Trăn trở với làng nghề xứ Huế

Bài và ảnh: VŨ HÀO| 14/12/2015 15:17

(KHPT) Từng là kinh đô của Việt Nam, Thừa Thiên Huế hội tụ nhiều nghề thủ công truyền thống, nhiều nghệ nhân giỏi. Tuy nhiên, một thời gian dài, các làng nghề ở đây không phát triển được, hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch Huế vẫn còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường...

Hiện nay, đường làng, ngõ xóm của làng nghề không còn chật hẹp nhưng môi trường dễ bị ô nhiễm hơn xưa. Các mối quan hệ bạn nghề, thầy - thợ bây giờ trở thành “hàng phố”, hành xử cũng thay đổi. Văn hóa làng nghề đang dần biến tướng theo trào lưu “phố thị”. Chịu tác động tiêu cực nhiều nhất là những làng nghề ven đô, đang mất dần bản sắc đích thực của làng nghề, có thể thấy rất rõ thực trạng ở các làng nón bài thơ Tây Hồ, tranh thờ làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, liễn đối làng Chuồn, hạt nổ và bài tới Địa Linh, gốm Phước Tích, đệm bàng Phò Trạch, đan đát Bao La... Nhiều làng chỉ còn giữ được cái tên làng nghề, thực chất nghề đã mai một, sắp mất hẳn, như nghề đệm bàng Phò Trạch không còn đất trồng nguyên liệu, nón bài thơ Tây Hồ không có đầu ra, tranh thờ làng Sình cả năm chỉ bán được vào tháng giêng, hoa giấy Thanh Tiên không thể cạnh tranh nổi với hoa giấy “ngoại”... Sản xuất bị thu hẹp, mất dần, có nơi mất hẳn, nghệ nhân phải đi xa quê mưu sinh như làng rèn Hiền Lương, làng mộc Mỹ Xuyên, làng kim hoàn Kế Môn...

Theo thống kê sơ bộ, Thừa Thiên Huế hiện có trên 200 làng nghề thủ công truyền thống, nhưng hoạt động thường xuyên chỉ mới tập trung vào 6 nhóm nghề: gốm sứ, dệt thêu, điêu khắc gỗ, mỹ nghệ kim hoàn, bảo tồn nhà rường, chế biến đặc sản ẩm thực. Theo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, các làng nghề gần thành phố, đất đai đang bị thu hẹp dần, người trong phố bung ra tìm đất xây biệt thự, người từ các huyện dồn về cư trú, hoặc lập cơ sở kinh doanh. Vì vậy mặt bằng sản xuất của các làng nghề bị thu hẹp dần, quy mô sản xuất nhỏ lại.

Mặt khác, nhu cầu của thị trường ngày càng đa dạng, nên tự các làng nghề phải “loay hoay” chuyển đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, và chuyên môn hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo công nghệ mới để bảo đảm chất lượng hàng hóa. Xu hướng này ngày càng bị tác động bởi sự phát triển du lịch, điển hình như làng gốm Phước Tích, bánh canh Nam Phổ, thêu Thuận Lộc, cơm hến Vĩ Dạ, hoa sen giấy Thanh Tiên... Ở khu vực ngoại thành mới manh nha một số nghề như phục chế nhà rường, chế biến thực phẩm đặc sản...

Xét về tổng thể, Thừa Thiên Huế là nơi giao lưu văn hóa, trong và ngoài nước. Số lượng du khách đến Huế nhiều, tạo cơ hội phát triển làng nghề làm dịch vụ: ăn uống, may mặc, giải trí, lưu niệm và tìm hiểu lịch sử - văn hóa (du lịch tâm linh). Do ưu thế thành phố Festival - thành phố di sản thế giới, nên giá trị văn hóa của làng nghề đang được khôi phục lại. Thành phố đang rà soát các cơ chế, chính sách để phát triển làng nghề truyền thống và hình thành phố nghề, làng nghề. Gắn đầu tư phát triển nghề mới với việc cải tạo công nghệ truyền thống, tạo ra sản phẩm tinh xảo, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Theo xu hướng, du lịch làng nghề có cơ hội phát triển, thu hút du khách nước ngoài là không gian làng nghề, di tích nghề, sản phẩm độc đáo, những nghệ nhân tài hoa, lễ hội giỗ tổ nghề, lễ hội làng nghề...

Đến làng gốm cổ Phước Tích, du khách thích thú được xem không gian sản xuất của nghệ nhân, xem lò nung gốm, phương thức sản xuất, mua sản phẩm lưu niệm. Du khách đến thăm làng thanh trà (Thủy Biều) cũng được thưởng ngoạn một số khu vườn thanh trà đang làm dịch vụ du lịch. Đến Bao Vinh xem phố cổ và di tích cảng Thanh Hà để hồi ức về một thời phát triển ngoại thương của kinh thành Huế. Về Quảng Thành, một vùng chuyên canh rau màu đặc sản, du khách cảm nhận đây là một vựa rau lớn vào thời chúa Nguyễn nam tiến xây dựng Phú Xuân - Thuận Hóa. Du khách đến Huế vào tháng chạp, có thể xem lễ hội và các trò diễn tôn vinh ông tổ nghề kim hoàn, nghề may thêu, nghề nề ngõa (xây dựng)...

Một số làng nghề ở Huế đến nay còn duy trì thường xuyên những hoạt động văn hóa - lịch sử như giỗ tổ (nghề kim hoàn, nghề mộc, nghề thợ xây, nghề may, nghề rèn...). Trong quy hoạch làng nghề giữ được những đình miếu, đền thờ tổ... khá nguyên vẹn, kể cả làng nghề “trong phố”. Điều đó kết hợp với không gian kiến trúc cố đô Huế, có giá trị truyền thống, biết khai thác hợp lý sẽ trở thành một điểm nhấn của văn hóa Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở với làng nghề xứ Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO