Đời sống

Tuổi thọ người dân TP.HCM ngày càng cao

Ngọc An 24/01/2024 - 11:28

Tốc độ già hoá dân số tại TP.HCM đang diễn ra nhanh và dồn dập, với tuổi thọ trung bình là 76,5 (cao hơn so với trung bình cả nước là 73,7).

Sáng 23/1, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo thích ứng già hóa dân số tại địa phương, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.

Các chuyên gia bàn luận về cách thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM.

Tại hội thảo, ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết tỷ lệ người cao tuổi trên địa bàn gia tăng với tốc độ khá nhanh trong thời gian qua. Nhóm người cao tuổi tại TP.HCM đang chịu tác động sâu sắc của mức sinh giảm sâu, tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 1/12/2023, TP.HCM có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm trên 12% dân số.

Trong đó, TP.Thủ Đức là địa phương có số người cao tuổi nhiều nhất với 127.019 người. Tiếp đến là Q.Bình Thạnh có 95.352 người cao tuổi, Q.12 có 90.731 người cao tuổi, Q.Gò Vấp có 77.732 người cao tuổi… với tuổi thọ bình quân là 76,5 (cao hơn so với cả nước là 73,7).

Ông Trung cho biết thêm, mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình tăng là nguyên nhân khiến TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động từ 10-20% được gọi là già hóa dân số, và nếu tỷ lệ này vượt quá 20% thì trở thành dân số già.

"Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay sẽ là thách thức lớn về mặt kinh tế, văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Không chỉ khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, già hóa dân số còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí", ông Trung nói.

hehe.jpg
Người cao tuổi nhận lương hưu tại P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Đơn cử với ngành Y tế, lãnh đạo ngành nhìn nhận hệ thống chăm sóc sức khỏe tại TP.HCM vẫn chưa thích ứng được với xu hướng già hóa dân số nhanh. Môi trường thân thiện với người cao tuổi, các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài.

Hiện, TP.HCM có 24 cơ sở bảo trợ và nhà dưỡng lão, cả công lập lẫn tư nhân. Rất ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung, chỉ hơn 0,5%, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh đất chật người đông, số cơ sở phúc lợi chăm sóc người cao tuổi tại thành phố, trung tâm dưỡng lão, bệnh viện, khoa lão dành cho người cao tuổi còn hạn chế, người cao tuổi khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những cơ sở hạ tầng đô thị như lối đi, thang máy, xe buýt... dành cho người cao tuổi cũng chưa được chú ý phát triển.

Cũng tại hội thảo, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết, sẽ đề xuất mô hình thành phố thân thiện với người cao tuổi, theo các tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa, trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi, xây dựng các câu lạc bộ...

Trong năm 2024, thành phố sẽ khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người cao tuổi để xác định mô hình bệnh tật, chủ động can thiệp sớm, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuổi thọ người dân TP.HCM ngày càng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO