TP.HCM: Tín dụng trên đà tăng trưởng tích cực nhờ hiệu quả từ chính sách
Theo đại diện NHNN, ngoài yếu tố thuận lợi về môi trường và tăng trưởng kinh tế xã hội của Thành phố, yếu tố chính sách tiếp tục giữ vai trò quan trọng và là điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chi nhánh TP.HCM, tín dụng trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước.
Kết quả tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM trong quý 1/2024 (GRDP tăng 6,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây) phản ánh sự tăng trưởng và phát triển tích cực của nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố và là yếu tố môi trường kinh tế thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng.
Các ngành lĩnh vực sản xuất kinh doanh phát triển, kích thích nhu cầu vốn và tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tín dụng trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tháng 1/2024 tín dụng giảm 0,93%, tháng 02/2024 mặc dù tăng trưởng chậm, song tín dụng đã tăng trở lại, tăng 0,01% và dự ước tháng 03/2024 tín dụng trên địa bàn tăng 0,5% so với tháng trước.
Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 60%) và tăng trưởng tốt trong quý I/2024. Diễn biến này phù hợp với xu hướng tăng trưởng của các ngành dịch vụ, du lịch và lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn Thành phố trong quý I/2024.
Riêng cho vay doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm đạt 217.596 tỷ đồng cho 3.636 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với cuối năm 2023, là mức tăng trưởng tốt nhất so với các chương trình tín dụng khác.
Đánh giá về xu hướng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, ngoài yếu tố thuận lợi về môi trường và tăng trưởng kinh tế xã hội của Thành phố, yếu tố chính sách tiếp tục giữ vai trò quan trọng và là điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tín dụng, tiếp cận theo phía cầu. Trong đó, lãi suất thấp sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, kích thích doanh nghiệp và người dân mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thì nhu cầu này sẽ phục hồi và được hiện thực hóa.
Bên cạnh đó, những chuyển biến tích cực từ các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản (khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện; giao dịch mua bán tăng và những khó khăn vướng mắc được nhận diện và xử lý…) cũng sẽ tác động tích cực đến hoạt động tín dụng ngân hàng, tác động tích cực đến dòng vốn và chu chuyển vốn trong nền kinh tế, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng, và một chu kỳ tăng trưởng mới sẽ xuất hiện, khi nền kinh tế phát huy và duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm xu hướng tăng trưởng ổn định và bền vững.
Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết GRDP TP quý I năm 2024 ước tăng 6,54% so với cùng kỳ (TP.HCM có mức tăng trưởng GRDP đứng thứ 2/5 TP trực thuộc Trung ương, đứng thứ 2/6 các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,85%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,66%; khu vực dịch vụ tăng 7,34%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,4%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 88.537 tỷ đồng, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ lữ hành có mức tăng trưởng tích cực với doanh thu tháng 3 dự ước tăng 12,8% so với tháng trước và tăng mạnh 98,2% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 270.264 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Ba tháng đầu năm 2024 cũng là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 7,5% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 22,8%).
Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 3,1% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 24,2%).
Tổng doanh thu du lịch trong quý I ước đạt 44.710 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 8.063.316 lượt, tăng 6,6%, đạt 21,2% so với kế hoạch năm 2024; khách quốc tế ước đạt 1.384.316 lượt, tăng 32,4%, đạt 23% so với kế hoạch năm 2024.
Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 78.746 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 3.169 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo Kho bạc Nhà nước Thành phố, tính đến ngày 29/3/2024, số vốn đã giải ngân là 4.481 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 5,7% tổng vốn Thủ tướng Chính phủ giao (79.263,776 tỷ đồng).
Dự kiến đến hết ngày 31/3/2024, tổng số vốn giải ngân là 5.566 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 7,02%. So với số liệu giải ngân của quý I năm 2023 (1.608 tỷ đồng, tương đương 2,3%) thì số liệu giải ngân đến nay tăng hơn 3.958 tỷ đồng và gấp hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Về thành lập doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 12.433 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới khoảng 106.127 tỷ đồng, tăng 12,01% về số lượng và tăng 8,47% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.