TP.HCM thúc đẩy kinh tế tư nhân, mục tiêu huy động gần 500.000 tỷ đồng
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định, thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thúc đẩy các sáng kiến phát triển kinh tế tư nhân trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
“Mục tiêu trong năm 2025 là huy động tối thiểu 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó có gần 500.000 tỷ đồng từ khu vực ngoài ngân sách”, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết tại chương trình công bố và trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm 2025 tại TP.HCM ngày 25/3.

Bà Lệ cho biết thêm, Thành phố cũng đang xây dựng các thiết chế hỗ trợ doanh nghiệp như Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Chuyển đổi số, Trung tâm Công nghiệp 4.0 nhằm đồng hành và tiếp sức cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
TP.HCM là nơi khởi sắc mạnh mẽ nhất của khu vực kinh tế tư nhân
Nhấn mạnh bài viết mới đây nhan đề "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định "Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước", Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết đây không chỉ là sự ghi nhận, mà là một định hướng chiến lược của Đảng ta đối với công cuộc phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới.
“TP.HCM - nơi khởi nguồn và là cái nôi hình thành cộng đồng Hàng Việt Nam Chất lượng cao - cũng chính là nơi khởi sắc mạnh mẽ nhất của khu vực kinh tế tư nhân. Chúng ta tự hào khi năm 2024, khu vực tư nhân chiếm tới 77% cơ cấu kinh tế TP.HCM; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt hơn 395.000 tỷ đồng, trong đó hơn 67% đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, GRDP năm 2024 tăng trưởng trên 10% - minh chứng rõ nét cho vai trò dẫn dắt của khu vực này”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hơn 40 triệu người - chiếm hơn 80% lực lượng lao động. Riêng ngành sản xuất - lĩnh vực nòng cốt - chiếm 23,3% GDP với giá trị gia tăng hơn 108 tỷ USD vào năm 2025, tạo việc làm cho gần 8 triệu lao động, chiếm 15% lực lượng lao động và là lực lượng dẫn đầu trong xuất khẩu với tỷ trọng trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển chiến lược, hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được điều đó, như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng một khu vực tư nhân vững mạnh - những doanh nghiệp Việt Nam có tầm nhìn toàn cầu, làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc tế. TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước cam kết sẽ luôn đồng hành, lắng nghe và kiến tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp Việt, trong đó có các doanh nghiệp HVNCLC, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và hạnh phúc”, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định.
Áp lực tăng trưởng kinh tế lớn nhưng cũng là cơ hội bứt phá
Trước đó, tại hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam 2025 và những chính sách kinh tế cần quan tâm”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Nghị quyết 25 của Chính phủ giao nhiệm vụ cho các địa phương về tăng trưởng kinh tế, đặt ra áp lực lớn. Việt Nam không chỉ hướng tới mức tăng trưởng 8% mà còn đặt mục tiêu hai con số trong những năm tới. Đây là áp lực lớn nhưng cũng là cơ hội để đất nước bứt phá mạnh mẽ hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cải cách mạnh mẽ, từ chính sách kinh tế, khoa học công nghệ đến quản trị doanh nghiệp. Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57, 193 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt, tạo ra áp lực những cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt khi kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí trung tâm, thậm chí có thể là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Theo ông Tuấn, dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết và sức cạnh tranh yếu. Nghị quyết mới sắp ra đời được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu này bằng loạt giải pháp mạnh mẽ. Đặc biệt, có thể có những chiến lược riêng cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, cũng như có chính sách để thúc đẩy 5 triệu hộ kinh doanh tiến lên thành lập doanh nghiệp.
Tại Lễ công bố và trao chứng nhận HVNCLC năm 2025, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã trao chứng nhận cho 562 doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC 2025 do người tiêu dùng bình chọn. Trong đó, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu với 257 doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định, các doanh nghiệp (DN) được tôn vinh lần này chính là những "tế bào sống" của một nền kinh tế năng động và tự chủ. Những sản phẩm hàng Việt chất lượng cao không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn từng bước chinh phục người tiêu dùng khu vực và quốc tế, đóng góp mạnh mẽ vào xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần Việt.