TP.HCM: Sinh vật cảnh phù hợp nông nghiệp đô thị, gia tăng không gian xanh
Hoa, cây kiểng, thú cưng, cá cảnh, các loại bò sát… đang dần trở thành xu hướng phát triển đối với nông nghiệp đô thị, nông nghiệp cao tầng, gia tăng không gian xanh.
Tuần lễ sinh vật cảnh TP.HCM năm 2024 diễn ra từ 11 - 13/10/2024 tại Câu lạc bộ Văn hóa - Thể dục Thể thao Nguyễn Du (Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM), do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM phối hợp UBND Quận 1 và Hội Ngành nghề Nông nghiệp TP.HCM tổ chức.
Ngành sinh vật cảnh: Thư giãn trong không gian xanh
Ngành sinh vật cảnh phát triển góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sinh vật cảnh Thành phố, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Bảo tồn và phát triển ngành sinh vật cảnh gắn với phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường sống, gia tăng không gian xanh. Qua đó nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm sinh vật cảnh, góp phần phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp nội đô của TP.HCM, hướng tới nền kinh tế sinh thái bền vững.
Tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, cho biết: “Ngành sinh vật cảnh TP.HCM trước hết là để đáp ứng nhu cầu không gian sống xanh của hơn 13 triệu dân đô thị trên địa bàn Thành phố. Do không gian sống ngày bị thu hẹp, các sản phẩm nông nghiệp của Thành phố phải chuyển đổi dần từ sản phẩm nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp sinh vật cảnh đô thị.
Với diện tích chừng nửa mét vuông, mỗi người dân TP.HCM đã có thể tận hưởng và thư giãn không gian xanh với những sản phẩm sinh vật cảnh phù hợp. Những sản phẩm sinh vật cảnh như thú cưng, mèo, chó, chim đến hoa, cây kiểng đều có thể đáp ứng được nhu cầu cho người dân”.
Theo ông Phú, các sự kiện như tuần lễ sinh vật cảnh như vậy sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sinh vật cảnh nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tạo sân chơi giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm sinh vật cảnh Thành phố. Các thành viên trong lĩnh vực sinh vật cảnh đã sáng tạo để đa dạng sản phẩm, cách thức phục vụ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thành phố.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Ngành nghề Nông nghiệp TP.HCM, nói: “Trước đây, sinh vật cảnh là thú vui tao nhã của một số ít người. Những năm gần đây, sinh vật cảnh ngày càng trở thành thú vui của bất kỳ ai yêu thiên nhiên, trở thành không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người dân.
Ngày nay, xã hội hiện đại, nhịp sống hối hả, áp lực công việc ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh ấy, việc tìm về với thiên nhiên, tạo dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp trở thành nhu cầu thiết yếu. Những hòn đá, những chậu cây, những tiểu cảnh, những thú cưng… không chỉ để trang trí mà còn trở thành những người bạn đồng hành, mang lại sự bình yên và cảm hứng cho mỗi chúng ta”.
Các loài bò sát: Thú cưng mới trong không gian đô thị
Hoạt động sinh vật cảnh ngày càng được coi trọng và mở rộng không gian hoạt động hướng tới phục vụ cộng đồng, từ các khu dân cư đến các công trình phúc lợi xã hội, nơi công cộng… Sản phẩm sinh vật cảnh gắn với các dịch vụ đi kèm và trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Giá trị sản xuất của nhóm ngành sinh vật cảnh chiếm tỷ trọng cao. Nhóm sản phẩm sinh vật cảnh của TP.HCM được xác định là nhóm sản phẩm tiềm năng cho chương trình “Mỗi xã một Sản phẩm - OCOP”. Đến hết tháng 8/2024, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng đạt 2.203ha, trong đó diện tích trồng mai là 810ha, hoa lan hơn 300ha, hoa nền hơn 400ha, hơn 600ha kiểng và bonsai…; sản xuất cá cảnh đạt hơn 88 triệu con, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 9,84 triệu USD.
Tuần lễ sinh vật cảnh TP.HCM 2024 gồm 60 gian hàng, giới thiệu sản phẩm hoa cây kiểng và bonsai như các giống hoa lan đặc sắc (Mokara, Dendrobium, Cattleya, ...), các loại cây giống, tiểu cảnh bonsai, các cây bonsai có giá trị kinh tế cao; cá cảnh đang thịnh hành trên thị trường; động vật cảnh như các giống chó, mèo, bò sát… cũng như các sản phẩm trang thiết bị, vật tư và dịch vụ phục vụ cho ngành sinh vật cảnh.
Chị Võ Thị Ngọc Trân, Cty TNHH Story Art, có gian hàng trưng bày cây kiểng, chia sẻ: “Tham gia các tuần lễ triển lãm như thế này là dip giao lưu với nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực cây kiểng. Từ đó giúp bản thân định hướng, chăm chút lại sản phẩm mình có như các loại cây trong nhà, cây ngoài trời...; sáng tạo các loại sản phẩm cây kiểng phù hợp với nội thất trong nhà hoặc diện tích nhỏ hẹp. Đây cũng là dịp để quảng bá phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để trang trí tiểu cảnh".
Ngoài ra, trong tuần lễ sinh vật cảnh có hai cuộc thi được tổ chức là quý khuyển và mèo đẹp nhằm đẩy mạnh phong trào nuôi và chăm sóc thú cưng có kiểm soát trên địa bàn Thành phố. Đồng thời trong suốt thời gian tuần lễ sinh vật cảnh diễn ra các hoạt động như chẩn đoán, điều trị bệnh và tư vấn chăm sóc động vật cảnh cũng được thực hiện miễn phí.
Đặc biệt, ngành sinh vật cảnh thành phố hiện đang rất chú trọng phát triển các loại động vật bò sát. Nhiều loài mới xuất hiện trong tuần lễ sinh vật cảnh này như trăn gấm, thằn lằn đen, rồng Nam Mỹ, rồng Úc, tắc kè… Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hy vọng tuần lễ sinh vật cảnh sẽ được quảng bá tới nhiều dân Thành phố.
Anh Trương Hoàng Khang, thuộc chi hội bò sát TP.HCM, có trong tay khoảng 40 con trăn gấm và 10 con kỳ đà. Anh cho biết: “Từ năm 2019, tôi đã bắt đầu tìm hiểu và bước vào lĩnh vực lai tạo các giống bò sát, bảo vệ nguồn gene. Bò sát đã dần trở thành một trong những nguồn thú cưng mới phổ biến. Tiềm năng của ngành bò sát đang rất tốt, nhiều người, đặc biệt là người trẻ, ngày càng quan tâm và thích chơi các loài bò sát”.
Riêng về cá cảnh, ông Tân Xuyên, Chi hội trưởng Chi hội Cá cảnh TP.HCM, cho biết tỷ lệ cá cảnh được tiêu thụ nội địa ngày càng tăng. Ngành cá cảnh luôn cần các sản phẩm độc đáo, mới lạ. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển các giống mới hay quy trình cấp phép giống mới hiện nay cần phải nhanh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu kinh doanh cá cảnh.