Theo đó, cùng với 3 Nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) là Vật lý, Tâm lý học giáo dục và Toán Giải tích, Hóa học là nhóm nghiên cứu mạnh thứ 4 của trường. Một trong những hướng phát triển của nhóm là tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng dược liệu của Việt Nam.
Trong nhiều năm trở lại đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có nhiều thành tích, đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, việc hình thành và xây dựng các nhóm NCM được nhà trường xem là chìa khóa, lực lượng chủ lực trong việc tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ chất lượng cao phục vụ xã hội.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phát biểu tại buổi ra mắt nhóm nghiên cứu mạnh Hóa học."Trách nhiệm của nhà trường không chỉ là nghiên cứu mà còn đào tạo, bồi dưỡng ra những giảng viên có trình độ cao. Hiện nhà trường đang duy trì được khoảng 150 -170 bài báo uy tín quốc tế. Trong hành trình phấn đấu đạt 200 bài trong 1 năm, tôi tin sự đóng góp của các Phó giáo sư, nhóm nghiên cứu mạnh và thầy cô có mặt hôm nay sẽ rất quan trọng...” - GS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Quátrình hoạt động trong thời gian qua, ba nhóm nghiên cứu mạnh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã bước đầu có những hoạt động và thành quả đáng lưu ý đóng góp vào hoạt động chung của trường và khắc họa hình ảnh lĩnh vực KHCN trong trường ĐH. Trong đó, số lượng công bố quốc tế mà các thành viên nhóm tham gia với vai trò tác giả 1 hoặc đồng tác giả đã gia tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Các tạp chí có uy tín Q1, Q2 đã có bài của nhóm xuất hiện góp phần cho định hướng phát triển khoa học và công nghệ chung nhất là các công bố khoa học quốc tế trong lĩnh vực Giáo dục học - Tâm lý học - Xã hội và Nhân văn. .
GS.TS. Huỳnh Văn Sơn nhận định: “Nhóm NCM không chỉ trực tiếp tiến hành các dự án nghiên cứu trong nước từ cấp nhà nước đến cấp cơ sở đều có sự tham gia chặt chẽ của các thành viên nhóm EPRG là chủ chốt mà còn tham gia với tư cách là cố vấn, đóng góp nhiều thành viên tham gia các hoạt động đào tạo, chuyển giao KHCN của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT theo đặt hàng và của kế hoạch chung của trường đại học. Điều có thể khẳng định là việc nghiên cứu của nhóm xuất phát từ bối cảnh của xã hội, của ngành và các thành tựu của giáo dục và đào tạo; đồng hành và giải quyết các vấn đề của ngành và của trường trên bình diện học thuật và định hướng ứng dụng. Sự nuôi dưỡng tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, đáp ứng các yêu cầu của nghiên cứu khoa học từ các góc nhìn cũng như phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, tạo ra tầm ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học là một thực tế có thể khẳng định...”.