Sống xanh

TP.HCM ra kế hoạch để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời với sự cố chất thải

01/03/2024 - 20:57

UBND TP đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của TP.HCM với tinh thần: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời

Sự cố mức độ trong Kế hoạch này trong phạm vi hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, hoặc thuộc phạm vi quản lý của hai Sở ngành trở lên, hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường lan rộng ngoài khả năng ứng phó của cấp huyện. Tuy nhiên, khả năng và mức độ ứng phó nằm trong khả năng hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng ứng phó tại chỗ của TP.

Kế hoạch nêu rõ dự kiến các khu vực nguy cơ cao tại TP.HCM, gồm: Nguy cơ sự cố chất thải rắn; nguy cơ sự cố chất thải lỏng; nguy cơ sự cố chất thải khí. Kế hoạch cũng dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý; nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị.

Về Nguyên tắc ứng phó, Kế hoạch đưa ra các hướng dẫn: Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;

Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó;

Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố;

Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn TP.HCM

Đồng thời, UBND TP đã ban hành Quyết định quy định về mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2029 thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của UBND TP. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/3/2024.

Về phạm vi điều chỉnh, quyết định này quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2029 thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của UBND TP.HCM theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ.

Quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điều 31 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Về đối tượng áp dụng, quy định này áp dụng cho tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển; cơ quan quản lý nhà nước, cấp có thẩm quyền giao khu vực biển; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể đối với từng nhóm hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển:

Nhóm 1: Sử dụng khu vực biển để nhận chìm: 20.000 đồng/m3.

Nhóm 2: Sử dụng khu vực biển để làm cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí ngoài khơi và các cảng, bến khác; làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng hàng hải chuyên dùng, các công trình phụ trợ khác; vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, xây dựng cảng tàu vận tải hành khách; vùng nước phục vụ hoạt động nhà hàng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển; khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch; khai thác dầu khí; khai thác khoáng sản; trục vớt hiện vật, khảo cổ: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Nhóm 3: Sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Nhóm 4: Sử dụng khu vực biển để xây dựng hệ thống đường ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Nhóm 5: Sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Nhóm 6: Sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác: 7.500.000 đồng/ha/năm;

Trường hợp trong cùng một khu vực biển có nhiều hoạt động sử dụng khu vực biển theo các mục đích khác nhau nhưng không xác định được diện tích riêng cho mỗi mục đích sử dụng thì áp dụng mức thu cao nhất trong số các mục đích sử dụng để tính tiền sử dụng khu vực biển trong khu vực biển được giao cho tổ chức, cá nhân.

Đối với những hoạt động sử dụng khu vực biển chưa có quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể theo mức thu tiền sử dụng khu vực biển tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND TP xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 3.000.000 đồng/ha/năm và không cao hơn 7.500.000 đồng/ha/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM ra kế hoạch để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời với sự cố chất thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO