TS Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM: Dịch vụ công, thị trường 'vàng mười' cho startup

Thực hiện: Hồng Ân - Đồ họa: Phúc Trần| 18/05/2023 16:37

Nhân dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, TS Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có những chia sẻ cùng Tạp chí Khoa học ...

- Được biết, TP.HCM có hiện có khoảng 2.000 startup, trong đó tỷ lệ khởi nghiệp về công nghệ thông tin chiếm 65 %. Trong vai trò nhiều năm là “tư lệnh ngành” khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại TP.HCM, ông đánh giá như thế nào về tỷ lệ này?

Thị trường dịch vụ công này có dư địa rất lớn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Công cuộc đất nước chuyển đổi số là một câu chuyện dài và rất nhiều việc để làm. Đó là chưa kể chuyển đổi số trong xã hội nói chung và hoạt động của doanh nghiệp trên các lĩnh vực.

Từ đó, các đối tượng khởi nghiệp (startup) nên quan tâm đến đến những bài toán, những vấn đề thực tiễn, cấp thiết của xã hội, của chính quyền hiện nay trong phát triển lĩnh vực dịch vụ công cung cấp, nhất là giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

- Nhìn chung, startup cũng giống như các doanh nghiệp truyền thống, đó là tỉ lệ “trụ” lại thị trường không được bao nhiêu. Vì sao startup “rụng như sung” vẫn là tình trạng phổ biến, thưa ông?

Đến nay, tôi thấy nhiều startup đưa ra sản phẩm còn khá sơ sài, ít có sự đột phá. Việcphân tíchnguyên nhân dẫn đến thất bại của các startup là rất quan trọng. Các chuyên gia đã đúc kết có 3 nguyên nhân lớn.

Nguyên nhân thất bại mà đa phần startup gặp phải là sản phẩm làm ra nhưng không có thị trường hoặc thị trường quá nhỏ. Vì thế, cần lựa chọn vấn đề giải pháp có thị trường đầu ra tương đối lớn, hoặc có quy mô đủ lớn để có thể tồn tại và phát triển.

Thứ hai là do chất lượng sản phẩm. Giải pháp có đủ sự sáng tạo, đột phá hay chưa trong việc tạo ra giá trị mới cho khách hàng. Phải hiểu rõ vấn đề của khách hàng, hiểu một cách hết sức tường tận thì mới có thể suy nghĩ và thiết kế những giải pháp đáp ứng đúng sự mong đợi của khách hàng.

Thứ ba là mô hình kinh doanh không phù hợp. Nếu chỉ nghĩ làm ra một giải pháp phần mềm và đi tìm khách hàng để bán thì đấy là một cách làm bình thường, và có khi lại thất bại.

Ntrong thực tế hiện nay, khu vực công và các doanh nghiệp đều đang thực hiện chuyển đối số. Nhiều người nghĩ rằng mang phần mềm đến từng đơn vị, doanh nghiệp chào bán là ổn, song kết quả lại không bán được. Lý do, không phải chỉ có một bài toán, một vấn đề, mà có rất nhiều các nghiệp vụ cần giải quyết và để mua tất cả các phần mềm thì không ngân sách nào cán đáng được. Vậy cách làm đó rõ ràng là không thành công.

- Xin ông có thể nói rõ hơn vết xe đổ mà hàng ngàn startup vướng phải khi tạo ra sản phẩm mới?

Nhiều startup than vãn không ai mua sản phẩm của mình, nhưng cũng cần thành thật nhìn nhận xem sản phẩm của mình đã thực sự làm hài lòng khách hàng hay chưa? Nếu khách hàng hài lòng chắc chắn người ta sẽ dùng.

Điều này có nghĩa là phải hiểu được khách hàng, chẳng hạn như quy trình của họ như thế nào, phương thức vận hành của họ ra sao, rồi thói quen, điều kiện của họ v.v…, tất cả đều phải được nghiên cứu, tìm hiểu. Vì thế, các startup cần nghiên cứu một cách bài bản, hoàn thiện từng bước, tinh chỉnh nhiều lần. Phải bám sát với khách hàng để hiểu và vận dụng hết sức sáng tạo Điều quan trọng là giải quyết được vấn đề của khách hàng.

Nhiều người làm phần mềm gọi xe, gọi đồ ăn, nhưng không phải ai cũng thành công. Mấu chốt là phải đưa ra giải pháp mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng mới có thể mang lại thành công.

- Ông có thể chia sẻ thêm những cách mà startup có thể thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm của mình?

Bạn hãy nhìn xem, bây giờ hiếm có những phần mềm nào trên cửa hàng Apple, Google trả tiền mua một lần. Đa số các phần mềm được trả theo thuê bao từng tháng hay năm, với mức giá phù hợp.

Điều đó cho thấy, làm sản phẩm không chỉ là vấn đề giải pháp kỹ thuật, sáng tạo mô hình hay, mà còn là mô hình kinh doanh làm sao để khách hàng sẵn lòng và đủ điều kiện trả chi phí cho sản phẩm đó.

Ngay cả đối với những doanh nghiệp bán hàng truyền thống, hiện nay cũng đã liên doanh với các tổ chức tài chính khi đi chào hàng. Nếu khách hàng không có sẵn tiền, thì ngay lập tức họ sẽ được vay, thậm chí đi kèm cam kết giải pháp sẽ mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí và từ đó tạo ra lợi nhuận cụ thể như thế nào. Như vậy, thay vì mỗi tháng khách hàng mất đi một số tiền, thì bây giờ, giải pháp sẽ mang lại lợi nhuận hợp lý, chi phí cho sản phẩm sẽ được trích lại từ khoản lợi nhuận đó.

Tóm lại, startup phải thuyết phụcđể khách hàng thấy sự hợp lý và lợi ích của họ, có thể họ không nhất thiết phải bỏ ra một khoản đầu tư ban đầu (vì được vay). Vấn đề là khả năng thuyết phục khách hàng về lợi ích và cách thức để có thể sử dụng sản phẩm của mình.

Với mô hình cho thuê, nên có một mức phí hợp lý, ban đầu dòng tiền mang lại không ồ ạt, nhưng đều đặn và tiềm năng mở rộng thị trường tốt.

Một chi tiết cần quan tâm, đó là cần giữ được mối quan hệ với khách hàng để tiếp tục phát triển sản phẩm, tạo ra sự gắn bó với khách hàng, đồng hành và thấu hiểu khách hàng. Điều này đồng thời cũng giúp cho quá trình sáng tạo không ngừng,khả năng tạo ra nhiều sản phẩm mới trong tương lai.

Hội nghị “Triển khai thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại TP.HCM giai đoạn 2022-2025” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

- Chủ trương của TP là thúc đẩy ĐMST trong khối dịch vụ công. Chương trình này được đánh giá là sẽ thúc đẩy tinh thần mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ dám làm cho cán bộ, công viên chức, và từ đó lan tỏa ra xã hội.

Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp muốn khởi nghiệp vào thị trường dịch vụ công nhưng đang gặp ít nhiều những rào cản nhất định. Với vai trò tham mưu cho TP và là cầu nối giữa doanh nghiệp và khối chính quyền, Sở Khoa học và Công nghệ đã có những hoạt động, thúc đầy gì, thưa ông?

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình UBND TP và đã được ban hành từ năm 2022 về kế hoạch thúc đẩy ĐMST trong khu vực công. Nội hàm của kế hoạch là hướng dẫn,hỗ trợ các sở ngành, quận, huyện hiểu rõ và thực hiện hoạt động ĐMST trong công việc, cụ thể hiện nay đang tập trung vào câu chuyện chuyển đổi số.

Như đã đề cập, dư địa chuyển đổi số khu vực công hiện nay còn rất lớn, có rất nhiều vấn đề, bài toán để giải quyết. Trên trang web của Sở Khoa học và Công nghệđăng tải đầy đủ thông báo về các chương trình khoa học công nghệ, ĐMST, trong đó nêu rõ định hướng các giải pháp, sản phẩm v.v… Chức năng, nhiệm vụ của Sở là hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm. Sau khi nghiên cứu thử nghiệm thành công, Sở tham mưu cho UBND TP để nghiên cứu, giao cho cơ quan chuyên ngành hoặc địa phương đưa vào ứng dụng hoặc thương mại hóa.

Sở cũng xây dựng các kênh kết nối, sau khi khảo sátlàm việc, sẽ tổ chức các sự kiện cà phê sáng tạo, là nơi mà bên có nhu cầu có cơ hội trình bày, mô tả và đặt hàng vấn đề của mình trước cộng đồng doanh nghiệp, trường, viện, cơ sởnghiên cứu. Tiếp đến, Sở kết nối để các đơn vị tìm hiểu kỹ vấn đề, phác họa các giải pháp và đăng ký thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển các giải pháp cho đơn vị đặt hàng.  

Thực tế triển khai đã giải quyết được một số bài toán hiện nay, có nhiệm vụ đã nghiệm thu, có nhiệm vụ đang thực hiện. Tuy nhiên với quy mô như hiện nayvẫn còn phải nỗ lực rất nhiều.

- Nhưng trở thành đối tác với các cơ quan, đơn vị dịch vụ công không dễ?

Có nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, có thể kể đến như sự trì trệ, thiếu đầu mối, thiếu sự quan tâm… Tiếp đến là những rào cản pháp lý, thủ tục tài chính, thanh quyết toán… cũng còn phức tạp nên doanh nghiệp còn e ngại, chưa mạnh dạn tham gia.

Còn về phía startup, trở lại vấn đề như đã đề cập. Đó là sự năng động của các startup, nghĩa là phải tích cực tận dụng mọi cơ hội thông qua sự kết nối của Sở Khoa học và Công nghệ, luôn luôn tiến công để đeo bám và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, giải pháp đưa ra phải điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay các doanh nghiệp nhìn chung chưa tập trung đầu tư vào hoạt động này.

Với lĩnh vực dịch vụ công, cần hiểu rằng năng lực đầu tư cho những sản phẩm công nghệ mới còn thấp. Tất nhiên doanh nghiệp phải duy trì lợi nhuận. Song, như đã đề cập, câu chuyện là phải hiểu rõ khách hàng để cho ra mô hình kinh doanh của mình. Chúng ta dùng Google, Facebook hàng ngày, họ không thu tiền từ người dùng, nhưng rõ ràng họ vẫn thu được lợi nhuận rất cao và phát triển mạnh mẽ.

Với trí tuệ nhân tạo hiện nay, dữ liệu cũng chính là nguồn tài nguyên có thể khai thác tạo ra nguồn thu. Đơn giản như chụp phim lao phổi, một vài tấm phim không có giá trị nhưng nếu là hàng triệu tấm phim thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Người ta có thể mua dữ liệu, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, tính toán, từ đó đưa ra phác đồ điều trị, sử dụng thuốc v.v…

- Như ông đã nói, các bài toán của khối dịch vụ công đang được giải dần, nhưng chưa thể hài lòng. Và những startup nhỏ cũng rất khó tìm được chỗ đứng… Ông có suy nghĩ như thế nào, giải pháp sắp tới sẽ là gì, thưa ông?

Thị trường của khu vực công, riêng bài toán của quận/ huyện đã là hàng chục, hàng trăm vấn đề cần phải giải quyết. Chúng tôi đánh giá quy mô thị trường này rất lớn, không phải chỉ cần một bài toán, một giải pháp mà cần cả một hệ thống giải pháp và sản phẩm.

Như vậy, đây là công việc của dài hạn chứ không thể một sớm một chiều. Câu chuyện chuyển đổi số của TP đang vướng mắc ở đây. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã phồi hợp cùng với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu với UBND TP từ rất sớm. Sắp tới, trung tâm chuyển đổi số TP.HCM sẽ được hình thành là một giải pháp tập trung thúc đẩy câu chuyện này. Đây sẽ là nơi đóng vai trò “đứng mũi chịu sào” để triển khai các bài toán của TP.

Mô hình đô thị thông mình là một ví dụ, cần phải xây dựng một hệ thống thống nhất thay vì mỗi nơi phát triển một hướng. Các quận huyện thực chất là giống nhau, hoặc có sự tương đồng lớn. Nếu tập trung nhân lực nghiên cứu các quy trình vận hành mô hình rất chi tiết cho một quận/ huyện là đã có thể thiết kế được sản phẩm hệ thống cho tất cả các địa bàn sử dụng và liên thông với TP.

Nếu làm theo chiến lược như thế thì bài toán chuyển đổi số khả năng cao sẽ được giải quyết. Vì vậy, nhu cầu của TP hiện rất cần những doanh nghiệp, những tổ chức xác định là tập trung vào giải quyết vấn đề này.

- Như vậy, phải chăng chỉ những “đại gia” trong ngành mới làm được điều đó?

Tôi không nghĩ là điều đó đúng. Thật sự các startup vẫn có thể tổ chức được câu chuyện này, tất nhiên để làm được phải có nguồn lực, rồi kết nối, hợp tác.

Bản thân các doanh nghiệp cỡ lớn hiện nay nhiều sản phẩm ra thị trường cũng chỉ ở mức tương đối, có khá ít sản phẩm thể hiện sự thấu hiểu một cách kỹ lưỡng, tường tận về khách hàng.  

Lấy ví dụ như Microsoft Word, từ trước đến nay trên thế giới cũng có một số phần mềm soạn thảo văn bản. Nhưng chỉ có MS Word tồn tại và phát triển, bởi nó được nghiên cứu rất sâu, ai cũng có thể sử dụng dễ dàng, thậm chí không nhiều người dùng có thể sử dụng được hết các tính năng được trang bị.

Ngược lại, tại Việt Nam, rất nhiều công ty làm phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý công văn v.v…, nhưng chưa có công ty nào đưa ra sản phẩm mà ai cũng “mê”, bởi các sản phẩm này chưa thể giải quyết được hết toàn bộ các vấn đề, nhu cầu của người dùng.

Ở góc độ khác, những “ông lớn” có tiềm lực tốt có thể dành ra một phần để đầu tư cho đội ngũ chuyên gia dày công làm câu chuyện này. Sản phẩm làm ra có thể cho miễn phí chỗ này, nhưng vẫn bán được ở rất nhiều nơi khác. Hãy hình dung, khi một quận/ huyện sử dụng tốt và hài lòng thì hầu như các quận/ huyện khác cũng sẽ dùng, và thậm chí các tỉnh thành khác họ sẽ chào đón sản phẩm.

- Thực tế có những sản phẩm công nghệ đặt hàng bài bản, nhưng ứng dụng lại rất hạn chế. Theo ông, vì sao lại như vậy?

Một trong những đặc điểm của ĐMST là cùng nhau thực hiện. Có nghĩa, khách hàng và đối tác phải luôn luôn trao đổi, thảo luận. Khách hàng cũng chính là người tham gia gián tiếp vào quá trình sáng tạo, phải cùng suy nghĩ với đối tác thì sản phẩm làm ra mới thỏa mãn được được nhu cầu.

Thực tế đến nay vẫn có sự hiểu chưa đúng về ĐMST, chẳng hạn như một công chức muốn thực hiện chuyển đổi số cho công việc tại phường mình, nên liên hệ kỹ sư phần mềm công nghệ thông tin để làm. Tuy nhiên lại cho rằng “nhà nước đặt hàng để cho nhà khoa học, doanh nghiệp giải quyết ”, trong khi đó bản thân lại không tham gia vào công việc đó. Kết quả là, sản phẩm đưa vềcái gì thì dùng cái đó, và mục tiêu cần giải quyết không hoặc chưa đạt được như mong muốn ban đầu.

Vì vậy, ĐMST phải đi từ thay đổi nhận thức, tư duy, và tất nhiên phải xuất phát từ cả hai phía.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM: Dịch vụ công, thị trường 'vàng mười' cho startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO