Y học

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 'Hướng đến đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu và y tế cơ sở'

Công Chương (thực hiện) 12/05/2024 - 15:45

Được thành lập từ tiền thân là Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM, đến nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cung cấp cho đất nước hơn 7.500 bác sĩ đa khoa hệ chính quy, 2.500 bác sĩ đa khoa hệ liên thông, 11.000 điều dưỡng hộ sinh và hơn 4.000 học viên tốt nghiệp sau đại học tham gia vào hệ thống y tế của TP.HCM đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Ngày 13/5, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập trường (1989-2024). Dịp này, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường đã có những chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông về hành trình 35 năm hình thành và phát triển trường.

nguyen-thanh-hiep-1.jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát biểu tại một sự kiện.

Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, từ khởi đầu là Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM đến nay là một trường ĐH Y khoa lớn, theo ông đâu là những giai đoạn phát triển đặc sắc của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Với tầm nhìn mang tính chiến lược, Anh hùng Lao động - Thầy thuốc nhân dân - Viện sĩ.TS.BS Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng và thành lập Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM với mục đích cung cấp nhân lực y tế cho hệ thống y tế Thành phố.

Ngày 15/3/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh đã ký Quyết định số 59CT về việc thành lập Trung tâm Đào tạo Cán bộ Y tế TP.HCM trực thuộc UBND TP.HCM. Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trung học và đại học y khoa thực hành phục vụ ở các cơ sở điều trị, ở tuyến y tế cơ sở và y tế cộng đồng với các hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn và chuyên tu.

dh-yk-pnt-1.png
Lễ kỷ niệm 15 năm mang tên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – 34 năm truyền thống xây dựng và phát triển nhà trường (tháng 9/2023).

Với sự phát triển không ngừng về quy mô và chất lượng đào tạo, ngày 7/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 24/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM. Trường có chức năng giáo dục, đào tạo nhân lực y tế, hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu, trao đổi khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ y tế, phục vụ cộng đồng.

Năm 2009, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, nhà trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo hệ sau đại học, khóa tuyển sinh đầu tiên với 08 học viên của 1 chuyên ngành Chuyên khoa I Tai Mũi Họng.

Năm 2013, được sự cho phép của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường đã triển khai chương trình hợp tác đào tạo của Khoa Y Việt Đức, đến nay đã và đang đào tạo được 10 khóa sinh viên. Đây là mô hình hợp tác đào tạo Y khoa chuẩn châu Âu duy nhất tại Việt Nam theo đề án liên kết đào tạo bác sĩ đa khoa giữa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y khoa Johannes Gutenberg - University Mainz, CHLB Đức. Chương trình đào tạo ra các thế hệ bác sĩ y khoa đạt trình độ chuyên môn chuẩn châu Âu nói chung, chuẩn CHLB Đức nói riêng, nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, góp phần hoàn thiện và đẩy mạnh phát triển hệ thống y tế TP.HCM cũng như cho cả nước trong tương lai. Khóa đào tạo đầu tiên có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 100% (26 bác sĩ), trong đó, có 23 bác sĩ làm việc tại CHLB Đức và 3 bác sĩ trở về phục vụ tại quê nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 khóa sinh viên Y Việt - Đức tốt nghiệp (2013, 2014, 2015, 2016) với tổng số lượng là 70 bác sĩ.

khoa-y-viet-duc-2b.jpg
Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Y Việt-Đức

35 năm qua, những thành tựu ấn tượng của nhà trường đối với sự phát triển chung của TP.HCM và lĩnh vực y tế nói riêng là gì, thưa ông?

-Trong hành trình phát triển của mình, nhà trường đã đạt được những thành tựu to lớn trong đào tạo, NCKH và phục vụ cộng đồng. Trường đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2019), Huân chương Lao động hạng Ba (2015, 2022), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2020), Cờ thi đua của Chính phủ (năm học 2017-2018), Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam năm 2020 với “Công trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng”, Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam năm 2021 với mô hình “Tổ Y tế từ xa”, Cờ thi đua của Bộ giáo dục và Đào tạo (2019, 2020, 2021, 2022), bằng khen của các cấp chính quyền trung ương và địa phương, cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội khác...

nguyen-thanh-hiep-2.jpg
Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động (tháng 12/2020).

Năm 2022, nhà trường được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia TP.HCM công nhận Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục.

Trong hành trình phát triển đó, các chương trình đào tạo của trường có những thay đổi hay cải tiến như thể nào?

-Trải qua 16 năm khoác lên mình chiếc áo đại học (2008 - 2024) cùng hành trình 35 năm xây dựng, phát triển (1989 - 2024), từ những chương trình đào tạo khiêm tốn ban đầu, đến nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai đào tạo 10 ngành trình độ đại học, 22 chuyên ngành trình độ Chuyên khoa cấp I, 18 chuyên ngành trình độ Chuyên khoa cấp II, 10 chuyên ngành trình độ Bác sĩ Nội trú, 11 ngành trình độ Thạc sĩ, 4 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ. Nhà trường đã cung cấp cho đất nước hơn 7.500 bác sĩ đa khoa hệ chính quy, 2.500 bác sĩ đa khoa hệ liên thông, 11.000 điều dưỡng hộ sinh và hơn 4.000 học viên tốt nghiệp sau đại học tham gia vào hệ thống y tế của Thành phố đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, giúp UBND TP.HCM thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X (tăng tỉ lệ bác sĩ và điều dưỡng lên 20 bác sĩ/10.000 dân và 35 điều dưỡng/10.000 dân), bổ sung nguồn nhân lực y tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Xu thế tự chủ đại học đang diễn ra mạnh mẽ. Việc chuyển hoạt động sang cơ chế tự chủ tài chính tác động thế nào đến các hoạt động của nhà trường?

-Theo tôi, tự chủ đại học là một chủ trương đúng đắn. Cơ chế tự chủ tài chính đã góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho trường, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng đào tạo. Việc quản lý tự chủ tài chính thúc đẩy nhà trường nâng cao hiệu quả hoạt động, khuyến khích trường và các đơn vị thuộc trường làm tốt hơn các nhiệm vụ, sứ mạng của mình, giảm thời gian và các chi phí vô ích, như sau:

Tính linh hoạt: Tự chủ tài chính cho phép Trường phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi của điều kiện thị trường, nhu cầu của người học và xu hướng đào tạo. Có thể điều chỉnh chiến lược lập ngân sách và phân bổ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mà không bị hạn chế bởi các quy trình quan liêu.

dh-yk-pnt-4.png
Nhà trường nhận giấy chứng nhận “Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục” (2023).

Đổi mới và tăng thêm nguồn thu: Với khả năng kiểm soát tài chính tốt hơn, Trường có thể theo đuổi các sáng kiến đổi mới và hoạt động đào tạo tạo doanh thu. Điều này có thể bao gồm việc triển khai các chương trình đào tạo mới, thiết lập quan hệ đối tác với ngành hoặc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, thúc đẩy văn hóa đổi mới và sáng tạo.

Phân bổ nguồn lực chiến lược: Tự chủ tài chính trao quyền cho Trường ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ theo quy định. Có thể phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn dựa trên thế mạnh, ưu tiên và cơ hội phát triển riêng của đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và sự xuất sắc trong hoạt động của đơn vị.

Trách nhiệm giải trình và tính minh bạch: Mặc dù quyền tự chủ cho phép Trường có toàn quyền quyết định hơn về tài chính nhưng cũng đòi hỏi mức độ trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cao hơn. Trường thường được yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn báo cáo tài chính và thông lệ quản trị nghiêm ngặt, đảm bảo rằng các bên liên quan có tầm nhìn rõ ràng về cách quản lý và sử dụng quỹ.

Đa dạng hóa nguồn thu: Tự chủ tài chính khuyến khích Trường đa dạng hóa nguồn thu ngoài các nguồn truyền thống như trợ cấp của nhà nước và học phí. Họ có thể khám phá các nguồn thu nhập thay thế, bao gồm quyên góp từ các đối tác, tài trợ nghiên cứu, quỹ tài trợ và liên doanh thương mại, giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ nguồn tài trợ duy nhất nào và tăng cường ổn định tài chính.

Lợi thế cạnh tranh: Trường có quản lý tự chủ tài chính hiệu quả sẽ có vị thế tốt hơn để cạnh tranh giành nhân lực chất lượng cao, người học và tài trợ nghiên cứu hàng đầu trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu. Từ đó, có thể tạo sự khác biệt bằng cách cung cấp các chương trình đổi mới, cơ sở vật chất hiện đại và các gói hỗ trợ tài chính hấp dẫn, nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của Trường.

Thúc đẩy tự chủ đào tạo: Tự chủ tài chính thường gắn liền với tự chủ đào tạo, cho phép Trường theo đuổi nghiên cứu khoa học và theo đuổi mục tiêu đào tạo mà không có sự can thiệp sâu từ bên ngoài. Quyền tự chủ này thúc đẩy văn hóa tự chủ đào tạo, tư duy phê phán và sự tò mò trí tuệ, điều cần thiết cho sự tiến bộ của kiến thức và theo đuổi kiến thức.

Đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan: Trường có quyền tự chủ tài chính có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu và sở thích của các bên liên quan khác nhau, bao gồm người học, viên chức, người lao động, cựu người học và cộng đồng rộng lớn hơn. Điều này có thể phân bổ nguồn lực dựa trên phản hồi và đầu vào từ các bên liên quan, thúc đẩy ý thức làm chủ và tham gia vào quá trình ra quyết định.

dh-yk-pnt-1.jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (bìa phải) và PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (bìa trái) tặng hoa cám ơn hai tác giả sáng tác ca khúc truyền thống “Y khoa Phạm Ngọc Thạch chắp cánh ta bay xa” - Nhạc sĩ. TS. Lê Thống Nhất và TS.BS Đặng Chí Vũ Luân. (tháng 3/2024).

Ông nhận thấy thế nào về xu hướng chọn học các ngành ở lĩnh vực khoa học sức khỏe của giới trẻ ngày nay?

-Theo đánh giá của ngành GD&ĐT, những ngành "nóng" đến năm 2030 thuộc lĩnh vực An toàn thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Khoa học máy tính và Khoa học sức khỏe. Trong đó, đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu có ít nhất 19 bác sĩ, 3 dược sĩ/10.000 người dân, so với tỷ lệ hiện nay là 12,5 bác sĩ/10.000 người dân. Riêng ngành Điều dưỡng rất thiếu nhân lực.

Tại TP.HCM, ngoài 3 cơ sở chuyên đào tạo các ngành thuộc nhóm sức khỏe là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TP.HCM, Khoa Y - ĐHQG TP.HCM, thì còn có nhiều trường ĐH đa ngành khác cũng đào tạo nhóm ngành sức khỏe.

Hậu quả của đại dịch Covid-19 kết hợp với suy thoái kinh tế và sự gia tăng nhanh chóng của công nghệ đã thay đổi cục diện ngành chăm sóc sức khỏe, đối với cả người bệnh và bác sĩ. Sau ba năm đại dịch, thế giới hướng đến việc chăm sóc sức khỏe từ bên trong, đặc biệt là sức khỏe tinh thần để có cuộc sống trường thọ.

Số liệu thống kê tuyển sinh của trường trong 3 năm gần đây cho thấy, một tín hiệu đáng mừng là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ngày càng nhiều hơn và các điểm số đầu cũng chất lượng hơn. Điều này cũng phần nào cho thấy việc xây dựng thương hiệu và công tác truyền thông của nhà trường đang triển khai rất hiệu quả.

Là Hiệu trưởng, ông kỳ vọng gì về sự phát triển của nhà trường trong thời gian tới?

-Hiện nay quy mô của trường gồm 8 khoa, đào tạo hơn 15.000 sinh viên và học viên sau ĐH. Mục tiêu của nhà trường là 15-20 năm sau đổi tên lần nữa để khẳng định tầm vóc của trường, trở thành 1 trường ĐH khoa học sức khỏe với các chương trình đào tạo hoàn chỉnh của khối khoa học sức khỏe. Đây là cam kết và cũng là động lực lớn với tập thể nhà trường. Qua các thời kỳ, trường đã luôn gắn bó thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Đó là đơn vị luôn quan tâm vừa đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu, vừa đào tạo cho y tế cơ sở. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi TP.HCM gặp khó khăn, tập thể thầy cô và sinh viên nhà trường đã tích cực, nỗ lực, chủ động tham gia cùng vượt qua đại dịch. Điều đó thể hiện cán bộ giảng viên, sinh viên của trường luôn bám sát sứ mệnh của mình để tiếp tục phát triển không ngừng.

Dự án trường ĐH kết hợp với bệnh viện thực hành theo mô hình viện - trường được xây dựng tại xã Tân Kiên, H.Bình Chánh (TP.HCM). Dự án này thuộc công trình nhóm A, quy mô 10 tầng nổi, 1 tầng hầm. Tổng diện tích sàn xây dựng (không bao gồm hầm) hơn 69.000m² và tổng diện tích sàn xây dựng (bao gồm hầm) 77.640m². Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.HCM, thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường đội ngũ giảng viên giỏi về lý thuyết và thực hành để mở rộng năng lực đào tạo và chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu cho ngành y tế TP.HCM và các tỉnh phía Nam cũng như cả nước, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển mạng lưới y tế quốc gia.

Xin cám ơn PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 'Hướng đến đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu và y tế cơ sở'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO