Sống xanh

TP.HCM sở hữu giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD và các dự án khai thác ban đầu

Nhật Hòa 12/05/2024 12:37

Theo Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đầu tàu kinh tế của Việt Nam được lựa chọn là địa phương đầu tiên thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

tp.jpg
Điện mái nhà góp phẩn giảm khí thải carbon

Tại cuộc trao đổi với chủ đề 'Tín chỉ carbon ai bán, ai mua' do Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) tổ chức ngày 11/5, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM cho biết, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, quy mô thị trường sản phẩm của TP.HCM có giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD.

Trong đó, dự án trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, chi phí đầu tư khoảng 405,1 triệu USD, thời hạn 15 năm, có thể giảm phát thải khoảng 12,3 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 206,9 triệu USD.

Dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chi phí đầu tư khoảng 280 triệu USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 3,8 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 64,5 triệu USD.

Dự án nâng cấp đèn LED (131,358 đèn), mức chi phí đầu tư khoảng 20,1 triệu USD, thời hạn 10 năm, giảm phát thải khoảng 0,5 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 7,4 triệu USD.

Dự án, nâng cấp xe máy điện (7,9 triệu xe cá nhân, 0,2 triệu xe dịch vụ), mức chi phí khoảng 6,9 tỷ USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 34,6 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon đạt hơn 579 triệu USD.

Theo Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đầu tàu kinh tế của Việt Nam được lựa chọn là địa phương đầu tiên thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

TP.HCM cũng sẽ triển khai nhiều dự án có tiềm năng tạo ra tín chỉ, có thể kể đến như nâng cấp hệ thống đèn đường thành đèn LED tiết kiệm điện, lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các tài sản công và một số công trình tư nhân trên địa bàn thành phố, trang bị các thiết bị tiết kiệm điện cho một số tòa nhà.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp đang có cường độ phát thải khí nhà kính cao và có nhu cầu bù đắp khí thải.

Chính vì vậy, việc triển khai cơ chế tín chỉ carbon tại TP.HCM mở ra nhiều cơ hội, không chỉ đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp đang hoạt động mà còn là lợi thế để thu hút thêm dòng đầu tư mới, trong bối cảnh đầu tư bền vững đang trở thành xu thế trên toàn cầu.

Ông Thắng cho biết, trong năm 2024, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ hoàn thiện đề án thí điểm cơ chế tài chính giảm phát thải theo hình thức trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và trình UBND thành phố phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM sở hữu giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD và các dự án khai thác ban đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO