ chức, bộ máy, đảm bảo các điều kiện vận hành của trung tâm tài chính và cơ quan quản lý trung tâm tài chính.

Phát triển các lĩnh vực ưu tiên trọng tâm trong giai đoạn này. Tổ chức thực hiện ngay các nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế cần áp dụng ngay và thí điểm nhóm chính sách thông dụng.

TP.HCM cũng cho hay sẽ tập trung thu hút nhà đầu tư tiên phong và triển khai tổ chức thị trường tài chính tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong trung tâm tài chính, như hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng số,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO