TP.HCM tiệm cận mục tiêu “95-95-95” trong phòng, chống HIV/AIDS
Với nhiều mô hình, giải pháp phát hiện sớm, chăm sóc toàn diện người nhiễm HIV, TP.HCM tiệm cận mục tiêu 95-95-95, trở thành một trong những điểm sáng phòng, chống HIV/AIDS cả nước.
Trong chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030, Việt Nam đã đặt mục tiêu 95-95-95 để có thể kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Nghĩa là 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Tính đến cuối tháng 9/2024, TP.HCM đã đạt 93,5-92,8-98.
Thông tin được đưa ra tại mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12) ngày 30/11. Với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”, lễ mít-tinh được UBND TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức tại Quận 8.
Mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng
Đây là chủ đề mà Việt Nam lựa chọn cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam diễn ra hằng năm từ ngày 10/11 - 1/12.
Chủ đề mà Việt Nam lựa chọn năm nay có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể. Trước hết, nó hưởng ứng chủ đề “Take the Rights Path” của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).
Đây là hoạt động thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế; đồng thời phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử.
Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.
Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng cũng đã được triển khai, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.
Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, tính đến tháng 9/2024, TP.HCM có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng virus HIV. 100% quận, huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn đều báo cáo có người nhiễm HIV.
“Đến nay, HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm và tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao. Theo kết quả Giám sát trọng điểm HIV định kỳ hằng năm, tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam là 12,3%, nhóm phụ nữ mại dâm là 3% và nhóm nghiện chích ma túy ở mức trên 11%.
Theo số liệu thống kê từ chương trình giám sát phát hiện HIV, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
TP.HCM luôn đầu tư nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS
Trong những năm qua, TP.HCM luôn đảm bảo đầu tư nguồn lực cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt đẩy mạnh và đa dạng hóa các nguồn lực từ các tổ chức xã hội, cộng đồng.
Bên cạnh đó, Thành phố chủ động định hướng chuyển đổi các biện pháp can thiệp hướng đến duy trì bền vững như tăng cường cung cấp dịch vụ liên quan HIV thông qua Bảo hiểm y tế, xây dựng các danh mục định mức kỹ thuật tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội hóa…
TP.HCM đã áp dụng nhiều mô hình can thiệp hiệu quả theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Từ tháng 1/2021 đến tháng 9/2024, Thành phố đã duy trì và triển khai mô hình phòng khám thân thiện và toàn diện (OSS) tại 11 đơn vị (trong đó có 6 đơn vị tư nhân) nhằm tăng tính dễ tiếp cận, kết nối khách hàng đích với dịch vụ toàn diện từ dự phòng đến chăm sóc điều trị HIV/AIDS.
Bao gồm: can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); điều trị ARV, dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP); các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sức khỏe tâm thần… và kết nối chuyển gửi đến các cơ sở dịch vụ y tế liên quan, chăm sóc khách hàng.
Từ năm 2022 đến nay, TP.HCM cũng là đơn vị tiên phong đi đầu thực hiện mô hình chăm sóc điều trị toàn diện “Lấy con người làm trung tâm”. Ngoài điều trị ARV, các chương trình khác như: Sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm đi kèm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; sàng lọc ung thư cổ tử cung; sàng lọc sức khỏe tâm thần, HIV tiến triển, chăm sóc chuyên biệt sức khỏe trẻ vị thành niên...
Các hoạt động này nhằm chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện cho bệnh nhân HIV cũng như hỗ trợ việc điều trị ARV hiệu quả hơn.
“Chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, chúng tôi kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng”, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu kêu gọi.
Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính.
Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.
Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y Tế